Từ đầu năm đến nay, khủng hoảng tài chính ở Thổ Nhĩ Kỳ lan rộng, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã mất giá hơn 40%. Đồng tiền này rớt xuống mức thấp kỷ lục vào ngày 10-8, sau khi ông Trump tuyên bố sẽ trừng phạt Ankara vì mâu thuẫn trong nhiều vấn đề giữa hai nước, trong đó có vụ bắt giữ mục sư người Mỹ Andrew Brunson bị cáo buộc liên quan đến một nhóm khủng bố đứng sau vụ đảo chính bất thành cách đây hai năm.
Tổng thống Mỹ đã nâng gấp đôi thuế áp lên nhôm và thép Thổ Nhĩ Kỳ lên mức tương ứng 20% và 50% – một động thái mà Ankara cho là đi ngược lại các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Trên mạng xã hội Twitter, ông Trump nhấn mạnh rằng đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ “đang lao dốc mạnh so với đồng USD rất mạnh của chúng tôi! Mối quan hệ của chúng tôi với Thổ Nhĩ Kỳ lúc này đang không tốt”.
- Xem thêm: Ngân sách Mỹ thâm hụt trầm trọng
Là một thị trường mới nổi quan trọng, Thổ Nhĩ Kỳ (nằm cạnh Iran, Iraq và Syria), là một quốc gia chủ yếu thân phương Tây và là đồng minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) trong nhiều thập niên qua. Khủng hoảng tài chính ở Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ đẩy bất ổn gia tăng tại một khu vực vốn dĩ có nhiều biến động.
Tuy nhiên, theo tờ Wall Street Journal, một số nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế không cho rằng cuộc khủng hoảng của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có ảnh hưởng sâu rộng đến thị trường toàn cầu. Những rắc rối tài chính mà Thổ Nhĩ Kỳ đang rơi vào là nghiêm trọng hơn so với thách thức mà các thị trường mới nổi khác đối mặt thời gian gần đây, nhưng về bản chất chỉ nằm trong biên giới của quốc gia này. Những năm gần đây, các thị trường mới nổi vay nợ ngày càng nhiều, và Thổ Nhĩ Kỳ cũng không nằm ngoài xu hướng này. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ ngoại tệ của Thổ Nhĩ Kỳ cao hơn nhiều so với các quốc gia mới nổi khác. Điều này khiến gánh nặng nợ nần của Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng khi đồng nội tệ rớt giá.
Theo Wall Street Journal, tỷ lệ nợ ngoại tệ so với tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Thổ Nhĩ Kỳ lên tới khoảng 70%, trong khi con số này của Trung Quốc chỉ vào khoảng 15%, của Nga chưa đầy 25%.
Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan – người cho rằng “sự vận động hành lang về lãi suất” mờ ám và các tổ chức đánh giá tín nhiệm phương Tây đang cố tình hạ gục nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ – lên tiếng kêu gọi người dân thể hiện tinh thần yêu nước. Ông khuyến khích người dân bán vàng và USD để hỗ trợ đồng lira đang lao dốc chóng mặt: “Nếu ai đó đang cất USD hay vàng dưới gối, hãy mang đi đổi lấy lira tại các ngân hàng của chúng ta. Đây là một trận chiến quốc gia”.
Dưới sức ép của ông Erdogan, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã phải giữ lãi suất ở mức thấp, dù lạm phát đã vượt ngưỡng 15% vào tháng 7. Trong cuộc họp mới đây, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục đi ngược lại kỳ vọng của thị trường khi giữ nguyên lãi suất. Giới phân tích nói rằng điều đó có thể làm ông Erdogan hài lòng, nhưng nhiều khả năng đã đến lúc Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải có hành động khẩn cấp.
Chuyên gia kinh tế về châu Âu Carsten Hesse thuộc Berenberg đánh giá: “Không loại trừ khả năng một cuộc suy thoái và khủng hoảng nợ sẽ buộc Thổ Nhĩ Kỳ thực thi các biện pháp kiểm soát vốn và đề nghị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giải cứu”.
Dù ông Erdogan đưa ra những tuyên bố cứng rắn, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi đối thoại để giải quyết vấn đề với Washington. Bộ trưởng Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ Ruhsar Pekcan nói: “chúng tôi kêu gọi Tổng thống Trump quay trở lại bàn đàm phán”.
Ngày 15-8, Mỹ bác bỏ khả năng dỡ thuế thép và nhôm áp lên Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng quốc gia vùng Vịnh Qatar bất ngờ ra tay giải cứu Ankara khi hứa rót vốn 15 tỉ USD, nhờ đó đồng lira đang dần hồi phục.