Gần đây, Gia Lai đang dần chuyển mình thành tuyến điểm du lịch mang lại nhiều điều thú vị cho du khách. Nếu xét về khí hậu vùng Tây Nguyên, Gia Lai chỉ thua Đà Lạt. Hoa, rừng thông của xứ sở này có những mùa, những khu vực cũng tạo nên dáng vẻ rất thơ mộng. Hơn nữa, so với các tuyến điểm khác tại Tây Nguyên, Gia Lai có một thế mạnh nổi bật, đó chính là văn hóa cồng chiêng và một số bản làng của người Bahnar, Jrai.
Làng Stơr tại xã Tơ Tưng, huyện K’bang, nơi tập trung đông đảo người Bahnar là địa điểm văn hóa đầu tiên chúng tôi ghé thăm trong chuyến khảo sát du lịch Gia Lai năm nay. Khoảng cách 78km tính từ thành phố Pleiku chạy trên cung đường 19 băng qua các huyện Mang Yang, An Khê tính ra không xa lắm, bù lại còn có dịp nhìn ngắm không gian hai bên đường, đặc biệt có đoạn băng qua rừng thông thơ mộng không thua gì một số cung đường lên Đà Lạt.
Stơr nổi tiếng với anh hùng Núp. Nhà lưu niệm Anh hùng Núp xây dựng khang trang, chủ yếu trưng bày hình ảnh gắn liền anh hùng Núp và các vật dụng làm nương rẫy, nông cụ, các trang phục truyền thống, các loại nhạc cụ đặc trưng của bà con trong vùng… Du khách phương xa sẽ được nghe chính hướng dẫn viên người Bahnar thuyết minh đầy đủ về lịch sử, văn hóa trong vùng và những câu chuyện không ngớt về hình ảnh anh hùng Núp, biểu tượng không chỉ của làng.
Đối diện nhà lưu niệm là khu nhà rông với khoảng sân rộng lớn, có thể chứa hàng ngàn khách, nơi chuyên tổ chức sinh hoạt cộng đồng và tổ chức các chương trình văn nghệ chào đón du khách phương xa. Cách nhà rông khoảng vài trăm mét, nằm trên một ngọn đồi thoai thoải nơi hướng nhìn cánh đồng của làng là một cụm khoảng năm nhà đặc trưng của người Bahnar. Đến đây, du khách sẽ tận mắt chứng kiến cảnh sinh hoạt thường nhật của người dân, từ giã gạo, nuôi gà, lợn… trong không gian nhà sàn.
Đã có dịp đi qua hầu hết các bản làng du lịch tại khu vực Tây Nguyên, nhưng ấn tượng với chuyến đi Stơr lần này đối với cá nhân tôi là hai “đặc sản”. Thứ nhất, lần đầu tiên thưởng thức văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên còn khá nguyên bản và mang lại nhiều cảm xúc dành cho người lĩnh hội từ đội cồng chiêng của khoảng 100 em thiếu nhi và đội cồng chiêng nữ Bahnar trong vùng. Cả đội biểu diễn có hồn vì họ ý thức phải biết trân trọng, gìn giữ và phát triển bản sắc độc đáo của cộng đồng. Thứ hai, là các đặc sản ẩm thực “cây nhà gà vườn lợn bản rau rừng” được chế biến đơn giản nhưng chất lượng hoàn hảo, cộng với những ché rượu cần cùng tiếng cồng chiêng bên ánh lửa bập bùng mang lại trải nghiệm khó quên.
Địa điểm thứ hai chúng tôi ghé thăm cũng của người Bahnar, tuy chưa được du khách biết đến, nhưng cũng sẽ là điểm đến thú vị trong tương lai không xa. Đây là xã Hà Đông, huyện Đắk Đoa nằm cách trung tâm Pleiku khoảng 75km. Để đi đến xã, chỉ có con đường độc đạo chạy ôtô từ trung tâm huyện Đắk Đoa trên cung đường lưng chừng núi 55km thuộc vườn quốc gia Kon Ka Kinh.
Hai bên đường mùa này cỏ lau trắng phau, hoa cúc quỳ vàng nở muộn… Xã gồm các làng Kon Mơhar, Kon Rơng Nak, Kon Fôt, Kon Rơng Pơdram và Kon Sơnglôk… được đặt tên theo các dòng suối trong vùng. Dân số xã Hà Đông với 486 hộ khoảng 5.000 người, sống bằng nghề trồng mì, lúa, bời lời… Các làng đều có nhà rông và nhà thờ. Xã Hà Đông nằm giữa chập chùng núi rừng, xung quanh thung lũng yên bình, phù hợp loại hình du lịch khám phá văn hóa bản địa, trekking, homestay vì khung cảnh thiên nhiên, văn hóa bản địa và người dân rất hiền hòa, thân thiện.
Xét trên nhiều phương diện, với tiềm năng, thế mạnh của mình, Gia Lai xứng đáng có tên thường xuyên trên bản đồ tour của các công ty lữ hành tại Việt Nam, cũng như tạo ra sự lựa chọn thường xuyên của du khách. Những tuyến điểm như Biển Hồ, thủy điện Yaly, hồ Ayun Hạ, khu bảo tồn thiên nhiên Kon Jrang, vườn quốc gia Kon Ka Kinh, cùng các ngọn thác còn hoang sơ… nếu có giải pháp khai thác tốt, sẽ thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước.