Thông tin nổi bật nhất đối với thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong tuần qua chính là việc tổ chức cung cấp chỉ số uy tín toàn cầu FTSE Russell đã quyết định đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi để xem xét nâng hạng lên nhóm các thị trường mới nổi cấp 2 (secondary emerging market) trong các kỳ xem xét sắp tới. Thông tin này được công bố vào rạng sáng ngày 27-9-2018, ngay sau đó đã có những tác động tích cực nhất định tới diễn biến của chỉ số VN-Index trong hai phiên cuối tuần qua.
Đi sâu vào quyết định mới này của FTSE, theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt, TTCK Việt Nam hiện đã đạt 8/9 điều kiện tiên quyết để được nâng hạng (passed) và chỉ còn một điều kiện vẫn đang trong mức giới hạn (restricted). Tám tiêu chí đó cụ thể như sau: Thứ nhất, TTCK Việt Nam đã có một ủy ban giám sát hoạt động của thị trường, đó là Ủy ban Chứng khoán Quốc gia hiện nay. Thứ hai, TTCK Việt Nam không có bất kỳ sự cản trở và chế tài phạt nào đối với việc đầu tư và thu hồi vốn đầu tư. Thứ ba, tần suất xảy ra các giao dịch thất bại thấp. Thứ tư và thứ năm, TTCK Việt Nam có tính cạnh tranh cao trong dịch vụ ký quỹ và môi giới chứng khoán nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ. Thứ sáu, thanh khoản thị trường đủ lớn để có thể hỗ trợ cho các thương vụ đầu tư lớn mang tính toàn cầu. Thứ bảy, chi phí giao dịch ở mức vừa phải và có tính cạnh tranh. Thứ tám, tính minh bạch và kịp thời của thông tin thị trường được đảm bảo. Chỉ còn một tiêu chí duy nhất mà TTCK Việt Nam cần phải cải thiện là thanh toán bù trừ. Hiện chúng ta chưa có một trung tâm thanh toán bù trừ riêng biệt mà chức năng này hiện vẫn đang do Trung tâm Lưu ký chứng khoán đảm nhiệm, đồng thời vẫn chưa có các cơ sở cung cấp dịch vụ thấu chi.
Việc được FTSE đưa vào danh sách theo dõi xem xét nâng hạng được đánh giá là thông tin tích cực đối với VN-Index. Tuy nhiên, cần hết sức lưu ý là việc đưa vào danh sách theo dõi không đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ chắc chắn được thăng hạng. Theo tiêu chí của FTSE, kể cả khi đã thỏa mãn chín điều kiện tiên quyết thì Việt Nam vẫn sẽ phải nằm trong danh sách theo dõi ít nhất một năm. Tức là, nếu có những cải thiện để hoàn thiện tiêu chí cuối cùng, thì nhanh nhất Việt Nam sẽ được công bố thăng hạng lên thị trường mới nổi cấp 2 vào kỳ xem xét thường niên năm sau (tức tháng 9-2019). Tuy nhiên, về tổng thể, khả năng này là rất lớn xét ở khía cạnh chúng ta đã đạt được gần như tuyệt đối các tiêu chí tiên quyết và Chính phủ cũng đang khẩn trương gấp rút hoàn thiện Luật Chứng khoán sửa đổi với mục đích giúp Việt Nam được MSCI (công ty cung cấp chỉ số chứng khoán hàng đầu thế giới) và FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi trong tương lai. Dự kiến dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ được đệ trình ra Quốc hội thảo luận và cho ý kiến trong kỳ họp thứ 6 diễn ra vào tháng 10-2018 và thông qua trong kỳ họp thứ 7 diễn ra vào khoảng cuối tháng 5-2019.
Trong trường hợp thị trường Việt Nam được nâng hạng vào kỳ xem xét tháng 9-2019, Công ty Chứng khoán Bảo Việt dự báo TTCK Việt Nam có thể sẽ thu hút được khoảng 1 tỉ USD vốn đầu tư từ nước ngoài. Do quỹ đầu tư Vanguard đang duy trì quỹ ETF thị trường mới nổi với vốn hóa hơn 81,4 tỉ USD, nếu thị trường Việt Nam được phân phối tỷ trọng bằng 53% của tỷ trọng dành cho thị trường Philippines (do vốn hóa của TTCK Việt Nam hiện nay chỉ bằng khoảng 1/2 so với Philippines) thì chỉ riêng đối với quỹ Vanguard này, Việt Nam đã thu hút được khoảng 600 triệu USD. Thêm vào đó quỹ ETF của Schwab cũng đang có hoạt động đầu tư mô phỏng theo chỉ số FTSE thị trường mới nổi với tổng vốn hóa là 4,82 tỉ USD. Chưa kể đến việc quỹ ETF của Deutsche Bank cũng sẽ xem xét mở rộng quy mô đầu tư tại TTCK Việt Nam. Dù Việt Nam chưa chính thức được nâng hạng nhưng trong ngắn hạn, hoàn toàn có khả năng các nhà đầu tư ưa thích rủi ro sẽ tăng đầu tư vào Việt Nam nhằm đón đầu cơ hội.
Xa hơn nữa, sau khi được nâng hạng lên thị trường mới nổi cấp 2, nếu muốn tiếp tục được nâng hạng lên thị trường mới nổi cấp 1 thì TTCK Việt Nam cần phải thỏa mãn thêm một số tiêu chí nữa. Cụ thể là đảm bảo quyền công bằng cho nhà đầu tư nắm giữ thiểu số; nới giới hạn cho sở hữu nhà đầu tư nước ngoài; có thị trường cổ phiếu, thị trường ngoại hối phát triển và tự do chuyển đổi; đơn giản hóa thủ tục cho nhà đầu tư nước ngoài. Để làm được điều này thì cần thiết phải có sự hỗ trợ tích cực từ phía Chính phủ trong việc đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế, thúc đẩy thoái vốn nhà nước và hoàn thiện cơ sở pháp lý.