Tuần qua nước Mỹ đã liên tiếp đón nhận những tin dữ, từ vụ đánh bom đẫm máu tại cuộc thi marathon ởBostonđến vụ nổ nhà máy hóa chất tạiTexasvới con số thương vong và thiệt hại rất lớn. Cũng trong thời gian này, một trường đại học danh tiếng ở bangCaliforniađã phải sơ tán sinh viên sau khi nhận được lời đe dọa đánh bom.
Chưa hết, ngay cả Tổng thống Mỹ Obama cũng là mục tiêu mà kẻ tấn công nhắm đến khi một bức thư gửi cho ông có chứa chất độc giết người bị FBI phát hiện.
Vụ đánh bom Boston và cuộc vây bắt nghi phạm
Vụ tấn công khủng bố xảy ra ngày 15-4 (theo giờ địa phương) tại quảng trường Copley của thủ phủBoston- bangMassachusetts. Diễn biến vụ khủng bố được ghi nhận như sau.
Hai quả bom phát nổ lúc 14g45 tại hai địa điểm cách nhau khoảng 50 mét, gần vạch đích của cuộc thi chạy quốc tế thường niên Boston Marathon làm ba người chết và hơn 170 người bị thương, nhiều trường hợp hiện vẫn còn trong tình trạng nguy kịch.
Đây là cuộc tấn công khủng bố đẫm máu nhất tại nước Mỹ kể từ sau vụ 11-9-2001. Nhà chức trách Mỹ tuyên bố sẽ truy lùng bằng được các nghi phạm dù phải “lục tung trái đất”.
Tối ngày 18-4 cuộc truy lùng thủ phạm đạt được đột phá đầu tiên, khi Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) công bố đoạn clip và ảnh của hai người đàn ông được cho là nghi phạm trong vụ đánh bom.
Khoảng 22 giờ 20 phút cùng ngày, cảnh sát Sean Collier của Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) bị bắn trọng thương gần ký túc xá của nhà trường và qua đời tại bệnh viện. Trước đó sĩ quan này nhận được tin báo về vụ cướp tại một cửa hàng tạp hóa và khi lái xe đến gần hiện trường đã bị hai nghi phạm trẻ tuổi bắn nhiều phát đạn lúc còn đang ngồi trong xe.
Cái chết của Collier mở màn cho một cuộc truy lùng gắt gao với những diễn biến căng thẳng như trong phim hành động. Thành phố Boston tựa như đang trong thời chiến với 9.000 cảnh sát được hỗ trợ bởi trực thăng và xe bọc thép, cùng sự có mặt của FBI, lực lượng chống khủng bố, các chuyên gia chất nổ, mật vụ Mỹ, đặc vụ Bộ an ninh nội địa…
Thống đốc bang Massachusetts đích thân ra thông báo kêu gọi mọi người dân ở yên trong nhà, chốt chặt cửa, không mở cửa cho ai ngoại trừ cảnh sát.
Mười phút sau khi Collier bị bắn, cơ quan chức năng nhận được tin báo hai nghi phạm đã khống chế một chiếc xe Mercedes tại khu Cambridge, giữ tài xế trong xe khoảng nửa giờ trước khi trả tự do cho anh này, rồi tẩu thoát về hướng Watertown.
Cảnh sátBostontruy tìm nghi phạm qua từng dãy nhà
Trong quá trình truy đuổi chiếc xe trên, lực lượng cảnh sát đã bị hai nghi phạm chống trả quyết liệt bằng súng và ném cả những quả bom tự chế khiến một cảnh sát bị thương nặng.
Một trong hai nghi phạm đã bị cảnh sát bắn hạ, trong khi nghi phạm thứ hai liều lĩnh lái xe hơi băng qua thân thể của anh trai để đào thoát.
Ngay sau đó danh tính và lai lịch của hai nghi phạm được công bố. Kẻ bị bắn chết là Tamerlan Tsarnaev, 26 tuổi, tên còn lại là em ruột của Tamerlan, có tên Dzhokhar Tsarnaev, 19 tuổi. Cả hai đều là người gốc Chechnya.
Cuộc truy bắt Dzhokhar lên đến cao trào trong sáng 19-4 khi chính quyền Boston thông báo tạm ngừng toàn bộ hệ thống giao thông công cộng gồm tàu điện ngầm, xe buýt, xe taxi. Các trường học, nhà hàng cũng được yêu cầu tạm ngừng hoạt động. Cảnh sát còn lập vùng cấm bay trên bầu trời: Boston bỗng trở nên vắng lặng như một thành phố ma.
Tối cùng ngày, sau khi lệnh giới nghiêm kết thúc, lúc 19 giờ ông David Henneberry ra khỏi nhà ở thị trấn Watertown định dắt chó đi dạo thì thấy tấm vải che thuyền sau nhà lật phật trong gió. Henneberry bèn lấy thang leo lên thuyền, phát hiện ở đuôi tàu một thanh niên đang nằm cuộn tròn bên vũng máu bèn gọi ngay cho 911.
Đội đặc nhiệm lập tức có mặt, dùng một robot kéo tấm bạt phủ ra và sử dụng camera hồng ngoại gắn trên trực thăng để quan sát. Cảnh sát dùng loa gọi nghi phạm đầu hàng nhưng y không chấp hành. Một cuộc đấu súng diễn ra gần một giờ, sau đó lực lượng an ninh xông vào thuyền và bắt sống Dzhokar Tsarnaev.
Lúc 20 giờ 40 phút giờ địa phương, cảnh sát Boston xác nhận nghi phạm đã bị bắt, khép lại một chiến dịch vây bắt nghẹt thở đầy kịch tính.
Các điều tra viên Mỹ chuẩn bị thẩm vấn nghi phạm thứ hai trong vụ đánh bom Boston dù nghi phạm vẫn chưa thể nói được. Câu hỏi lớn đặt ra là vì lý do gì mà những thanh niên nhập cư được nuôi dưỡng và giáo dục nhiều năm ở Mỹ lại thực hiện các hành động khủng bố cướp đi sinh mạng những người vô tội ở chính đất nước mà y muốn đến để sinh sống.
14 người chết trong vụ nổ ở Texas
Chỉ hai ngày sau vụ đánh bom ở Boston, một vụ nổ kinh hoàng xảy ra lúc 19g50 ngày 17-4 tại nhà máy phân bón West ở bang Texas, nối tiếp những sự kiện đang gây hoang mang cho cả nước Mỹ.
Một ngày sau vụ nổ, nhà máy phân bón West vẫn cháy rực, khói đen cuồn cuộn
Diễn biến ban đầu là một đám cháy ở nhà máy, tiếp đó đến vụ nổ khiến một quả cầu lửa lớn bốc lên trời, khói đen dày đặc.
Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ ghi nhận chấn động ở đây tương đương với một trận động đất 2,1 độ Richter, được miêu tả “như một vụ nổ bom hạt nhân” đã phá hủy 50 ngôi nhà cùng nhiều cơ sở vật chất khác. Rung chấn có thể cảm nhận ở cách đó hơn 70 km. Vụ nổ làm hơn 160 người bị thương và khoảng 2.600 người sống trong phạm vi 30km phải đi sơ tán trong đêm.
Thống đốc bang Texas Hoa Kỳ Rick Perry gọi vụ nổ là “một cơn ác mộng thật sự”. Nói như vậy cũng không quá đáng vì một ngày sau vụ nổ, khói vẫn cuồn cuộn trên đống đổ nát của nhà máy, những ngôi nhà lân cận bị tốc mái và một lượng lớn kim loại bị bắn ra cánh đồng trồng bắp gần bên. Đội cứu hộ phải đi đến từng căn nhà trong đống đổ nát tại khu vực gần nhà máy, viện dưỡng lão lân cận và cả trong nhà máy để tìm kiếm thi thể nạn nhân và những người có thể còn sống sót.
Thị trưởng Tommy Muska của thị trấn West cho biết đội tìm kiếm đã phát hiện 14 thi thể, trong đó phần lớn là lính cứu hỏa, những người đến hiện trường để chữa cháy trước khi lửa lan tới các bồn chứa amoniac và gây nổ.
Cơ quan phòng cháy chữa cháy ghi nhận nhà máy phát nổ có thể do khí amoniac, như vậy yếu tố tấn công khủng bố đã được loại trừ.
Ngày 19-4, Tổng thống Mỹ Obama đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại khu vực xảy ra sự cố, đồng thời cam kết chính quyền liên bang sẽ hỗ trợ bang Texas trong việc khắc phục hậu quả.
Trường đại học bị đe dọa đánh bom
Một ngày sau vụ nổ ở Texas, Đại học California State – Los Angeles (CSULA) của Mỹ phải sơ tán sinh viên khẩn cấp vào trưa 18-4 sau khi nhận được một lời đe dọa đánh bom qua điện thoại.
Cảnh sát sơ tán người ra khỏi Trường Đại học California State sau khi nhận được lời đe dọa đánh bom
Người phát ngôn Andrew Smith của Sở cảnh sát thành phố Los Angeles cho biết, CSULA đã quyết định đóng cửa đồng thời sơ tán tất cả sinh viên và nhân viên nhằm bảo đảm an toàn. Một đội dò bom cũng đã được điều động đến ngôi trường này để dò tìm.
Những sự kiện bất ổn liên tiếp xảy ra tuần qua đã khiến giới hữu trách tại các thành phố lớn ở Mỹ đã tăng cường các biện pháp bảo vệ an ninh.
Sở Cảnh sát Los Angeles đã bố trí thêm nhân viên cảnh sát tại các trạm xe và những địa điểm công cộng khác. Cảnh sát ở New York, Washington, Las Vegas, Detroit và Atlanta cho biết họ đang theo dõi sát các sự kiện.
Tổng thống Obama cũng là mục tiêu bị tấn công
Lên tiếng sau vụ nổ ở Boston, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định “Bất kể cá nhân hay tổ chức nào chịu trách nhiệm về vụ tấn công đều sẽ bị trừng phạt thích đáng trước công lý”.
Điều đáng nói, chính ông Obama cũng là mục tiêu để những kẻ tấn công nhắm đến. Một bức thư đã được gửi cho Tổng thống Obama và một bức thư khác gửi tới thượng nghị sĩ Roger Wicker của bang Mississippi, cả hai đều được xác định là chứa chất cực độc ricin.
Theo bản tin của FBI công bố ngày 17-4, hai bức thư này đều có cách đóng phong bì giống nhau, chữ và các cụm từ được sử dụng trong thư giống nhau và đều đóng dấu bưu điện ngày 8-4-2013 từ Memphis, bang Tennessee.
Ngày 18-4, Bộ Tư pháp Mỹ công bố một nghi can tên Kenneth Curtis ở tại bang Mississipi đã bị bắt giữ.
Ricin là chất độc dùng liều lượng nhỏ có thể gây chết người, được gọi là “vũ khí sinh học khủng khiếp nhất”, nếu hít hoặc nuốt 1mg là có thể chết trong vòng ba ngày.
Chất độc ricin được tẩm trong hai bức thư là loại trước đây từng xuất hiện tại phòng nhận thư của Thượng viện Hoa Kỳ vào năm 2004, buộc giới hữu trách phải tạm thời đóng cửa hai tòa nhà cơ quan lập pháp này.
Thư từ tẩm vi khuẩn nguy hiểm cũng đã từng xuất hiện tại các bưu điện, phòng tin và các văn phòng quốc hội Hoa Kỳ trong những ngày và những tuần sau các cuộc tấn công khủng bố nhắm vàoNew Yorkvà thủ đôWashingtonngày 11-9-2001.
Các cuộc tấn công đó sau này được liên kết với một nhà khoa học làm việc cho chính phủ. Ông này đã tự vẫn trong khi đang bị điều tra hồi năm 2008.
Sự kiện “thư độc” càng làm trầm trọng thêm tình hình an ninh vốn đang căng thẳng ởWashingtonvà cả nước Mỹ.
Lê Viết Đỉnh