Việc một số nhà đầu tư nước ngoài mua lại toàn bộ hoặc một phần cổ phần tại các công ty tài chính (CTTC) sẽ giúp tăng nguồn lực cho thị trường Việt Nam, từ đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam.
Thị trường đầy tiềm năng
Thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, năm 2017, ước tính dư nợ tín dụng tiêu dùng cả nước có quy mô khoảng 26,5 tỉ USD, tăng 65% so với năm 2016 và vượt xa tốc độ tăng trưởng tín dụng chung (khoảng 19%), qua đó nâng tỷ trọng tín dụng tiêu dùng trong tổng tín dụng tăng từ 12,3% của năm 2015 lên 17% vào cuối năm 2017. Mặc dù thị trường tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh trong những năm trở lại đây nhưng vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực. Cụ thể, nếu như ở các nước phát triển, tỷ trọng cho vay tiêu dùng thường chiếm khoảng từ 40% đến 50% trên tổng dư nợ thì ở Việt Nam trong năm 2017, tài chính tiêu dùng mới đóng góp 17% tổng dư nợ cả nước.
- Xem thêm: Tăng trưởng tín dụng 8 tháng đạt 8,54%
Tỷ trọng tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam còn ở mức thấp xuất phát từ nhiều nguyên nhân như nhận thức, thói quen của người dân vay tiêu dùng còn hạn chế, sản phẩm chưa đa dạng, thủ tục phức tạp, khuôn khổ pháp lý chưa đồng bộ,… Khái niệm tín dụng tiêu dùng hiện nay thậm chí vẫn chưa được nhất quán, chấm điểm tín dụng cho khách hàng còn khó khăn do thông tin thiếu minh bạch, thiếu chính xác. Mặc dù vậy, tiềm năng và cơ hội tăng trưởng của thị trường này tại Việt Nam vẫn còn rất lớn khi dân số trẻ, thu nhập bình quân tăng nhanh và tỷ lệ người dân được tiếp cận dịch vụ tài chính còn thấp. Một thống kê cho biết 48% dân số có thu nhập thấp hiện nay khó tiếp cận được với dịch vụ cho vay của ngân hàng truyền thống trong khi đây là những khách hàng tiềm năng của ngành tài chính tiêu dùng. Đồng thời, thị trường nông thôn, vùng ven vẫn còn đang bị bỏ ngỏ do các công ty tài chính vẫn chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với khách hàng tại đây.
Sự tham gia của nhà đầu tư ngoại
Thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam gần đây chứng kiến thêm sự gia nhập của các nhà đầu tư nước ngoài khi rót vốn mua cổ phần của các CTTC tại Việt Nam. Đơn cử như việc Lotte Card, thành viên Tập đoàn Lotte, chi 1.700 tỉ đồng mua lại 100% bộ phận tài chính tiêu dùng TechcomFinance của Techcombank. Shinhan Card đã bỏ 151 triệu USD mua lại CTTC Prudential Việt Nam (PVFC). Nhìn vào các CTTC đang hoạt động cũng có sự tham gia của các cổ đông nước ngoài: 49% vốn HD Saison của HDBank thuộc về Tập đoàn Credit Saison (Nhật Bản), Tập đoàn Shinsei (Nhật Bản) giữ 49% cổ phần Mcredit (MB)… Việc một số nhà đầu tư nước ngoài mua lại toàn bộ hoặc một phần cổ phần tại các CTTC sẽ giúp tăng nguồn lực tài chính cho thị trường Việt Nam, từ đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam.
Trên đường đua thị phần, ngoài việc bao phủ nhanh thì yếu tố quan trọng nữa là phải kiểm soát rủi ro và giảm thiểu chi phí. Hiện lãi suất cho vay tiêu dùng cao hơn cho vay truyền thống tại các ngân hàng do sự chênh lệch từ chi phí đầu vào cao, chi phí vận hành và tính chất rủi ro từ phân khúc khách hàng có thu nhập trung bình – thấp. Muốn giảm lãi suất tiêu dùng cần ưu tiên xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở dữ liệu người dùng và khai thác sử dụng công nghệ hiệu quả tốt cho tất cả các bên, giảm gánh nặng đối với người vay và chi phí vận hành của doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, không chỉ công ty tài chính tiêu dùng áp dụng công nghệ cao để tranh giành thị phần mà cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt khi các Fintech (công ty công nghệ tài chính) và ngân hàng cũng đang đẩy mạnh công nghệ vào số hóa quy trình cho vay. Việc các đối tác ngoại đầu tư vào Việt Nam để phát triển tín dụng tiêu dùng là tín hiệu tốt, giúp giảm thiểu rủi ro cho ngành khi họ có những công cụ mà có thể tại Việt Nam chưa áp dụng hoặc có áp dụng nhưng chưa hoàn hảo. Những công ty nước ngoài sử dụng công nghệ đó từ lâu nên họ có thể giúp bổ sung những sản phẩm cho tài chính tiêu dùng tại Việt Nam.
Thị trường cho vay tiêu dùng sẽ tiếp tục phát triển mạnh ở Việt Nam. Tuy nhiên, khách hàng cho vay tiêu dùng sẽ ngày càng mở rộng và số lượng khách hàng như nông dân – những người bình thường với kiến thức còn ít về pháp luật và tài chính – khiến hoạt động cho vay tiêu dùng sẽ còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Điều này đòi hỏi pháp luật cần phải cẩn trọng hơn trong việc bảo vệ người đi vay và lợi ích chính đáng của người cho vay.