Từ thuở sinh viên, những ca từ và giai điệu ngọt ngào trong bài hát Casablanca của Bertie Higgins đã quyến rũ tôi. Tìm hiểu, tôi mới biết có một bộ phim cùng tên kể về một chuyện tình còn lãng mạn hơn cả nội dung bài hát, diễn ra tại thành phố biển Casablanca của xứ Maroc, lúc đó còn là thuộc địa của Pháp. Từ đó, tôi luôn mơ ước một lần đến thành phố cổ xưa diễm lệ ấy.
Từ TP. Hồ Chí Minh, sau gần 20 giờ bay và quá cảnh chúng tôi đến sân bay quốc tế Mohammed V, cửa ngõ nhộn nhịp nhất Maroc nằm cách Casablanca 30km. Đường từ sân bay về trung tâm qua các khu phố do người Pháp xây dựng rộng rãi và sạch sẽ.
“Nàng tiên cá bên bờ Đại Tây Dương”
Được ngư dân Berber (người bản địa Bắc Phi sống ở phía tây thung lũng sông Nile) thành lập từ thế kỷ X trước Công nguyên với tên gọi ban đầu là Anfa, Casablanca – Thành phố Trắng – được những người Bồ Đào Nha thành lập năm 1575 sau khi phá hủy khu làng cũ của người Berber tại vị trí này. Sau nhiều biến thiên của lịch sử, Casablanca trở thành thuộc địa của Pháp từ năm 1907 đến năm 1956. Giờ đây, Casablanca là thành phố lớn nhất của Vương quốc Maroc với 4 triệu dân được coi là trái tim kinh tế, dù thủ đô là Rabat. Có vị trí chiến lược bên bờ biển, Casablanca là hải cảng chính của Maroc và là cảng nhân tạo lớn nhất Bắc Phi. Khí hậu Casablanca dễ chịu quanh năm, nhiệt độ trung bình khoảng 19oC, mùa đông mát mẻ, mùa hè nóng vừa phải và ít mưa. Casablanca đẹp nhất vào mùa xuân và mùa thu, nhưng nhiều người có kinh nghiệm cho rằng nên đến đây vào mùa đông (từ tháng 11 đến tháng 2) bởi nhiệt độ ban đêm thấp nhất chỉ khoảng 10oC, rất đẹp để dạo phố đêm. Bộ phim cùng tên do Hollywood sản xuất năm 1942, đoạt ba giải Oscar đã góp phần không nhỏ giúp Casablanca thu hút du khách khắp nơi trên thế giới.
Nét nổi bật ở thành phố này là những công trình tráng lệ với tông màu trắng – sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa truyền thống bản địa với kiến trúc thuộc địa Pháp tạo nên phong cách Mauresque độc đáo. Casablanca còn thừa hưởng nhiều phong cách kiến trúc như Baroque, Art-Déco, Néo-classique, Địa Trung Hải… do trong thời kỳ bị Pháp đô hộ, giới nhà giàu các nước Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hy Lạp… đã chọn đây làm nơi sinh sống.
- Xem thêm: Curaçao – Viên ngọc xanh vùng Caribê
Những đại lộ lát đá to rộng với hai hàng cây xanh mát, cắt tỉa cẩn thận, khu trung tâm với các mặt tiền nhà theo phong cách Art-Déco dọc theo đại lộ chính Mohammed V được coi là đẹp nhất Maroc. Quảng trường cùng tên với một đài phun nước lớn ví như trái tim của Casablanca luôn nhộn nhịp đông vui với nhiều nghệ sĩ đường phố biểu diễn. Những công trình kiến trúc lịch sử như Cung điện Công lý, Lãnh sự quán Pháp và Ngân hàng Maroc, nhà hát, bưu điện… nằm chung quanh quảng trường. Gần đó là khu chợ trung tâm với một dãy các nhà hàng, quán cà phê và các cửa hàng đồ cổ lạ mắt.
Khu phố cổ (medina) với những ngôi nhà cổ rêu phong như một mê cung ngoằn ngoèo, thu hút du khách. Chúng tôi tản bộ trong những con phố nhỏ hẹp, yên tĩnh vào buổi sáng, chụp ảnh những đứa trẻ quần áo màu sắc rực rỡ đang chơi đùa, những người đàn ông trong trang phục cổ truyền thong thả ngồi hút thuốc trước cửa nhà. Lẫn trong mê cung này là những quầy hàng thủ công truyền thống với các sản phẩm như thảm dệt tay, bình trà khảm đá, đồ đan lát, trang sức…
Có một món quà lưu niệm đặc trưng Casablanca là henna – loại thuốc nhuộm màu đỏ tự nhiên được chiết xuất từ cây móng tay (insonis lawsonia), đã được phụ nữ bản xứ sử dụng trong nhiều thế kỷ để nhuộm màu da và tóc. Baraka là một loại hình xăm tạm thời, mang ý nghĩa khác ngoài thẩm mỹ: một loại năng lượng ngoại cảm bảo vệ người đeo khỏi ma quỷ. Niềm tin này có nguồn gốc từ người Berber, nhất là các nghệ nhân làm việc với gốm, da và dệt may. Hình xăm thường là những con số huyền diệu, những câu thơ trích từ kinh Koran, những tác phẩm thơ văn nổi tiếng của Ả Rập hoặc những dạng hình học, giúp chống lại cái ác. Ở khu phố cổ Medina có hàng chục gian hàng với hàng ngàn mẫu thiết kế để vẽ lên da bằng cách dùng henna tự nhiên.
Chúng tôi như say trước cảnh mua bán nhộn nhịp giữa không gian sực nức những mùi hương từ các loại gỗ trầm, nước hoa, gia vị… xen lẫn mùi thức ăn đường phố từ các món tajine, couscous, thịt nướng lửa than…, tất cả đều tươi rói, đầy màu sắc và mùi vị quyến rũ, được chế biến ngay trước mắt thực khách.
Cung điện hoàng gia được canh gác nghiêm nhặt là một kiệt tác kiến trúc Hồi giáo với điểm nhấn là cổng chính và lối vào khổng lồ lấy cảm hứng từ kiến trúc Ba Tư. Trong một không gian hình vòng cung, có tường bao quanh ba mặt còn một mặt mở rộng, cung điện được vây quanh bởi vườn cam thơm, các đài phun nước chạm trổ công phu. Hầu hết các thành phố ở Maroc đều có cung điện hoàng gia phục vụ cho các chuyến đi nghỉ của nhà vua và hoàng tộc, du khách chỉ được nhìn từ bên ngoài.
Nhà thờ Sacré-Coeur xây dựng năm 1930 được kiến trúc sư người Pháp Paul Tournon thiết kế theo phong cách Neo-Gothic pha trộn với nghệ thuật Hồi giáo ở Maroc từng là một kỳ quan ở Casablanca. Sau khi Maroc giành độc lập vào năm 1956, nhà thờ đã được dùng làm trường học và bây giờ là nơi tổ chức triển lãm và hội chợ. Từ đỉnh tháp, thật ngoạn mục khi ngắm nhìn Casablanca hướng ra Đại Tây Dương. Nhà thờ Notre Dame de Lourdes được xây dựng vào năm 1956 theo phong cách kiến trúc châu Âu hiện đại, là nơi đáp ứng nhu cầu tâm linh của khoảng 20.000 người Công giáo sống ở Casablanca. Toàn bộ không gian nội thất được chiếu sáng tự nhiên bằng những cửa sổ kính màu khổng lồ dọc hai bên tường với những họa tiết sống động.
- Xem thêm: Mùa xuân vĩnh cửu
Nơi lưu giữ những hoài niệm về bộ phim bất hủ
Công trình kiến trúc hoành tráng nhất tại Casablanca là nhà thờ Hassan II nằm trên bờ biển nhìn thẳng ra Đại Tây Dương. Đây là nhà thờ Hồi giáo lớn thứ ba trên thế giới, có ngọn tháp cao nhất thế giới và là một trong hai nhà thờ ở Maroc mà du khách ngoại đạo vẫn có thể tham quan. Hoàn thành năm 1993, nhà thờ Hassan II do kiến trúc sư người Pháp Michel Pinseau thực hiện và tiêu tốn đến 800 triệu USD. Sáu ngàn thợ thủ công và nghệ nhân đã làm việc liên tục ngày đêm để tạo nên công trình tôn giáo hoành tráng nhất đất nước này trong vòng bảy năm. Công trình bằng đá cẩm thạch lộng lẫy có thể chứa đến 25.000 tín đồ bên trong và 80.000 người ngoài sân.
Bước vào trong lòng thánh đường, tấm thảm lớn dẫn lối đến sảnh chính hướng về phía thánh địa Mecca được trang trí cầu kỳ nhất. Phần mái có thể mở để đón ánh sáng và gió. Nền thánh đường có hệ thống sưởi và khu vực chính giữa có lớp kính trong suốt nhìn thẳng xuống tầng dưới nơi các tín đồ rửa tay, chân trước khi vào cầu nguyện, được chia thành hai khu vực riêng biệt cho nam và nữ. Những hành lang tuy không nhiều trong thánh đường nhưng dễ tạo cảm giác như đi trong mê cung. Nhờ lớp móng sâu và hệ thống đê chắn vững vàng, đền thờ nằm hiên ngang bên bờ Đại Tây Dương, dễ dàng nhìn thấy từ khơi xa. Nhà thờ Hassan II mở cửa cho du khách ba lần mỗi ngày vào lúc 9 giờ, 10 giờ và 11 giờ sáng (trừ thứ Sáu), khách phải có mặt trước 15 phút để xếp hàng theo ngôn ngữ thuyết minh: tiếng Anh, Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Ả Rập và Ý.
Nếu đã mê bộ phim Casablanca, đến đây chắc hẳn bạn sẽ không thể nào quên khoảnh khắc những tia nắng đầu tiên soi qua từng ô cửa tại thánh đường Hassan II và những cánh chim bồ câu bay rợp trời hòa cùng giai điệu của bài hát As Times goes by… Thật ra Casablanca được quay trong phim trường ở Hollywood và quán cà phê Rick’s, nơi hai nhân vật chính Ilsa Lund và Rick thường gặp nhau không phải ở Casablanca. Thế nhưng, vì sự nổi tiếng của bộ phim, Kathy Kriger, một người Mỹ sống ở Maroc gần 20 năm đã cho ra đời một quán cà phê y hệt thiết kế trong phim. Hai cây cọ trước cửa phảng phất không khí thời Casablanca là điểm trung chuyển cho những “giấc mơ Mỹ”. Cũng là những mái vòm cong kiểu Hồi giáo, ngọn đèn chùm và chiếc đèn bàn lấp lánh sợi ren. Các anh bồi bàn mặc bộ quần áo truyền thống với chiếc nón đỏ có búi lông trên chóp y như anh chàng bồi bàn Carl to béo trong phim. Đến nay quán đã trở thành nhà hàng, lên nhiều tầng với lối kiến trúc hiện đại, có nghệ sĩ piano chơi những bản nhạc từ bộ phim, mỗi tầng đều có màn hình tivi lớn chiếu bộ phim Casablanca không ngừng nghỉ. Nhà hàng phục vụ các món ăn truyền thống Maroc lẫn các món ăn phương Tây.
Chỉ ở đây, khi đêm về, hơi biển ấm áp bốc lên như men rượu, vị ngọt ngào của đêm pha lẫn chút mặn của gió biển dễ gây cảm giác hoài niệm, như thể tiếc nuối tình yêu không thành của Ilsa Lund và Richard Blaine…