Việc siết lại các khoản cho vay bằng USD là điều cần thiết không chỉ ở phương diện chống đôla hóa mà còn ở việc giảm bớt áp lực đối với việc điều hành tỷ giá.
Siết lại tín dụng ngoại tệ
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 24/2015 quy định cho vay ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú nhằm kiểm soát cho vay ngoại tệ theo hướng thu hẹp dần các nhu cầu vay vốn bằng USD.
Dự thảo này có ba điểm mới liên quan đến vấn đề đôla hóa. Thứ nhất, cho vay ngắn hạn để nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ cho nhu cầu trong nước thì được thực hiện đến hết ngày 31-3-2019. Thứ hai, cho vay trung, dài hạn để thanh toán nhập khẩu thì thực hiện đến hết ngày 30-9-2019. Thứ ba, cho vay ngắn hạn để thanh toán chi phí trong nước để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu thì không bị giới hạn về thời gian (trước đây thì quy định là đến hết ngày 31-12-2018).
Như vậy, dự thảo lần này nếu được thông qua, sẽ là một bước hiện thực hóa chủ trương hạn chế tình trạng đôla hóa trong nền kinh tế, từng bước thực hiện lộ trình chuyển dần từ quan hệ huy động – cho vay sang quan hệ mua – bán ngoại tệ của Chính phủ.
Cụ thể hơn, việc cho vay cả ngắn hạn lẫn trung và dài hạn để nhập khẩu đáp ứng nhu cầu trong nước – về nguyên tắc, là những hoạt động không được khuyến khích vì góp phần tạo thâm hụt thương mại, chèn lấn sản xuất trong nước, gây bất ổn vĩ mô – đã được chặn bằng các mốc thời gian khá gần (tối đa là ba và chín tháng tới, đến hết ngày 30-9-2019).
Việc đặt ra các mốc thời gian trên có thể là để các doanh nghiệp nhập khẩu có thời gian thích nghi trước khi việc vay vốn để nhập khẩu cho tiêu dùng trong nước của họ bị chấm dứt hoàn toàn (nếu thông tư này không bị tiếp tục sửa đổi).
Theo tinh thần của NHNN, chính sách mới sẽ tiếp tục nhấn mạnh định hướng lâu dài, chuyển dần quan hệ vay – gửi ngoại tệ sang quan hệ mua – bán, giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ trên tổng tín dụng, tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ để chậm nhất đến năm 2030 cơ bản khắc phục tình trạng đôla hóa trong nền kinh tế.
Mục tiêu giảm bớt áp lực lên tỷ giá
Trên thực tế, tín dụng ngoại tệ các tháng đầu năm 2018 cho thấy, cho vay ngắn hạn ngoại tệ liên tục tăng qua các tháng và cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm gần đây chủ yếu do tỷ giá ổn định. Tuy có sự sụt giảm trong quý III-2018 do tỷ giá USD/VND biến động mạnh hơn nhưng về tổng thể, cho vay ngoại tệ trong chín tháng đầu năm 2018 vẫn ở mức cao, cho thấy nhu cầu vay USD của các doanh nghiệp vẫn rất lớn.
Thống kê cho thấy, Vietcombank là ngân hàng huy động lượng tiền gửi bằng USD lớn nhất, quy đổi theo VND đạt 141.136 tỉ đồng. Tiếp đến là VietinBank và BIDV với lượng tiền gửi bằng USD lần lượt đạt 46.833 tỉ đồng và 37.852 tỉ đồng. Cùng với việc dẫn đầu huy động, Vietcombank cũng là ngân hàng cho vay bằng USD nhiều nhất, quy đổi ra VND là 97.443 tỉ đồng tính đến cuối tháng 9-2018. VietinBank đứng thứ hai với 91.014 tỉ đồng.
- Xem thêm: Tín dụng tiêu dùng thu hút vốn ngoại
Dù vậy, so với tổng dư nợ, tỷ lệ cho vay USD ở các nhà băng hiện vẫn thấp. Chẳng hạn, tại Vietcombank, tỷ lệ này ở mức 15% tổng dư nợ, VietinBank là 10%, MB là 11%… Với các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ, tỷ lệ này còn thấp hơn, như VIB là 6%, Techcombank là 5,6%… Sở dĩ cầu về tín dụng ngoại tệ luôn tăng, một phần do lãi suất VND-USD chênh lệch lớn. Theo NHNN, lãi suất cho vay tiền đồng phổ biến hiện ở mức 6 – 9%/năm đối với kỳ hạn ngắn; 9 – 11%/năm đối với kỳ hạn trung và dài. Trong khi đó, lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 2,8 – 4,7%/năm đối với ngắn hạn, từ 4,5 – 6%/năm đối với trung – dài hạn.
Đối với các doanh nghiệp, việc tiếp cận được tín dụng ngoại tệ với lãi suất thấp hơn hẳn so với USD là một thuận lợi. Tuy vậy, đối với tổng thể vĩ mô nói chung, việc siết lại các khoản cho vay bằng USD là điều cần thiết không chỉ ở phương diện chống đôla hóa mà còn ở việc giảm bớt áp lực đối với việc điều hành tỷ giá. Do hầu hết các ngân hàng hiện nay chưa cân đối được giữa nguồn huy động và cho vay ngoại tệ (huy động thấp hơn cho vay) nên rất dễ dẫn đến rủi ro thanh khoản.
Khi thiếu hụt USD, các ngân hàng có xu hướng tìm đến thị trường liên ngân hàng, khiến lãi suất cho vay USD trên thị trường này tăng cao, làm giảm sức hấp dẫn của việc nắm giữ tiền đồng. Để giữ ổn định tỷ giá, NHNN sẽ buộc phải duy trì một mặt bằng lãi suất VND đủ cao để chống dòng tiền đầu cơ chảy vào USD. Qua đó, mặt bằng lãi suất trên thị trường sẽ tăng lên và tác động tiêu cực chung đến toàn nền kinh tế. Để hiện tượng này không diễn ra, việc siết lại tín dụng ngoại tệ là điều cần thiết.