Sau khi có kết quả kinh doanh (KQKD) khả quan trong sáu tháng đầu năm, KQKD quý III và chín tháng đầu năm của nhiều ngân hàng được dự báo sẽ tiếp tục duy trì được đà tích cực. Tính đến thời điểm này, mặc dù mùa báo cáo KQKD mới chỉ bắt đầu nhưng những ngân hàng đầu tiên công bố doanh thu và lợi nhuận cho thấy bức tranh khá khả quan. Cụ thể, Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho biết việc về đích sớm chỉ tiêu lợi nhuận 2.000 tỉ đồng trong năm nay là có cơ sở. Hai quý đầu năm nay, OCB đã thu về hơn 1.300 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế nhờ nỗ lực xử lý nợ xấu để giảm dự phòng rủi ro và tín dụng tăng trưởng tích cực.
Số liệu kinh doanh chín tháng ước tính cũng cho thấy bức tranh lợi nhuận tươi sáng của Vietcombank. Ngân hàng này cho biết, sau ba quý đầu năm, tăng trưởng tín dụng đạt gần 15%, nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp và lợi nhuận trước thuế ước tính vượt mức 11.000 tỉ đồng của năm 2017, tăng trưởng khoảng 50% so với cùng kỳ. Như vậy, so với mục tiêu lợi nhuận trước thuế Vietcombank đưa ra đầu năm nay ở mức 12.000-13.000 tỉ đồng thì nhà băng này đã sắp chạm đích. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước công bố không nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong sáu tháng cuối năm và Vietcombank cũng đã tăng trưởng gần hết chỉ tiêu tín dụng nhưng ngân hàng này xem đây là cơ hội để tập trung đẩy mạnh phát triển các hoạt động dịch vụ. Vietcombank dự kiến nâng tỷ trọng thu dịch vụ và phi tín dụng lên 30% trong cơ cấu lợi nhuận; đồng thời dịch chuyển tín dụng theo hướng chọn lọc các dự án hiệu quả và đẩy mạnh mảng bán lẻ với biên lợi nhuận cao hơn.
Trong khi đó, TPBank báo lãi trước thuế hơn 1.600 tỉ đồng trong chín tháng đầu năm, tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2017. Cụ thể, kết thúc tháng 9-2018, tổng thu nhập hoạt động của TPBank đạt 4.035 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.613 tỉ đồng, hệ số an toàn vốn (CAR) đạt trên 11%. Như vậy, TPBank đã hoàn thành xấp xỉ 75% kế hoạch lợi nhuận cả năm (2.200 tỉ đồng).
Kết quả đạt được của một số ngân hàng nói trên phần nào phản ánh đúng kỳ vọng của các tổ chức tín dụng từ cuộc điều tra xu hướng kinh doanh do Vụ Dự báo thống kê, Ngân hàng Nhà nước tiến hành cuối quý II vừa qua. Theo đó, có đến 76,1% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ cải thiện trong quý III-2018 và 82,6% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ cải thiện trong cả năm 2018. Đồng thời, có 88% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế trong năm 2018 của đơn vị tăng trưởng dương so với năm 2017, với lợi nhuận toàn hệ thống kỳ vọng tăng trưởng bình quân 19% trong năm 2018.
Theo thống kê của StoxPlus, nửa đầu năm 2018, lĩnh vực ngân hàng đã thu về hơn 35,5 nghìn tỉ đồng, tương đương 1,53 tỉ USD lợi nhuận ròng, bằng khoảng 64% so với cả năm ngoái. Có ba nguyên nhân chính tạo đà cho sự tăng trưởng của lợi nhuận các ngân hàng. Thứ nhất, đóng góp từ cho vay tiêu dùng với những cái tên như VPBank và HDBank. Thứ hai, gia tăng thu nhập từ hoạt động bảo hiểm với điển hình là Techcombank, MBBank, Sacombank. Thứ ba, câu chuyện tăng trưởng mạnh của dịch vụ ngân hàng bán lẻ, cho vay cá nhân.
Với đà tăng trưởng tích cực như trên, cổ phiếu ngân hàng là một trong những nhóm ngành có mức tăng trưởng vượt trội so với VN-Index cũng như các nhóm ngành khác. Tính đến tháng 9-2018, cổ phiếu ngành ngân hàng đã tăng 22% so với thời điểm đầu năm. Ở khung thời gian dài hơn, cổ phiếu ngành này đã đạt mức tăng trưởng ba con số trong năm năm qua, trong khi VN-Index chỉ dừng ở mức hai con số. Cụ thể, ngành ngân hàng tăng 154,1%, trong khi VN-Index tăng 96,5%. Nỗi lo lớn nhất với ngành ngân hàng hiện nay là áp lực tăng vốn nhằm đáp ứng chuẩn Basel II, đặc biệt tại nhóm ngân hàng thương mại cổ phần gốc quốc doanh.
Dù đây mới chỉ là giai đoạn đầu tiên của mùa báo cáo KQKD quý III nhưng với động lực tăng trưởng tốt trong sáu tháng đầu năm, việc kỳ vọng các ngân hàng sẽ giữ được xu hướng kinh doanh tích cực trong quý III là hoàn toàn có cơ sở. Tất nhiên, mức độ phân hóa chắc chắn sẽ diễn ra, tùy thuộc vào chất lượng tài sản, danh mục cho vay, lợi thế kinh doanh và khả năng quản trị của mỗi ngân hàng. TPBank và Vietcombank là những cái tên đầu tiên công bố với KQKD khá tích cực. Hiện nhà đầu tư rất kỳ vọng KQKD quý III-2018 sẽ là nhân tố hỗ trợ cho cổ phiếu ngân hàng, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán vừa trải qua những phiên giao dịch đầy biến động.