Các nhà phê bình gọi vụ đấu giá một tác phẩm mỹ thuật cổ có tuổi hơn 3.000 năm tại nhà Christie’s mới đây là một ví dụ nhẫn tâm của loại thị trường nghệ thuật chỉ vì mục đích lợi nhuận, trong khi nhiều nghệ sĩ coi đó là tàn dư của chủ nghĩa thực dân.
Ngày 30-10 vừa qua, trong một phiên đấu giá cổ vật tại nhà Christie’s ở New York, một bức chạm khắc nổi hiếm hoi có từ thời vương quốc cổ đại Assyria vùng Lưỡng Hà (hàng ngàn năm trước Công nguyên) đã được bán với giá 31 triệu USD, hơn ba lần so với giá ước tính ban đầu. Phiên đấu giá này đã thu hút sự chú ý của các chuyên gia về cổ vật và các nhà hoạt động chống sự cướp bóc cổ vật từ các khu vực bị chiến tranh tàn phá. Họ coi vụ đấu giá này là một sự sỉ nhục đối với dân tộc Iraq vốn đang chịu đựng thảm họa chiến tranh lâu dài mà tác nhân không ai khác hơn là chủ nghĩa đế quốc phương Tây.
Theo thông cáo báo chí của nhà Christie’s, bức chạm khắc là một trong ba phiến thạch cao được chạm khắc tuyệt đẹp, từng là vật trang trí trên tường cung điện khổng lồ của hoàng đế Ashurnasirpal II (883-859 trước CN), ngày nay là đô thị cổ Nimrud của Iraq. Cung điện ấy là một trong những nơi lưu giữ nhiều cổ vật quý giá nhất, bởi hoàng đế Ashurnasirpal II là nhà cai trị quyền lực nhất của một trong những vương quốc lớn nhất trong lịch sử, trải rộng khắp vùng Lưỡng Hà và xa hơn nữa.
Bức chạm khắc – được nhà khảo cổ người Anh Austen Henry Layard tìm thấy khi ông khai quật cung điện cổ ở Nimrud – mô tả vị thần bảo vệ hoàng đế là Apkallu có đôi cánh, một tay xách xô nước, tay kia cầm một loại quả hình nón thể hiện sự phì nhiêu của vương quốc. Sau đó nhà truyền giáo người Mỹ Henri Byron Haskell đã mua bức chạm khắc vào năm 1859 rồi tặng cho một trường thần học ở thành phố Alexandria, bang Virginia. Nó được trưng bày tại thư viện trường mãi đến năm 2017.
Ngoài bức chạm khắc đã được bán, nhà truyền giáo Haskell còn chuyển năm cổ vật khác cũng được khai quật tại Nimrud cho Trường Cao đẳng Bowdoin ở Maine, một trong năm cổ vật ấy đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan ở New York.
Nhiều trường học và khoảng 60 bảo tàng khắp thế giới hiện lưu giữ các bức chạm khắc ở cung điện của hoàng đế Ashurnasirpal II, trong đó có các thiết chế danh tiếng như Bảo tàng quốc gia Anh ở London, Bảo tàng Mỹ thuật Brooklyn ở New York và gallery của Đại học Yale ở New Haven, Connecticut.
- Xem thêm: Christie’s bán tranh giả?
Đã có rất nhiều lời kêu gọi các bảo tàng hãy hoàn trả những cổ vật vốn là di sản văn hóa của đất nước Iraq nhưng chưa thấy có hành động tự nguyện nào. Tình trạng này tương tự như khi chính phủ Hy Lạp kêu gọi Bảo tàng quốc gia Anh hoàn trả bộ sưu tập các tác phẩm điêu khắc Hy Lạp cổ đại bằng đá cẩm thạch bị lấy cắp từ điện Parthenon ở Athen vốn đã gây nên căng thẳng ngoại giao giữa hai nước.
Trong khi phiên đấu giá đang diễn ra tại nhà Christie’s, một số nhà hoạt động đã biểu tình bên ngoài nhà đấu giá hoặc lên tiếng trên mạng xã hội chống việc mua bán các cổ vật bị lấy đi từ các quốc gia từng là thuộc địa hay bị xâm chiếm bởi các nước phương Tây. Nhà Christie’s thì cho rằng họ rất thận trọng khi đưa lên sàn các cổ vật và khẳng định vụ mua bán này hoàn toàn hợp pháp. Thế nhưng một vụ mua bán hợp pháp không có nghĩa là hợp đạo đức như trong trường hợp này. Chưa rõ ai đã mua bức chạm khắc với giá kỷ lục đó.