Varanasi là thành phố mộ đạo và cổ kính nhất nằm bên bờ sông Hằng, những người theo đạo Hindu tôn kính dòng sông hơn bất cứ nơi nào khác. Hơn 6.000 năm qua, Varanasi không chỉ chứng kiến những thăng trầm của lịch sử, mà còn là nơi các tín đồ của thần Shiva gột rửa tội lỗi để về với thế giới của loài người.
Sông Hằng bắt nguồn từ độ cao 1.000m so với mực nước biển, là hợp lưu của hai con sông lớn: sông Varuna ở phía bắc và sông Asi ở phía nam bên bờ Ganga ở Himalaya. Với tên gọi là sông Ganga, đó là dòng sông tâm linh, huyền bí tại Ấn Độ và cũng là dòng sông linh thiêng nhất so với các dòng sông khác tại châu Á. Các dãy núi cũng là cơ sở tạo nên sự màu mỡ cho các thị trấn nhỏ, băng qua một vùng đồng bằng dài 2.510km với những trung tâm đô thị lớn như Kanpur, Allahabad, Varanasi, Patna, Calcutta và cuối cùng đổ ra vịnh Bengal.
Thành phố “Ánh sáng của các vị thần”
Tên lâu đời nhất của Varanasi gọi là “Kashi” xuất phát từ tên gọi của cư dân vùng đất này, đó chính là những nhóm người Aryen định cư cách đây 5.000 năm, mãi đến năm 1957, có tên gọi chính thức là Varanasi. Thành cổ “Varanasi” trong tiếng Ấn Độ có nghĩa là “thành phố Ánh sáng của các vị thần”, nằm ở phía đông nam miền Bắc Ấn Độ, bên bờ sông Hằng được xem là niềm tự hào, là sự tôn kính, của hàng triệu người dân Ấn Độ theo đạo Hindu giáo. Dân số thành này có khoảng 100 nghìn người. Mỗi năm Varanasi đón từ 2 đến 3 triệu người hành hương đến lễ thần Shiva và tắm rửa nước thánh trên sông Hằng.
Trong suốt chiều dài lịch sử của mình Varanasi được xem là trung tâm tôn giáo lớn ở Ấn Độ, được coi giữ bởi những tín đồ theo thần Shiva. Các linh mục hằng ngày tụ tập bên bờ sông Hằng cầu nguyện cho những linh hồn đã chết và hơn hết là họ được gần gũi hơn với thần Shiva; họ là những người cống hiến đời mình cho sông Hằng và thần Shiva. Nơi đây cũng là nơi hội tụ những vị thần linh thiêng nhất của Ấn Độ, thần Mặt trời, nữ thần Sông Hằng, thần Shiva, Brama, Vishnu và thần Ganessha.
Mỗi người dân nơi đây, quan niệm được sinh ra từ sông Hằng và khi họ mất đi cũng sẽ trở về với sông Hằng. Nên cạnh bờ sông Hằng là một lò hỏa thiêu cháy suốt hơn 2.500 năm qua không ngừng nghỉ. Nơi đây là nơi trú ngụ của thần Shiva, và Ngài ban cho thành cổ Varanasi ngọn lửa thiêng, nên bất kỳ lò thiêu nào trên toàn đất nước Ấn Độ cũng đến đây xin lửa, hay những gia đình có người mất ở xa cũng muốn được về đây hỏa tang và tro cốt được rải xuống khúc sông linh thiêng, dù họ nặng nghiệp (karma) đến đâu thì cũng được về với thần Shiva.
Từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên, thành phố Varanasi đã trở thành trung tâm học thuật của Ấn Độ. Thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, Phật tổ Thích Ca Mâu Ni đã từng đến đây. Ngài đã truyền giáo lần đầu tiên ở rừng Sarnath, cách thành phố Varanasi l0km về phía tây bắc. Thế kỷ thứ 7, cao tăng đời Đường Trung Quốc Huyền Trang cũng từng đến đây. Trong cuốn Đại Đường Tây Du ký, Huyền Trang miêu tả rất tường tận về kiến trúc lâu đời, cuộc sống nhân dân, tình hình tôn giáo và sự phồn vinh của thành phố này. Thế kỷ 12, vương triều cổ đại Ấn Độ đã từng lập kinh đô ở đây. Ngày nay, tuy Varanasi ở Ấn Độ chỉ là thành phố loại trung bình nhưng lại nổi tiếng trên thế giới với tiếng tăm thánh địa Ấn Độ giáo.
Ớ Ấn Độ, phần lớn tín đồ đạo Hindu cả đời có bốn lạc thú: kính thờ thần Shiva; đến sông Hằng tắm nước thánh và uống nước ở đây; kết bạn với thánh nhân; cư trú ở thánh địa Varanasi. Những người trông coi xác chết ở Varanasi gọi là các “đom”, có địa vị thấp nhất trong xã hội, không được tôn kính… và không có cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp khác nên họ đón nhận như một trách nhiệm mà thần Shiva giao phó.
- Xem thêm: Tây Sikkim – Hạnh phúc ghi dấu trong tim
Thành phố của những cái chết không u buồn
Người Ấn Độ xem sông Hằng là dòng sông linh thiêng là hóa thân của nữ thần Ganga, vợ của thần Shiva. Hằng năm sông Hằng là nơi tổ chức nhiều lễ hội trong đó có lễ hội Aarti là lễ hội tôn kính dòng sông, và cũng là cơ hội để các linh mục Shiva bày tỏ sự kính trọng với những linh hồn đã sống và chiến đấu, hy sinh trên dòng sông này. Sáng sớm mỗi ngày, hàng nghìn hàng vạn tín đồ đạo Hindu từ khắp nơi trong nước đến bên bờ sông Hằng để tắm nhằm siêu thoát bụi trần, nghe các linh mục Shiva truyền đạo hy vọng sau này có thể đến được với thế giới của Ngài. Đây là một biện pháp an ủi tâm linh tốt nhất của tín đồ đạo Hindu và cũng là vinh dự của một tín đồ. Hai bờ sông hình lưỡi liềm trong thành phố Varanasi có tới 64 bến tắm xây thành bậc để phục vụ lễ tắm rửa.
Thành phố Varanasi hiện nay vẫn giữ được hơn 2.000 ngôi đền lớn nhỏ. Có ngôi đền hùng vĩ huy hoàng, có ngôi đền bé nhỏ xinh xắn, điêu khắc tinh xảo. Phong cách kiến trúc đền miếu ở đây đa dạng, biểu hiện sắc thái tôn giáo đậm đà. Trong đó, có ngôi đền Hồi giáo xây từ thời vương triều Mughal (1526-1857). Trên rất nhiều ngọn tháp của đền thờ Ấn Độ có rất nhiều khám đá điêu khắc tinh xảo và đỉnh nóc bằng vàng nguyên chất. Hằng năm, ở thành phố Varanasi có tới hơn 400 lễ hội tôn giáo. Thậm chí, một ngày có tới hai lễ hội. Hoạt động lễ hội tôn giáo hầu như diễn ra trong các đền thờ.
Trên thế giới này không có chỗ nào lại có một phong tục kỳ dị như ở Varanasi. Khi vào thành phố này, bạn sẽ phát hiện nơi đây đậm mùi chết chóc, đầy lo âu. Đối với tín đồ đạo Hindu, sự kiện quan trọng nhất trong đời người là cái chết. Điều tốt nhất là để cho linh hồn mãi mãi được siêu độ trong vòng luân hồi sinh tử. Vì vậy hành vi cả đời của một tín đồ đạo Hindu đều xoay quanh việc trọng đại này.
Khi biết mình không sống được bao lâu nữa, điều đầu tiên tín đồ Hindu giáo nghĩ đến là việc du lịch Varanasi. Đây là chuyến du lịch không trở về! Họ sẽ đến sông Hằng tắm gội, rửa mọi tội lỗi trong cuộc đời. Vì vậy thành phố Varanasi có rất nhiều người già, người ốm, người chết, quả phụ. Trên các bậc đá ở ven bờ sông Hằng, đống củi để hỏa táng cháy suốt ngày này sang ngày khác. Dưới con mắt người ngoại đạo, điều này thật bi thảm, nhưng người Hindu giáo lại cho đó là điểm cuối cùng của con đường đau khổ trong cuộc đời. Thành phố Varanasi mãi mãi tràn đầy không khí chúc mừng.
Tín đồ Ấn Độ giáo (Hindu giáo) cho rằng, thi thể của người phàm phải được thiêu cháy. Chỉ có thánh nhân ngoại lệ bởi họ đã hợp nhất với thần rồi. Sau khi chết, thi thể của thánh nhân được các tín đồ đặt lên vòng hoa, buộc đá đặt xuống sông Hằng. Khi vòng hoa chìm dần xuống nước, rất nhiều tiếng trống tiếng nhạc vang lên để tiễn linh hồn lên với thượng đế. Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 vẫn còn diễn ra tập tục bi thảm: người đàn bà góa nhảy vào đống lửa đang thiêu thi thể người chồng quá cố để sớm kết thúc cuộc đời khổ nạn, mãi mãi ở bên người chồng thân yêu. Tập tục này sau đó bị cấm vào thời đại thực dân Anh cai trị ở Ấn Độ.
- Xem thêm: Casablanca cổ kính và hiện đại
Tương truyền, bên cạnh bãi hỏa táng nóng bỏng có một cái giếng được đào khi thần sáng tạo Brahma (còn gọi là Bà-la-môn) sáng tạo ra thế giới. Giếng này tượng trưng cho cái chết và sự sống trong vòng luân hồi sinh tử. Theo truyền thuyết của Ấn Độ giáo, nguồn nước giếng có được từ dãy núi Himalaya, thậm chí đến trước cả sông Hằng. Thần Brahma đã dùng đĩa sắt để đào cái giếng này.