Làm thế nào để tìm được cho con một môi trường học tập hiệu quả, thầy cô tốt khi con du học, để có thể theo sát việc học của con như khi ở Việt Nam? Đây có lẽ là điều mà hầu hết phụ huynh đều quan tâm khi muốn cho con đi học nơi xứ người. Những chia sẻ sau đây của chị Nguyễn Thị Bích Hậu, tác giả cuốn sách Đồng hành du học cùng con hy vọng sẽ mang lại những thông tin hữu ích cho bạn đọc và phần nào trả lời cho câu hỏi trên. Chị Bích Hậu cũng là một người mẹ đã có hơn bảy năm tìm hiểu về thông tin du học, hỗ trợ con mình nhận được học bổng của chín trường trung học tại Mỹ, Úc và Anh.
Trước khi tôi quyết định cho con đi du học thì người thân của tôi đã rơi vào trường hợp “tiền mất, tật mang” khi con đi du học không thành vì ham chơi, dù mới chỉ học tiếng Anh. Bảng điểm của cháu sa sút dần, từ điểm B, điểm C lao xuống điểm F. Cháu phải học đi học lại mà vẫn không thể cải thiện được. Vậy mà khi nói chuyện với gia đình, cháu luôn nói rằng việc học rất tốt, bảo gia đình cứ chuyển tiền đầy đủ. Mãi cho tới khi gia đình phát hiện ra cháu học hành bê bối quá, muốn đưa về nhà thì cháu nhất định không về. Do đó, tôi và gia đình phải qua tận nơi cháu học để thuyết phục và đưa cháu về nước.
Chứng kiến người thân đau khổ và thất vọng khi con cái tiêu phí rất nhiều tiền bạc và tâm sức của gia đình mà học hành không đến nơi đến chốn, tôi thấy rõ rằng mình không thể cho con đi học mà phó mặc mọi thứ cho một đứa trẻ, với một niềm hy vọng về một “thiên đường” nơi xứ lạ. Nên tôi quyết tâm kiểm soát giờ giấc học hành, sinh hoạt, vui chơi của con ở Mỹ cũng như ở Việt Nam, dù việc này không mấy dễ dàng.
Việc đầu tiên tôi thấy mình cần phải nói chuyện với con, nhất là về mặt trái của đi du học là khi gặp thất bại. “Bất cứ khi con ở đâu, làm gì, nếu có vấn đề mẹ sẽ tới tận nơi và đưa con về lập tức. Con chỉ có thể du học thành công nếu chịu khó học hành và nỗ lực tiến bộ”, tôi khẳng định với con một cách nghiêm túc. Dù nói một cách chắc nịch như vậy nhưng trong lòng tôi không khỏi lo lắng. Vì với tôi, nước Mỹ còn rất xa lạ, lại không có người thân để nhờ cậy. Chính vì vậy, tôi cho rằng cần tìm ra một trường tốt và phải là trường nội trú với kỷ luật chặt chẽ, để đảm bảo an toàn và việc học hành đàng hoàng của con. Trường này cần có hệ thống thông tin chi tiết để có thể theo dõi sát sao mọi hoạt động hằng ngày của con. Đồng thời, trường cần có dịch vụ rất tốt để bất cứ khi nào tôi cần liên lạc, phải có được câu trả lời sớm nhất.
Vốn xuất thân từ trường sư phạm, tôi cho rằng một trường tốt phải là trường có các nhà giáo dục tốt. Họ phải là người có lý tưởng trong giáo dục, quan tâm tới hình thành và phát triển nhân cách, trách nhiệm của các cháu với bản thân, gia đình và xã hội. Lý tưởng này phải toát ra từ trong mọi hoạt động và đặc biệt là dấu ấn trong lịch sử nhà trường. Nhất là ở nước Mỹ, một quốc gia coi trọng giáo dục nhân bản và khai phóng.
Phần còn lại chính là các tiêu chí chung mà ai cũng có thể nghĩ ra khi chọn trường cho con, đó là vị trí ở đâu, lượng học sinh bao nhiêu, lượng học sinh quốc tế như thế nào, lượng học sinh tốt nghiệp vào đại học ra sao, điểm SAT trung bình, số các lớp AP, số các câu lạc bộ, các loại hoạt động mà trường có.
Với các tiêu chí này, tôi chọn ra danh sách các trường tốt, có thể cấp học bổng nhưng làm cho gia đình tôi an tâm. Và sau này, khi cháu đã nhận được rất nhiều thư mời nhập học cùng thông báo học bổng, gia đình tôi không khó khăn để chọn Riverside Military Academy. Đó là trường điển hình đáp ứng mọi nhu cầu của gia đình tôi. Bởi đây không phải chỉ là ngôi trường đem tới kiến thức mà cực kỳ coi trọng phát triển nhân cách và sự toàn diện của con người.
Tại Trường Riverside Military Academy, tôi đã gặp được hai nhà giáo dục đáng kính của nước Mỹ. Một là tiến sĩ J. Benson, chủ tịch nhà trường, người truyền cảm hứng cho mọi học viên và giáo viên trong trường về lý tưởng giáo dục. Ông cực kỳ quan tâm tới phát triển tính cách của các cháu thông qua hoạt động giáo dục. Ông viết rất nhiều sách về lãnh đạo, về giáo dục và để tâm đến từng chi tiết của tất cả học sinh. Một lần, trong khuôn viên trường, ông nhìn thấy một học sinh ra khỏi xe hơi mà không mở cửa xe cho mẹ. Ông gọi cháu lại và nhắc cháu về cách tôn trọng mẹ của mình thế nào cho dù chỉ là một việc rất nhỏ. Ông nói với tôi: “Bà hãy an tâm, ở đây chúng tôi không chỉ đào tạo ra những học sinh bình thường, chúng tôi đào tạo ra các nhà quý tộc trẻ”. Người thứ hai là thạc sĩ Kevin Jarrard, một anh hùng quân đội Mỹ có tính cách tuyệt vời. Thậm chí trong một thời gian dài, nhiều phụ huynh sẵn lòng gửi con vào trường chỉ vì có ông ở đó. Khi “Vịt Bầu” con tôi mới vào trường, ông là người giúp cháu hiểu được thế nào là thái độ và cách cư xử đúng đắn. Ông nói rất đơn giản: “Nếu con muốn trở thành con người, con hãy suy nghĩ và hành động như một con người. Nếu con muốn trở thành con heo, đơn giản chỉ cần suy nghĩ và hành động như một con heo”. Những lời nói của ông, nhân cách của ông đã khiến cho cháu được thuyết phục. Chỉ sau hai tuần khi vừa tới nước Mỹ, cháu nói với tôi: “Những gì thầy K. Jarrard nói làm cho con suy nghĩ rất nhiều. Lần đầu tiên con hiểu được rằng chính con là người chịu trách nhiệm cao nhất về bản thân trong cuộc sống”.
- Xem thêm: Du học: Khởi đầu một chặng đường mới
Tôi và gia đình rất biết ơn nhà trường. Những nhà lãnh đạo giáo dục như tiến sĩ J. Benson và thạc sĩ K. Jarrard đã thổi vào từng con người nơi đây tinh thần xả thân vì lý tưởng giáo dục, điều mà hiện nay giáo dục Việt Nam đang thiếu vắng. Đây là những gì trường cam kết trong hơn 100 năm qua: “Những học viên của Trường Riverside Military Academy nhận được từ truyền thống giáo dục Mỹ các giá trị cá nhân về sự hy sinh bản thân, coi trọng danh dự và lòng yêu nước. Học viên tôn trọng văn hóa và niềm tin tôn giáo của người khác, có thái độ và sự tự tin khi thể hiện quan điểm của mình với sức mạnh và tư duy. Các em cần học để hiểu biết về lịch sử, khoa học, toán học và khả năng truyền đạt qua kỹ năng viết. Song các giáo viên và nhân viên của trường biết rõ rằng giáo dục tư duy là chưa đủ, chúng tôi cần giáo dục trái tim, linh hồn và tinh thần của mỗi con người”.
– Trích sách Đồng hành du học cùng con