Sau 10 năm thực hiện Chiến lược biển, Việt Nam đã có những chuyển biến cơ bản trở thành một quốc gia biển, hướng ra biển, coi biển là cửa ngõ, là bậc thềm để vươn ra thế giới. Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tại cuộc họp báo sáng 28-9 trước thềm Hội nghị Trung ương 8.
Đánh giá chung về chỉ số GDP của các tỉnh ven biển, kết quả phát triển kinh tế xã hội khu vực ven biển, cuộc sống người dân ven biển, ông cho rằng các vùng ven biển đã trở thành những khu vực phát triển hết sức năng động, là trung tâm kinh tế tạo động lực rất lớn về đầu tư và phát triển cho cả nước. Tính chung, khu vực ven biển chiếm tới 60 – 70% GDP cả nước. Tuy nhiên, theo bộ trưởng thì thu nhập đầu người của người dân vùng biển vẫn thấp hơn mức trung bình cả nước. Những mục tiêu kỳ vọng khác cũng không đạt, như phát triển ngành công nghiệp đóng tàu, khai thác dầu khí, công nghiệp hàng hải.
- Xem thêm: Xử lý các vướng mắc cho nền kinh tế
Trong dự thảo nghị quyết điều chỉnh Chiến lược biển trình Hội nghị Trung ương 8 có đề cập đến một số ngành thuộc kinh tế biển sẽ phải vươn lên đóng góp nhiều hơn vào phát triển kinh tế. Chẳng hạn ngành công nghiệp đóng tàu buộc phải tái cấu trúc, từ quản trị cho tới chất lượng tăng trưởng trên cơ sở ứng dụng công nghệ tiên tiến, đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao để làm ra những sản phẩm có sức cạnh tranh với quốc tế về kinh tế cũng như mặt kỹ thuật.
Với thất bại trong việc xây dựng ngành công nghiệp đóng tàu lâu nay, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng nguyên nhân từ mô hình các loại doanh nghiệp như Vinashin, Vinalines đến phương thức quản lý, mức đầu tư khoa học công nghệ… chưa phù hợp. Các cơ quan lãnh đạo cũng còn nóng vội, duy ý chí nên để xảy ra những sai phạm, thiệt hại như đã thấy trong thời gian qua.
Thực tế cho thấy, thời điểm này công nghiệp đóng tàu không còn được xác định là một ngành mũi nhọn nữa, đã qua những cơ hội để tranh thủ phát triển ngành này thành chỗ dựa của quốc gia khi hướng ra biển. Về hướng phát triển ngành hàng hải, dự báo thời gian tới nhu cầu về giao dịch giữa các khu vực kinh tế thế giới cũng tăng lên nhiều lần. Chính vì vậy hàng hải tiếp tục là lợi thế kinh tế của Việt Nam, cần phải thúc đẩy.
Với ngành thủy sản, đã có xu hướng chuyển từ khai thác truyền thống gần bờ sang diện xa bờ hơn, bền vững hơn. Từ đó, một định hướng đưa ra là công nghiệp hóa ngành khai thác hải sản, tính đến sự an toàn bền vững của hệ sinh vật biển, chuyển từ khai thác truyền thống sang nuôi trồng trên biển (nuôi trồng ở các vùng biển xa hoặc ở quanh các đảo).
Căn bản nhất là phải xác định chuyển đổi mô hình kinh tế xanh, các lĩnh vực kinh tế phải dựa trên ứng dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến, lấy môi trường, hệ sinh thái tự nhiên làm nền tảng đầu vào cho phát triển. Kinh tế xanh chính là ngành kinh tế mới tạo ra công ăn việc làm, phúc lợi xã hội, hiệu quả kinh tế cho đất nước trong tương lai.
Trong những năm qua, dựa trên lợi thế một quốc gia có vùng biển rộng gấp ba lần lãnh thổ đất liền và hơn 3.000 đảo lớn nhỏ, Việt Nam đã đề ra những chủ trương, biện pháp quan trọng nhằm quản lý, bảo vệ, khai thác biển – vùng ven biển và đã đạt được những thành tựu cơ bản, quan trọng.
Theo Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, thành tựu rõ nhất về phát triển kinh tế biển của nước ta trong những năm qua, đó là quy mô kinh tế biển và vùng ven biển tăng lên. Cơ cấu ngành, nghề thay đổi cùng với sự xuất hiện các ngành kinh tế – dịch vụ mới như khai thác dầu khí, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.
Vùng biển và ven biển có đóng góp lớn vào xuất khẩu, thu ngoại tệ, chủ yếu là dầu khí và thủy sản. Các ngành vận tải biển, đóng và sửa chữa tàu biển, xuất khẩu thuyền viên bước đầu cũng đã đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước. Trong quá trình phát triển kinh tế theo hướng mở, bước đầu đã hình thành 15 khu kinh tế ven biển là các trung tâm phát triển kinh tế hướng biển. Đây là những khu vực phát triển tổng hợp các ngành, nghề biển như hậu cần nghề cá, công nghiệp gắn với cảng biển và vận tải biển, du lịch biển, đô thị hóa và nghiên cứu khoa học về biển,…
Đồng thời, Việt Nam đã có bước phát triển mới ở một số hải đảo, vai trò kinh tế của các đảo tăng lên rõ rệt. Hiện trong 12 huyện đảo thì 66 đảo có dân sinh sống với tổng số trên 155.000 người, mật độ dân số trung bình trên các đảo là 95 người/km², kết cấu hạ tầng trên các đảo được tăng lên rõ rệt, hình thành hệ thống giao thông trên đảo, nhiều đảo gần bờ có điện lưới, đảo xa bờ có máy phát điện, điện mặt trời và cơ sở cung cấp nước ngọt.
Việt Nam cũng đã ký kết và tham gia nhiều điều ước, công ước quốc tế về biển; một số thỏa thuận trên biển với các nước láng giềng nhằm duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển trong khu vực Biển Đông. Tiêu biểu là tham gia ký kết các văn kiện mang tính chất quốc tế và khu vực về Biển Đông như Phương thức Ứng xử Đa phương (DOC), Công ước Quốc tế của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, triển khai một số dự án hợp tác song phương và đa phương với các nước liên quan.
- Xem thêm: Tín hiệu khởi sắc của nền kinh tế
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, phát triển kinh tế biển và bảo tồn tính bền vững của biển Việt Nam còn gặp không ít thách thức, hạn chế. Nếu không hoặc chậm khắc phục sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phát triển hiệu quả và bền vững, cũng như khả năng công nghiệp hóa, hiện đại hóa các ngành kinh tế biển.
Trước hết là nhận thức về vai trò, vị trí của biển và kinh tế biển của các cấp, các ngành, các địa phương ven biển và người dân còn chưa đầy đủ; quy mô kinh tế biển còn nhỏ bé, chưa tương xứng với tiềm năng; cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý; chưa chuẩn bị điều kiện để vươn ra vùng biển quốc tế.
Cơ sở hạ tầng các vùng biển, ven biển và hải đảo còn yếu kém, lạc hậu, manh mún, thiết bị chưa đồng bộ nên hiệu quả sử dụng thấp. Các cảng biển, thiếu hệ thống đường bộ cao tốc chạy dọc ven biển để nối liền các thành phố, khu kinh tế, khu công nghiệp, sân bay ven biển nhỏ bé thành một hệ thống kinh tế biển liên hoàn. Hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học – công nghệ biển, đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế biển; các cơ sở quan trắc, dự báo, cảnh báo biển, thiên tai biển, các trung tâm tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn,… ở ven biển còn nhỏ bé, trang bị thô sơ. Các phương thức quản lý biển mới, tiên tiến còn chậm được nghiên cứu áp dụng. Đặc biệt ít chú ý nghiên cứu công nghệ biển tiên tiến.
Tình hình khai thác, sử dụng biển và hải đảo chưa hiệu quả, thiếu bền vững do khai thác tự phát, không tuân thủ quy hoạch biển, đảo, làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn lợi ích trong sử dụng đa ngành ở vùng ven biển, biển và hải đảo. Còn nghiêng về ưu tiên khai thác tài nguyên biển ở dạng vật chất, không tái tạo, các giá trị chức năng, phi vật chất và có khả năng tái tạo của các hệ thống tài nguyên biển còn ít được chú trọng. Ngày càng nhiều chất thải không qua xử lý từ các lưu vực sông và vùng ven biển đổ ra biển, một số khu biển ven bờ bị ô nhiễm, hiện tượng thủy triều đỏ xuất hiện ngày càng nhiều với quy mô rộng. Sự tham gia của cộng đồng địa phương vào tiến trình quản lý còn rất thụ động, chưa làm rõ vấn đề sở hữu, sử dụng đất ven biển và mặt nước biển cho người dân địa phương ven biển. Công tác kiểm tra, kiểm soát, cấp và thu hồi giấy phép sử dụng, khai thác tài nguyên biển chậm được triển khai trong lĩnh vực quản lý tài nguyên biển.
Tất cả những hạn chế này đã được bổ sung vào “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” và sẽ được Hội nghị Trung ương 8 tìm hướng khắc phục để phát triển hiệu quả kinh tế biển trong những năm tới.