Chỉ trong các ngày từ 25 đến 28-7, Phòng khám Hữu Nghị (PKHN) đã liên tục tiếp nhận hai ca và vận dụng quy trình báo động đỏ liên viện (theo công văn chỉ đạo của Sở Y tế TP.HCM) cùng với ê-kíp bác sĩ Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn (BV HMSG) xử lý cấp cứu kịp thời hai trường hợp bệnh nhân nguy kịch.
Bệnh nhân N.T.K.P. (sinh năm 1969) được đưa vào lúc 8g15 ngày 25-7 trong tình trạng ngất xỉu, tri giác lừ đừ, không đáp ứng với kích thích đau (nhéo vào da), tay chân lạnh, vã mồ hôi, tiêu tiểu không tự chủ, không đo được mạch. Các bác sĩ PKHN đã nhanh chóng thực hiện quy trình báo động đỏ liên viện với khoa Cấp cứu của BV HMSG. Xe cấp cứu BV HMSG được điều khẩn chuyển đến bệnh viện.
Qua điện thoại, BS-CKI Phan Hoàng Nguyên – Trưởng khoa Cấp cứu BV HMSG đã trao đổi chuyên môn với BS-CKII Lê Thị Minh Châu của PKHN nhanh chóng xử lý cấp thiết bước đầu, hồi sức cấp cứu truyền dịch ngay tại chỗ để nâng tổng trạng của người bệnh. Tại BV HMSG, ê-kíp bác sĩ cấp cứu tiếp tục đánh giá lại các chỉ số cận lâm sàng. Dù người bệnh còn rất mệt nhưng huyết áp lên lại 100/60mm Hg, tri giác tốt hơn. Nhờ xử lý điều trị kịp thời, sau hai ngày, tình trạng người bệnh ổn định lại và đã được xuất viện. Ở trường hợp này, nếu không đánh giá đúng nguy cơ tình trạng diễn biến xấu và cách xử lý ban đầu, người bệnh dễ bị ngưng tim, ngưng thở, nguy hiểm đến tính mạng.
Ca thứ 2 là trường hợp thai ngoài tử cung vỡ của bệnh nhân Đ. T. T. H. (sinh 1989), nhập viện trong tình trạng đau bụng đột ngột và dữ dội, trạng thái li bì, da tái lạnh vã mồ hôi, giọng nói thều thào. Biết được người bệnh bị trễ kinh hai tuần trước đó, các bác sĩ PKHN đã nhanh chóng hội chẩn và chỉ định các xét nghiệm cận lâm sang. Kết quả là thai ngoài tử cung vỡ, vỡ lách làm tràn dịch lượng nhiều ổ bụng, xuất huyết nội.
Thực hiện quy trình báo động đỏ liên viện, BS. CKI. Phan Hoàng Nguyên – Trưởng khoa Cấp cứu của BV HMSG đã trao đổi chuyên môn qua điện thoại với bác sĩ PKHN về cách cấp cứu ban đầu cho người bệnh. Trong vòng 15 phút, xe cấp cứu của BV HMSG đã có mặt PKHN và người bệnh được chuyển về khoa Cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ cấp cứu cùng bác sĩ sản khoa đã sẵn sàng tiếp nhận, hội chẩn ngay khi có kết quả siêu âm ổ bụng. Dù huyết áp động nhưng tình trạng bệnh nhân rất nguy kịch do dịch ổ bụng mất hơn một lít máu, ê kip bác sĩ vẫn quyết định mổ tối khẩn (khẩn hơn quy trình mổ cấp cứu). Người bệnh được cấp cứu thành công sau hai giờ phẫu thuật. Hiện tình trạng bệnh nhân đã ổn định và được phép xuất viện.