Việc Ả Rập Saudi phủ nhận vai trò trong sự biến mất đột ngột của một nhà báo Mỹ nổi tiếng dấy lên nguy cơ về một cuộc khủng hoảng có thể leo thang và tác động tiêu cực lên nền kinh tế toàn cầu.
Jamal Khashoggi là một công dân Mỹ thường viết bài cho mục bình luận của tờ Washington Post, chỉ trích các chính sách của Riyadh. Sau khi bước vào lãnh sự quán Ả Rập Saudi ở thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) hôm 2-10, ông đã không quay trở ra. Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ nhận định nhiều khả năng ông đã bị sát hại bên trong cơ sở ngoại giao này rồi phi tang.
- Xem thêm: Iran đối mặt khó khăn xuất khẩu dầu
Hôm 14-10, sau khi nhà báo của tờ The Washington Post biến mất, lãnh đạo các nước phương Tây đã đe dọa những hậu quả mà Ả Rập Saudi phải gánh chịu nếu không làm rõ ràng sự việc. Tổng thống Donald Trump đưa ra tuyên bố “sẽ đưa ra sự trừng phạt nghiêm trọng” nếu nhà báo Khashoggi bị giết. Chính phủ Anh, Pháp và Đức đã kêu gọi “điều tra đáng tin cậy để thiết lập sự thật về những gì đã xảy ra, và nếu có liên quan để xác định những người chịu trách nhiệm về sự biến mất của Jamal Khashoggi”.
Hiện tại, sự nghi ngờ này đã làm cho các kế hoạch cải cách kinh tế của Ả Rập Saudi được ấp ủ bởi Thái tử Mohammed bin Salman (MBS) đang gặp trở ngại. “Diễn biến này đang làm xói mòn tất cả những ý chí tốt đẹp và niềm tin được xây dựng bởi MBS”, Jonathan Schanzer, Phó chủ tịch cấp cao của Tổ chức Quốc phòng Dân chủ (FDD), một đơn vị tư vấn, cho biết các giám đốc điều hành cao cấp gồm Jamie Dimon của J.P. Morgan Chase, Bill Ford của Ford Motor và Dara Khosrowshahi của Uber đã cho biết họ sẽ không tham dự Sáng kiến đầu tư tương lai của vương quốc. Tuy nhiên, các nhà phân tích nói rằng cố gắng để cô lập Ả Rập Saudi trên bình diện quốc tế sẽ không dễ dàng và có thể mang lại hậu quả cho kinh tế thế giới.
Về lý thuyết, một sự leo thang căng thẳng có thể khiến giá dầu tăng cao hơn, ngăn cản quá trình hòa bình Trung Đông và phá vỡ các nỗ lực quốc tế để cô lập Iran. Chính quyền Trump đang muốn loại bỏ tất cả dầu của Iran ra khỏi thị trường và điều đó phụ thuộc vào Ả Rập Saudi – một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới với sản lượng hơn 10 triệu thùng dầu/ngày, để kềm chế giá dầu.
“Trong lịch sử, ngay cả ở những thời điểm tồi tệ nhất, lãnh đạo hai nước đã tìm thấy một cách để vượt qua cuộc khủng hoảng, bởi vì cả Mỹ và Ả Rập Saudi đều quá cần nhau”, Schanzer nói với CNBC. Năm ngoái, Mỹ và Ả Rập Saudi đã chốt một thỏa thuận vũ khí trị giá 350 tỉ USD trong 10 năm, củng cố một liên minh kéo dài từ thời Chiến tranh Lạnh.
Giá dầu thô Brent, đã giảm từ mức cao gần đây trong nhiều năm nhưng vẫn ở mức gần 80 USD/thùng. Mặc dù giá dầu vẫn chưa phản ảnh cuộc khủng hoảng, chỉ số chứng khoán của Ả Rập Saudi đã giảm mạnh vào ngày 14-10.
Matt Smith, Giám đốc nghiên cứu hàng hóa tại ClipperData, cho rằng giá dầu thế giới dường như không bị ảnh hưởng bởi sự mất tích của Khashoggi, trừ phi căng thẳng tăng mạnh từ đây. Song sự biến mất của Kashoggi có thể khuyến khích các nước khác thực hiện hành động tương tự chống lại các nhà bất đồng chính kiến mà không bị trừng phạt.
Trong khi đó, Ả Rập Saudi đang dùng “vũ khí giá dầu” để gây áp lực trở lại các thế lực đang toan tính các phương án trừng phạt nước này sau vụ nhà báo Jamal Khashoggi mất tích. Căng thẳng này có thể dẫn đến việc Ả Rập Saudi không đảm bảo cung ứng đủ 7,5 triệu thùng dầu, nếu giá dầu đạt ngưỡng 80 USD. Chen Kai, Giám đốc nghiên cứu tại Shengda Futures cho rằng các rủi ro địa chính trị, thương mại và triển vọng kinh tế toàn cầu yếu có thể khiến giá dầu biến động mạnh, có khả năng tăng lên 100 USD hoặc 200 USD/thùng, thậm chí gấp đôi.