Một tuần lễ sau Hội nghị Thượng đỉnh NATO ngày 16-7 đầy bão tố, ở đó Tổng thống Mỹ Donald Trump phỉ báng châu Âu là những nước lợi dụng Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) đã ngày càng trở nên xa lánh nước Mỹ.
Tại hội nghị này, ông Trump gọi nước Đức, trung tâm quyền lực của EU, là “tù nhân” của Nga. Sau đó, ông gợi ý nước Anh nên kiện EU về các điều khoản Brexit. Cuối cùng, ông kết thúc bằng việc gọi khối 28 quốc gia này là “kẻ thù”.
Cho nên cũng không có gì là ngạc nhiên khi EU tìm kiếm bạn bè ở nơi khác. Hôm 17-7, EU đã cùng với Nhật hình thành nên thỏa thuận thương mại song phương lớn nhất từ trước đến nay, mà đáng ra đó phải là Hiệp ước Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) – một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và EU (nhưng ông Trump đã nhanh chóng tuyên bố rằng đừng mong thỏa thuận đó xảy ra nếu ông ở trong Nhà Trắng).
Thỏa thuận này bao gồm 600 triệu người và gần một phần ba nền kinh tế toàn cầu, có tầm quan trọng chiến lược đối với thế giới chống chủ nghĩa bảo hộ và cũng là sự chứng thực một hệ thống thương mại toàn cầu đang bị đe dọa.
Thỏa thuận này loại bỏ thuế quan đối với hàng xuất khẩu châu Âu như pho mát và rượu vang. Các nhà sản xuất ôtô và điện tử Nhật Bản sẽ gặp ít rào cản hơn trong EU. Việc tháo dỡ các rào cản thương mại tương phản hoàn toàn với cách tiếp cận của Tổng thống Donald Trump, người đã áp đặt thuế quan đối với hàng loạt hàng hóa nước ngoài và đang đe dọa nhiều hành động hơn.
Donald Tusk, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, đã ca ngợi thỏa thuận này là thỏa thuận thương mại song phương lớn nhất từ trước đến nay và cho rằng quan hệ giữa EU và Nhật Bản chưa bao giờ mạnh mẽ hơn. Ông nói trong một tuyên bố bằng văn bản: “Về mặt địa lý, chúng ta cách nhau rất xa. Nhưng về mặt chính trị và kinh tế, chúng ta có thể tiến gần hơn”.
Nhật Bản và EU đã giao dịch gần 129 tỉ euro (152 tỉ USD) hàng hóa trong năm ngoái, theo số liệu của EU. Trong thông cáo chung đưa ra sau lễ ký kết, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tuyên bố, ngày hôm nay đánh dấu một ngày lịch sử khi chứng kiến việc ký kết thỏa thuận thương mại cực kỳ tham vọng giữa hai nền kinh tế thuộc hàng lớn nhất thế giới.
Tại cuộc họp báo chung sau đó, cả ba nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh vai trò quan trọng của thương mại tự do trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đang khiến nhiều nước lo ngại, với cảnh báo về một cuộc chiến tranh thương mại.
Theo Thủ tướng Shinzo Abe, việc ký kết thỏa thuận đối tác kinh tế này đang chỉ ra cho thế giới thấy quyết tâm chính trị không thể lay chuyển của Nhật Bản và EU dẫn đầu thương mại tự do, cũng như dẫn dắt thế giới đi theo hướng này, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng. Văn kiện sẽ được trình lên Quốc hội Nhật Bản và Nghị viện châu Âu từ nay đến cuối năm để có thể đi vào hiệu lực vào năm 2019.
Thỏa thuận thương mại tự do giữa EU và Nhật Bản không nhất thiết phải được tất cả các nghị viện của EU thông qua. Nhật Bản và EU bắt đầu đàm phán thỏa thuận tự do thương mại từ năm 2013. Hai bên đã đạt được thỏa thuận nguyên tắc tại Hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản – EU tháng 7-2017 và nhất trí được thỏa thuận cuối cùng vào tháng 12-2017.
Quan hệ giữa Mỹ và châu Âu càng trở nên tồi tệ hơn khi ông Trump đã dùng Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Nga ở Helsinki để ve vuốt ông Putin – người mà châu Âu coi là kẻ thù – trong một cuộc hội đàm được nhìn nhận là thân thiết khác thường.
Năm ngày sau cuộc gặp ở Helsinki, các quan chức và các nhà lập pháp Mỹ vẫn hoàn toàn mù mờ về những nội dung mà hai nhà lãnh đạo đã bàn thảo trong cuộc họp riêng kéo dài hai tiếng đồng hồ mà không có ai khác ngoài thông dịch viên.
Trong lúc giới chức Mỹ đang dò dẫm xem hai nhà lãnh đạo Nga – Mỹ đã nói gì với nhau trong cuộc họp kín, Moscow hé lộ thông tin một cách nhỏ giọt.
Hãng tin RIA của Nga đưa tin Bộ Quốc phòng nước này cho biết họ đã đưa ra đề xuất với Washington về việc tổ chức cho hơn 1,7 triệu người tỵ nạn Syria về nhà sau thỏa thuận đạt được giữa Trump và Putin. Cả Nhà Trắng lẫn Bộ Ngoại giao Mỹ đều không phản hồi trước yêu cầu bình luận về đề xuất này.
Tổng thống Putin cũng đưa ra đề xuất cụ thể với ông Trump về cách giải quyết cuộc xung đột ở miền đông Ukraine, hãng tin Interfax dẫn lời Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho biết. Nhưng ông không nói rõ là sẽ giải quyết như thế nào.
Ông đại sứ nói nước Nga đã sẵn sàng thảo luận một cuộc gặp mới được đề xuất giữa ông Trump và ông Putin, cũng theo Interfax.
Bản thân những cố vấn của ông Trump, như Giám đốc Tình báo Quốc gia Dan Coats, hôm 19-7 đã nói rằng ông cũng không biết Tổng thống Trump đã nói gì trong cuộc gặp riêng với Tổng thống Putin.
Những người lên án ông Trump về cuộc gặp thượng đỉnh với ông Putin bao gồm cả những thành viên của Đảng Cộng hòa. Một số người từng ủng hộ ông nhiệt thành cũng lên tiếng chỉ trích ông.
Báo chí châu Âu nhận định “Nước Mỹ trên hết” theo phương châm của ông Trump đang trở thành nước Mỹ cô độc một mình khi bạn bè lâu năm đã từng đổ máu chiến đấu bên cạnh người Mỹ giờ trở thành kẻ thù.
Việc ông Trump đứng về phía ông Putin và việc EU tiếp cận Nhật Bản và Trung Quốc đã làm nổi bật hố ngăn cách ngày càng mở rộng trong tình đoàn kết xuyên Đại Tây Dương, vốn đã là hòn đá tảng trong ba phần tư thế kỷ mà chứng nhân là vô số nấm mộ của những người lính Mỹ được chôn trên đất châu Âu.
Tính cách chỉ biết mình chứ không cần biết ai và thông điệp “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump là điều mà thế giới đã biết từ trước khi ông lên làm tổng thống. Tuy nhiên, việc châu Âu ngày càng quay lưng lại với mối quan hệ với Nhà Trắng là điều hoàn toàn mới.