Chính phủ Trung Quốc và Philippines đang đàm phán về một thỏa thuận thử nghiệm đánh cá tại vùng biển tranh chấp sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đồng ý theo đuổi trong một cuộc gặp hồi tháng 4-2018, theo các kênh truyền thông ở Manila.
Nhưng một thỏa thuận đánh cá chung có thể đi quá xa. “Philippines bị ràng buộc về pháp lý theo Hiến pháp khi ký những thỏa thuận hợp tác đánh bắt chính thức. Bất kỳ thỏa thuận nào có thể sẽ chỉ là thỏa thuận chung sống hòa bình tạm thời. Do không có thỏa thuận thực sự cho nên có khả năng bùng phát xung đột một lần nữa” – ông Jay Batongbacal, một giáo sư về các vấn đề về biển quốc tế tại Đại học Philippines, cho biết.
Trong khi đó, ông Antonio Contreras, một nhà khoa học chính trị tại Đại học De La Salle ở Philippines, nói rằng: “Nếu là thỏa thuận đánh cá chung trong vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi thì đó không phải là thỏa thuận nữa mà đó là giấy phép đánh bắt. Đó không phải là một thỏa thuận bình đẳng mà kiểu như là tôi cho phép anh đánh bắt theo những điều kiện của tôi”.
Một thỏa thuận chính thức hơn có thể quy định rõ phía nào có thể đánh bắt ở đâu, bao gồm việc cho phép cả hai nước tiếp cận vùng biển có tranh chấp.
Đối với những nước khác ở Đông Á, Philippines cũng đã ký một thỏa thuận thực thi pháp luật trong lĩnh vực đánh bắt với Đài Loan vào năm 2015. Việt Nam và Malaysia hồi năm ngoái cũng bàn bạc về một thỏa thuận đánh bắt.
Bắc Kinh đã làm các nước khác nổi giận khi họ cho xây những hòn đảo nhỏ ở khu vực có tranh chấp và trong một số trường hợp dùng cho các mục đích quân sự và khi họ loan báo lệnh ngừng đánh bắt hằng năm ở khu vực phía bắc của vùng biển rộng 3,5 triệu km². Tuyên bố chủ quyền quá mức của Trung Quốc đã bị Tòa án quốc tế ra phán quyết xử thua Philippines vào năm 2016, tuy nhiên Bắc Kinh đã bác bỏ phán quyết này.
Theo nghiên cứu của Trường S. Rajaratnam về Nghiên cứu Quốc tế ở Singapore, có khoảng 1,6 triệu tàu cá từ tất cả các nước đang đánh bắt trên Biển Đông. Tuy nhiên các tàu cá của Philippines nhìn chung đánh bắt trong phạm vi 370km của vùng đặc quyền kinh tế và gần quần đảo Trường Sa. Các tàu cá này thường là quá nhỏ hoặc quá yếu để có thể đánh bắt xa bờ. Trong khi đó, các tàu cá của Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam thường đánh bắt xa hơn.
Một thỏa thuận đánh bắt trên thực tế có thể cho phép các tàu cá Trung Quốc đi vào vùng biển Philippines tuyên bố có chủ quyền mà không gặp nguy cơ gì, trong khi không có tàu cá Philippines nào có thể đi vào vùng biển ở gần Trung Quốc để đánh bắt, một số học giả lo ngại.