Hoạt động tái cơ cấu danh mục đầu tư của hai quỹ ETF là Vaneck và Deutsche Bank sẽ là một trong những nhân tố ảnh hưởng tới diễn biến giao dịch của VN-Index trong tháng 9.
Những rủi ro trong tháng 9
Thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu kể từ đầu quý II-2018 đến nay đã và đang hứng chịu không ít bất ổn trước sự thay đổi nhanh chóng chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và tính chất bất ổn định của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Đối với Fed, việc bình thường hóa chính sách tiền tệ khi giảm bảng cân đối tài sản khổng lồ với 4.500 tỉ USD chưa hề có tiền lệ trong lịch sử tài chính. Đồng thời với đó là lộ trình tăng lãi suất dày đặc tại các nước đã tác động lớn đến mặt bằng lãi suất và xu hướng dòng vốn toàn cầu khi áp lực rút vốn khỏi thị trường mới nổi và cận biên gia tăng.
Ngoài ra, sự tăng giá của USD cũng khiến một số thị trường mới nổi và cận biên bắt đầu bộc lộ những bất ổn, khiến thị TTCK và tiền tệ của các nước này lao dốc trước làn sóng nhà đầu tư rút vốn về chính quốc. Trong số này, những quốc gia có thâm hụt cán cân vãng lai và vay nợ ngoại tệ lớn bằng đồng USD chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất là Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi…
Trong tháng 9, rủi ro lớn nhất đối với TTCK Việt Nam vẫn là sự leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung với khả năng Mỹ sẽ sớm công bố danh sách các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc bị đánh thuế trong gói 200 tỉ USD. Trung Quốc cũng đã tuyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ bằng gói đánh thuế trả đũa trị giá 60 tỉ USD. Ngoài ra, việc gần như chắc chắn Fed sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp vào cuối tháng 9 cũng sẽ tiếp tục mang đến những bất ổn cho các thị trường cận biên và mới nổi. Về các thông tin mang tính thị trường, hoạt động tái cơ cấu danh mục đầu tư của hai quỹ ETF là Vaneck và Deutsche Bank cũng sẽ là nhân tố ảnh hưởng không nhỏ tới diễn biến giao dịch của các nhà đầu tư nội. Trước mỗi kỳ đánh giá lại và tái cơ cấu danh mục của hai quỹ này, thị trường thường có giao dịch lình xình trong trạng thái chờ đợi chứ rất ít khi có giao dịch bùng nổ.
Nhân tố nào hỗ trợ cho thị trường?
Một trong những điểm tích cực hỗ trợ cho đà hồi phục của VN-Index gần đây là xu hướng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài đang có dấu hiệu giảm dần, từ mức trung bình trên 800 tỉ đồng xuống 250 tỉ đồng trong những tuần gần đây. Ngoài ra, trong Diễn đàn kinh tế Việt Nam mới được tổ chức, Chính phủ đã tái khẳng định mục tiêu định hướng đưa TTCK Việt Nam vào thị trường mới nổi trong khoảng hai năm tới và Chính phủ đang nỗ lực cải cách nhằm đạt được các tiêu chuẩn đó. Đây là yếu tố mang tính động lực, quyết định với xu hướng dòng vốn và kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài trong những năm tới.
Về yếu tố cơ bản của các doanh nghiệp niêm yết, quý II vừa qua chứng kiến mức tăng trưởng lợi nhuận của các ngành, lĩnh vực chính rất tích cực. Trong đó, mức tăng trưởng thu nhập trung bình của Top 10 ngân hàng lớn nhất trên sàn lên đến 31,4%, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trung bình lên đến 74,3%. Dẫn đầu nhóm có lợi nhuận tăng trưởng đột biến gồm VIB tăng 200%, ACB tăng 150%, HDBank tăng 134%, TPBank tăng 112%…
Đối với lĩnh vực bất động sản, các doanh nghiệp đầu ngành điển hình như DXG lãi ròng đạt 432 tỉ đồng, tăng 113% so với cùng kỳ và hoàn thành 40% kế hoạch kinh doanh năm. PDR ghi nhận 240,7 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, đạt mức tăng trưởng 91% so với cùng kỳ. Ngoài ra, các doanh nghiệp trong lĩnh vực như hàng tiêu dùng và bán lẻ với các cổ phiếu đầu ngành như PNJ, MWG có tốc độ tăng trưởng khá tốt. PNJ đạt doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế sáu tháng lần lượt 7.356 tỉ đồng (+34% yoy) và 517 tỉ đồng (+37% yoy); MWG tăng 43% doanh thu và 44% lợi nhuận sau thuế… Đây sẽ là điểm tựa để níu giữ dòng vốn đầu tư mang tính dài hạn tại TTCK Việt Nam.
Về chiến lược đầu tư, nhà đầu tư nên chọn lọc, hướng đến nắm giữ cổ phiếu có tốc độ tăng trưởng tốt và kết quả kinh doanh sáu tháng cuối năm khả quan. Về các nhóm ngành tiềm năng, trong giai đoạn cuối năm, các ngành nên được lưu tâm là ngân hàng (VCB, MBB, ACB), chứng khoán (SSI, HCM, MBS), bất động sản và xây dựng (DXG, NLG), tiêu dùng – bán lẻ (MWG, PNJ, DGW), vật liệu xây dựng (VCS, HPG), công nghệ (FPT), sản xuất điện (REE, NT2, POW)…