Ngày 8/4, Chính phủ Anh đã đề xuất một số quy định đảm bảo an ninh mạng, cho phép áp dụng các biện pháp trừng phạt với những công ty truyền thông xã hội và công nghệ, hoặc thậm chí quy trách nhiệm cá nhân các thành viên lãnh đạo nếu công ty không bảo vệ người dùng trước những nội dung thông tin gây hại.
Quy định mới sẽ được áp dụng với những nền tảng cho phép người dùng chia sẻ, khai thác những nội dung thông tin đã được người dùng tổng hợp hoặc tương tác trực tuyến , gồm các trang web chứa file dữ liệu, các diễn đàn trực tuyến, các nền tảng truyền thông xã hội, các dịch vụ nhắn tin và các công cụ tìm kiếm. Các công ty không đáp ứng những tiêu chuẩn đề ra có thể phải chịu án phạt nặng. Chính phủ Anh cho biết đang tham vấn để đưa ra những mức phạt hợp lý, chặn tiếp cận trang hoặc có thể là quy trách nhiệm cá nhân cho các thành viên ban lãnh đạo của công ty vi phạm.
Các đề xuất cũng bao gồm việc thành lập một đơn vị quản lý chuyên trách có nhiệm vụ phát hiện và xử lý các nội dung thông tin gây hại như kích động bạo lực, tự sát hay lan truyền thông tin giả mạo, dọa dẫm. Cơ quan này cũng có quyền hạn yêu cầu các nền tảng hoặc các công ty công bố bản báo cáo minh bạch thường niên. Nội dung báo cáo bao gồm các mức độ thông tin tiêu cực xuất hiện trên các trang web của công ty và cách thức xử lý của công ty. Cơ quan này cũng sẽ ban hành các quy chuẩn hành động, buộc các công ty phải đảm bảo những yêu cầu nhất định như có đội ngũ kiểm tra thông tin, đặc biệt trong các kỳ bầu cử.
Thủ tướng Anh Theresa May từng cảnh báo các công ty công nghệ chưa “hành động đủ” để bảo vệ người dùng, đồng thời cho biết chính phủ của bà dự định sẽ đưa nội dung liên quan tới đảm bảo an toàn cho người dùng mạng xã hội trở thành trách nhiệm pháp lý của công ty. Bà May cho rằng đã đến lúc phải thay đổi thực tế rằng trong suốt một thời gian dài, các công ty đã không hành động đủ để bảo vệ người dùng đặc biệt là trẻ em và giới trẻ khỏi những nội dung tiêu cực. Các công ty mạng phải bắt đầu chịu trách nhiệm cho chính các nền tảng của họ và hỗ trợ khôi phục lòng tin trong cộng đồng đốii với công nghệ.
Trước thông tin về các đề xuất kể trên của Chính phủ Anh, Facebook cho biết sẵn sàng hợp tác với chính phủ để đảm bảo những quy định mới được áp dụng hiệu quả, đồng thời tái khẳng định quan điểm của CEO Mark Zuckerberg (Mác Dúc-cơ bớc) rằng cần thiết lập các quy định để có cách tiếp cận tiêu chuẩn. Đại diện chính sách cộng đồng của Facebook tại Anh Rebecca Stimson (Ri-béc-ca Xtim-sơn) cho rằng đây những vấn đề phức tạp và để có thể làm đúng thì mọi quy định mới đều cần phải đảm bảo sự cân bằng giữa bảo vệ xã hội với ủng hộ sáng tạo và tự do ngôn luận.
Việc người dùng mạng xã hội, đặc biệt là giới trẻ, có thể tiếp cận một cách dễ dàng các thông tin mang tính tiêu cực đang khiến thế giới ngày càng quan ngại. Vấn đề này đặc biệt gây chú ý tại Anh sau vụ nữ sinh 14 tuổi Molly Russell tự sát năm 2017, mà theo cha mẹ em, chính mạng xã hội đã “gián tiếp” gây ra cái chết này do cô bé tiếp xúc với nhiều thông tin mang tính tiêu cực nói về tự sát trên các phương tiện trực tuyến. Quan ngại dâng cao hơn đặc biệt sau khi thủ phạm vụ xả súng nhằm vào hai đền thờ Hồi giáo tại New Zealand hồi giữa tháng 3 khiến 50 người thiệt mạng, phát trực tiếp (livestream) hành động thủ ác của mình trên Facebook. Sau vụ việc này giới chức Australia tuyên bố sẽ phạt các công ty truyền thông xã hội và các công ty chủ quản của các website hay thậm chí là phạt tù lãnh đạo công ty nếu các nội dung vi phạm không được gỡ bỏ nhanh chóng.