Những nghiên cứu về cholesterol cũng như công dụng của Statin – thuốc giảm cholesterol đã mang lại cho chúng ta sự hiểu biết chính xác hơn để đối phó với bệnh tim mạch và nguy cơ đột quỵ. Lâu nay, chúng ta đều hiểu một cách đơn giản rằng cholesterol có hai loại là HDL (high-density lipoprotein) và LDL (low-density lipoprotein). Nếu HDL tốt thì LDL xấu vì nó gây ra bệnh tim mạch.
Thế nhưng, cách phân loại như vậy là không ổn vì thật ra chỉ có một loại cholesterol duy nhất. Cholesterol rất cần để xây dựng nên tất cả màng tế bào trong cơ thể, nhất là các tế bào thần kinh. Hơn 70% lượng cholesterol do lá gan sản xuất ra và 30% còn lại đến từ thức ăn. Vì thế, nếu dùng vài quả trứng gà trong tuần thì cũng chẳng gây ảnh hưởng lớn đến lượng cholesterol trong cơ thể.
Từ cholesterol, cơ thể chế biến ra tất cả các loại hormone sinh lý và vitamin D. Hai cái tên HDL và LDL thật ra chỉ để phân loại các protein chuyên chở cholesterol mà thôi. HDL chuyên chở cholesterol thừa về lá gan để “tái chế” vì thế được xem là “tốt”, còn LDL thì ngược lại, chuyên chở cholesterol từ lá gan ra ngoài và bị xem là “xấu”.
Những nghiên cứu mới đây cho thấy người có lượng cholesterol HDL cao vẫn bị bệnh tim mạch, trong khi đó qua tìm hiểu hơn 60% các trường hợp bị đột quỵ, các nạn nhân có lượng LDL cũng như tổng số cholesterol hoàn toàn bình thường. Đúng là khi tổng lượng cholesterol cao thì nguy cơ bị bệnh tim mạch tăng lên, nhưng điều ấy không đủ để kết luận rằng cholesterol là nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch. Trong đời sống, có rất nhiều sự kiện xảy ra song song với nhau nhưng không có một mối liên hệ nào giữa chúng cả. Ví dụ, khi hai chiếc xe chạy song song trên xa lộ thì không có nghĩa là hai người lái xe có quan hệ với nhau, không phải chiếc xe này “xúi” chiếc kia chạy theo và hai chiếc xe đâu có đến cùng một điểm.
Bệnh tim mạch xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó cholesterol chỉ là một và có thể chỉ là “tòng phạm bất đắc dĩ”. Có tới 14 lý do gây ra bệnh tim mạch, bao gồm hút thuốc lá, bệnh tiểu đường, cao huyết áp, trong gia đình có người bị bệnh tim mạch, thừa cân và không tập thể dục thể thao…
Có sự hiểu lầm lớn rằng khi cholesterol tăng cao sẽ làm nghẽn mạch máu. Lý giải khá quen thuộc là mạch máu bị lở loét và khi cholesterol bám vào lâu ngày khiến mạch máu bị nghẽn lại, giống như ống nước bị nghẽn do chất dơ. Thật ra, sự hư hại của mạch máu bắt đầu ngay từ phía bên trong vách tường của mạch máu chứ không phải là bị lở từ bên ngoài vào. Trước hết, một số tế bào bên trong vách mạch máu bị oxy hóa và chết do 14 lý do đã nêu hay vì già yếu. Kế đến, những nguyên liệu cần phải huy động để trám vào chỗ trống ấy gồm có cholesterol, calcium và chất sợi fibrous tissue. Nếu sự hao mòn tế bào cứ tiếp tục xảy ra, chỗ trám sẽ phình lên từ bên trong, giống như bong bóng bị phình từ một chỗ yếu và cuối cùng sẽ vỡ. Những mảnh vụn sẽ chạy đến những mạch máu nhỏ hơn và làm nghẽn động mạch cấp tính. Giống như ổ gà trên mặt đường sinh ra do kết cấu đất đá bên dưới bị sụt lở chứ không phải do xe chạy qua chạy lại làm hư hại mặt đường, việc các “xe” chuyên chở cholesterol chạy qua chạy lại trong mạch máu không phải là nguyên nhân đầu tiên gây ra tình trạng lở mạch máu. Dĩ nhiên, một khi chỗ lở bị bung ra thì sự nghẽn mạch máu càng tăng. HDL hay LDL cũng thế, giống như khi ổ gà lớn làm sụt đường thì tai nạn giao thông có thể xảy ra, bất kỳ xe lớn hay xe nhỏ.
- Xem thêm: Nguy cơ bệnh tim mạch do rối loạn mỡ máu
Trong nhóm protein chuyên chở cholesterol, có một chủng loại cực nhỏ gọi là lipoprotein (a), viết tắt là Lp (a). Loại “xe chuyên chở” này vì kích thước nhỏ nên có thể xâm nhập vào những nơi tế bào bị hư để trám lại chỗ yếu của hệ thống mạch máu. So với HDL và LDL, Lp (a) phản ánh tình trạng bất ổn của cơ thể chính xác hơn. Lp (a) tăng cao phần lớn vì di truyền, phần khác do bệnh tiểu đường trong hội chứng mỡ – đường – máu. Thuốc trị bệnh tiểu đường Metformin, thuốc Aspirin và thuốc Niacin có tác dụng làm giảm lượng Lp (a), còn thuốc Statin tuy giảm LDL nhưng không làm giảm Lp (a).
Những nghiên cứu gần đây cho rằng Statin giúp giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch nhờ vào hiệu ứng trực tiếp trên mạch máu hơn là hiệu ứng giảm cholesterol. Cũng vì thế, những loại thuốc mới có thể giảm LDL đến 70% rất đắt tiền nhưng không chứng tỏ được khả năng giảm nguy cơ bị bệnh tim. Người dùng thuốc Statin lâu năm có thể giảm bớt được kích thước chỗ phình trên vách mạch máu nên cũng giảm được khả năng chỗ phình ấy bị vỡ ra. Cho dù thuốc Statin được khuyến cáo nên dùng hằng ngày trong vòng năm năm để giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch từ 3% xuống còn 2%, nhưng nếu 1% ấy tương đương khoảng 80 ngàn ca bị đột quỵ tim mỗi năm ở Mỹ thì theo nhiều bác sĩ, Statin là thuốc mà mọi người nên uống. Ngược lại, một số bác sĩ khác lại cho rằng Statin là “loại thuốc bịp bợm nhất trong lịch sử y khoa”.
Statin có thể thích hợp với một số bệnh nhân, nhưng cũng phải đề phòng những phản ứng phụ như đau nhức bắp thịt, bệnh tiểu đường và bệnh mất trí nhớ. Ngoài ra, khi dùng thuốc này, người bệnh nên uống thêm thuốc CoQ10 vì Statin ngăn chặn sự sản xuất của CoQ10. Thiếu CoQ10, các tế bào sẽ bị kiệt quệ vì thiếu năng lượng. Trái tim và bộ não cần nhiều CoQ10 nhất.
Nói chung, tốt nhất là giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch bằng cách vận động, giảm cân vì đó là cách giảm cholesterol hiệu quả. Dùng thuốc Statin chỉ là giải pháp tạm thời. Quan niệm chỉ cần uống Statin là đủ để giảm nguy cơ bị đột quỵ tim là một hiểu lầm tai hại.