Giống như người đẹp trong tranh, hoa là một đề tài vĩnh hằng của hội họa từ xưa đến nay, từ Đông sang Tây. Mùa xuân là mùa của hoa, ngắm những bức tranh vẽ hoa là ngắm cả một mùa xuân…
Họa sĩ Lê Phổ, một trong những tác giả lớn nhất của hội họa Việt Nam, có lẽ cũng là một trong những người vẽ hoa vào cỡ nhiều nhất trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Hai chủ đề xuyên suốt, thường trực trong các tác phẩm của Lê Phổ là phụ nữ và hoa. Cơ man nào là hoa trong tranh Lê Phổ, những bông hoa rực rỡ sắc màu, tưng bừng nở trong những chiếc bình, tươi thắm trong các khu vườn và càng đẹp hơn bên những bông hoa biết nói.
Có thể khẳng định rằng chưa có họa sĩ nào lại vẽ hoa và người đẹp khắng khít đến thế, gắn bó đến thế, quấn quýt bên nhau và tôn vinh lẫn nhau đến thế. Hoa lung linh hơn bên các giai nhân khi thì mơ màng trước trang sách mở, lúc lại yểu điệu chải suối tóc mây, hay những khi khoan thai dạo bước giữa muôn hồng nghìn tía đang lao xao nhìn ngắm đóa thiên hương… Người đẹp trở nên thánh thiện hơn, mộng mị hơn giữa vòng vây chiêm bái của hoa, và như thể hoa chỉ mãn khai, chỉ tung hương phấn vào trần gian này vì sự hiện diện của mỹ nhân! Xem tranh hoa của Lê Phổ là bước vào một khu vườn mùa xuân bất tận.
Cũng cùng thời với Lê Phổ nhưng cuộc đời nghệ thuật gắn bó cuộc kháng chiến chống Pháp là Tô Ngọc Vân, bậc trưởng lão của hội họa cách mạng Việt Nam. Những năm học trường mỹ thuật Đông Dương (1926-1931), Tô Ngọc Vân tiếp nhận xuất sắc phương pháp tạo hình và sử dụng chất liệu sơn dầu từ các vị thầy Pháp; từ đó giúp ông thực hiện được nhiều tác phẩm lớn, bất tử, đặc biệt là hai bức Thiếu nữ bên hoa huệ và Thiếu nữ bên hoa sen, cả hai đều diễn đạt được vẻ đẹp nền nã, kín đáo, thanh lịch của người phụ nữ Hà thành thời tiền chiến, một vẻ đẹp đã mãi mãi chỉ còn trong tâm tưởng và hoài cảm.
Trong Thiếu nữ bên hoa huệ là một dáng thiếu nữ nghiêng nghiêng thật tự nhiên, uyển chuyển, tay vờn nhẹ cành huệ trắng tinh khiết, những hòa sắc và đường nét, hình khối giản dị của bức tranh toát lên một nét buồn vương vấn, nhẹ nhàng, không duyên cớ: Hôm nay trời nhẹ lên cao/Ô hay chẳng hiểu vì sao tôi buồn – vậy thôi! Thiếu nữ bên hoa huệ là một trong vài tác phẩm tiêu biểu nhất của hội họa thời tiền chiến .
Một học trò “ruột” của Tô Ngọc Vân (khóa Mỹ thuật kháng chiến – khóa Tô Ngọc Vân) là Lưu Công Nhân, cũng ở trong số các họa sĩ mê mải vẽ hoa. Hơn một thập niên trước, khi Lưu Công Nhân còn khỏe mạnh, còn đi lại nhiều bằng chiếc xe Honda đời 82 của ông, trong ngôi nhà nhỏ xinh xắn và thơ mộng của ông tại thị xã Vĩnh Yên, người viết bài này đã xem vài trăm bức tranh giấy của ông, phần lớn là vẽ hoa, vẽ lá: những hoa hồng, hoa cúc, hoa huệ, hoa chuối tây, loa kèn, quỳ vàng… và những bông hoa dại nở khắp những nẻo đường thôn lấm vùng quê Vĩnh Yên đã đi vào tranh ông; và khi đã yếu vì bệnh tật, lên sống ẩn dật ở thành phố hoa, Lưu Công Nhân còn vẽ bao sắc hoa Đà Lạt.
Với Bùi Xuân Phái, dù phố cổ Hà Nội và các chân dung chiếm vị trí quan trọng trong sáng tác của ông, Bùi Xuân Phái cũng có những bức vẽ hoa vàng tươi tắn. Trần Lưu Hậu, nhà biểu hiện bậc thầy, với những nhát màu va đập mạnh vào khung vải, làm nên những tranh hoa chói gắt sắc màu nhưng rộn ràng cảm xúc và vẫn tươi trẻ đến bất ngờ dẫu tuổi tác của ông đã cao.
Trong Vườn xuân Trung -Nam – Bắc, tác phẩm sơn mài lớn nhất của nhà danh họa Nguyễn Gia Trí (hiện được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh), bên cạnh những tà áo thướt tha đặc trưng của các thiếu nữ ba miền là những cụm hoa đặc trưng của vườn xuân ba miền đang nở rộ.
Trong số các loài hoa được đưa vào tranh, sen có vị trí đặc biệt – “quân tử muôn hoa” (*). Nguyễn Tường Lân, một tên tuổi của trường Mỹ thuật Đông Dương, vẽ các thiếu nữ ngồi trên thuyền nan trong một hồ nở đầy sen trắng thật tuyệt vời. Nguyễn Trung vẽ những tranh hoa sen, với những đóa sen hồng ảo diệu. Cá và sen là những chủ đề lớn một thời của ông.
Phạm Luận, họa sĩ gần như chỉ vẽ mỗi đề tài Hà Nội, gắn bó với các làng hoa vùng ven ngày càng ít dần vì đất trồng hoa dần biến thành biệt thự; có lẽ rồi hoa ngoại thành Hà Nội sẽ chỉ còn trong tranh Phạm Luận.
Và không thể quên hoa trong tranh những nữ họa sĩ, những người có vẽ hoa như một cách tự họa tâm hồn mình. Trong tranh của Nguyễn Thị Hiền, Bích Nguyệt, Kiều Giang… và nhiều tên tuổi nữ khác, những sắc hoa đã trở thành một phần đời sáng tác đẹp nhất của họ.
(*) Tên một tranh thủy mặc vẽ sen trắng của Trương Hán Minh