Lãnh đạo bộ môn đua xe đạp thế giới đã áp dụng hộ chiếu sinh học từ năm 2008 và tiến hành 3.314 vụ xét nghiệm máu ngoài giải trong cùng năm. Trong khi đó, Liên đoàn Quần vợt quốc tế (ITF) chỉ xét nghiệm máu ngoài giải có 21 lần trong năm 2011, so với tổng số 2.150 vụ xét nghiệm doping. Mới đây tại giải Rotterdam, Roger Federer kêu gọi áp dụng hộ chiếu sinh học, trong đó lưu giữ các kết quả xét nghiệm doping và nhờ đó trong tương lai có thể phát hiện mức độ gia tăng những dấu hiệu bất thường trong máu hơn là chỉ xác định chất cấm. “Sau Australian Open tôi không có xét nghiệm máu nào và tôi đã nói với người có trách nhiệm đó là một ngạc nhiên lớn đối với tôi. Cần phải có nhiều xét nghiệm ngoài thi đấu hơn nữa”, Federer nói.
Tuy nhiên, Federer cũng biết rõ vấn đề nằm ở kinh phí. Tổng ngân sách chương trình chống doping năm 2013 vào khoảng 2 triệu USD, chủ yếu chi từ bốn giải Grand Slam, ITF, ATP và WTA, chỉ bằng một nửa tổng số tiền thưởng mà Novak Djokovic và Andy Murray kiếm được tại Australian Open vừa qua (3,8 triệu USD). “Bạn thường được thử máu tại giải Grand Slam sau khi thua trận, nhưng chưa bao giờ tôi bị thử máu ngoài giải”, Mike Bryan, tay vợt song sinh cùng Bob Bryan lập kỷ lục 13 danh hiệu đôi nam Grand Slam nói. Mike cho biết anh được xét nghiệm doping 20 lần/năm, nhưng ngoài thi đấu thì anh chỉ được xét nghiệm nước tiểu. Nước tiểu có thể giúp phát hiện nhiều chất kích thích, trong đó có EPO mà Armstrong và các tay đua sử dụng nhiều lần. Nhưng chỉ xét nghiệm máu mới giúp phát hiện HGH – hormone tăng trưởng ở người.
Mỗi năm, quần vợt bỏ ra khoảng 300 triệu USD tiền thưởng, trong khi lắp đặt hệ thống trọng tài điện tử Hawk-Eye tốn khoảng 50.000-60.000 USD cho mỗi sân. Darren Cahill, huấn luyện viên từng đưa Agassi và Hewitt lên vị trí số 1 thế giới, cho rằng thu nhập tăng thêm từ các giải phải được đầu tư nhiều hơn cho chương trình xét nghiệm doping. “Điều đó cho thấy chúng ta không chỉ tin tưởng vào quần vợt, mà còn làm cho mọi người tin rằng chúng ta tiến hành những biện pháp để môn thể thao này được trong sạch”, Cahill giải thích. Tuy nhiên, lãnh đạo Cơ quan phòng chống doping thế giới WADA cho rằng trách nhiệm gây quỹ thuộc về các tổ chức chứ không phải cắt tỷ lệ tiền thưởng của các tay vợt. Một số tay vợt cho rằng số vụ xét nghiệm có kết quả dương tính tương đối thấp – chỉ 63 “sự cố doping” từ năm 1995 – cho thấy quần vợt còn rất trong sạch.
Huỳnh Quang