Yatsuhashi được làm từ bột gạo nếp, đường và quế, áo ngoài bằng bột đậu tương được người Nhật dùng cho những ngày Tết, lễ hội. Có hai dạng phổ biến là Nama Yatsuhashi dẻo mềm hình tam giác (dùng tươi) và Yatsuhashi dạng bánh quy (nướng).
Bánh Yatsuhashi rất phổ biến tại Kyoto và là món quà ưa chuộng của khách du lịch. Yatsuhashi có hình tam giác bởi nó tượng trưng cho koto – loại đàn hạc truyền thống ở Nhật Bản. Bánh có hương vị quế, vừng đen hay trà xanh được làm bằng bột gạo cán mỏng, sau đó bọc đậu đỏ bên trong và nướng lên.
Tương truyền, bánh Yatsuhashi được tạo ra bởi Yatsuhashi Kengyo, một nhạc sĩ sống trong thời kỳ Edo từ thế kỷ 15. Ông sử dụng bột gạo, bột quế và nhân đậu đỏ, gói chúng lại thành chiếc bánh hình tam giác, giống như những khuông trên cây đàn koto. Ban đầu, mọi người gọi chúng là “bánh nếp”, nhưng sau khi ông qua đời, để tưởng nhớ những đóng góp của ông đối với nền âm nhạc Nhật Bản thì món bánh đã được mang tên ông – Yatsuhashi.
Để làm ra được những chiếc bánh thơm ngon, một người thợ phải theo học nghề từ 3 đến 5 năm mới có thể thuần thục. Nguyên liệu làm ra Yatsuhashi mang đậm phong vị Nhật Bản bao gồm: bột nếp, quế, đậu đỏ, bột trà xanh, vừng đen, hoa anh đào. Bột nếp được trộn cùng bột quế, bột trà xanh hoặc bột vừng đen, thêm nước và được hấp chín, sau đó tiếp tục nhào cho đến khi khối bột vừa dẻo vừa mềm. Tiếp đó bột sẽ được cán mỏng, cắt miếng hình vuông, gói vào trong đó nhân đậu đỏ và gấp đôi lại để tạo thành hình tam giác. Từ đó, có hai loại Yatsuhashi: nướng và dùng tươi.
Ăn Yatsuhashi đúng kiểu truyền thống là phải sử dụng chiếc tăm cắt bánh thành hai miếng. Yatsuhashi ngon nhất là được ăn cùng một ly matcha, thưởng thức hương vị thanh nhẹ của miếng bánh.
Những cửa hàng bán món bánh này nổi tiếng nhất tại Kyoto, Nhật Bản như: Izutsu Yatsuhashi, mở cửa vào năm 1805; Honke Nishio đã duy trì cửa hàng từ năm 1678; Otabe với 72 năm tên tuổi. Ngoài bánh Yatsuhashi, những cửa hàng này còn bán nhiều loại bánh kẹo Nhật truyền thống khác.