Lê Hùng Dũng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty SJC, sẵn sàng “chơi” những canh bạc quyết định, dám làm những chuyện động trời và đã khiến anh trở thành một mẫu người biết kiếm tiền bẩm sinh. Từ những chuyện vặt vãnh gom góp bột ngọt, thuốc lá để đổi lấy bánh mì, “lấy chỗ thừa, đưa cho chỗ thiếu” thời bao cấp, khi còn học ở trường Đoàn Trung ương, bị trường phê bình tơi bời đến chuyện làm nhà hàng, khách sạn, rồi buôn bán xe hơi, kinh doanh vàng… việc gì anh cũng sẵn sàng lao vào, quyết đoán, hết mình.
Lê Hùng Dũng còn có tiếng là “chuyên gia” cải tổ, có tài thuyết phục, biết kêu gọi và chinh phục các nhà đầu tư. Mái tóc muối tiêu, hàng lông mày đậm đen sắc lại, nụ cười sảng khoái, trông anh khá hấp dẫn bởi vẻ lịch lãm, bình dị pha chút ngang tàng.
Trong buổi gặp mặt vui vẻ của những “đại gia” ngành kinh doanh vàng Việt Nam sau hội thảo Phương thức kinh doanh vàng quốc tế, tôi ngạc nhiên thấy anh rất thân tình với “đối thủ” của mình là anh Nguyễn Thanh Trúc – Giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Việt Nam trực thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Thì ra hai người đang bắt tay nhau để thực hiện một dự án lớn.
Anh Dũng chào mời:
– Ông nhào vô đi! Tôi với ông là đối thủ của nhau trong ngành vàng, nhưng trong cuộc sống là bạn. Dự án này không chỉ là trách nhiệm công việc, mà còn là trách nhiệm đạo đức, để xây dựng lại trên mảnh đất có một kỷ niệm đau buồn ấy một công trình hiện đại đúng tầm cỡ của thành phố. Lô đất 3.800m2 sẽ trở thành một cao ốc 45 tầng hiện đại. Sẽ có một phòng tưởng niệm những người đã mất trong vụ cháy năm xưa.
Hiện SJC đang chọn công ty tư vấn nước ngoài làm dự án tiền khả thi tiến tới dự án khả thi, và sẽ xây dựng hoàn tất trong từ 27 tháng đến 36 tháng. Tổng số vốn đầu tư khoảng 60 triệu USD, nhưng giờ đã có được 30 triệu USD từ các doanh nghiệp bạn bè rồi.
Chuyện đền bù, giải tỏa từ trước đến nay vẫn là khâu rắc rối nhất. Riêng tôi chủ trương không di dời ai cả, mà sẽ tái định cư tại chỗ với diện tích tương đương và sẽ đền bù mọi thiệt hại trong thời gian xây dựng. Cách giải quyết này khiến mọi việc đơn giản hẳn đi. Đây là trung tâm bốn mặt tiền, chắc chắn là nơi tạo lợi nhuận cao…
– Trung tâm của lòng người mới là quan trọng, tiền đâu phải là chuyện lớn lắm. Tôi tin ông là người sòng phẳng, tình nghĩa. Mọi hợp đồng bản chất vẫn là sự tin cậy. Tôi sẵn sàng tham gia! – Anh Trúc khẳng định.
– Vì sự thành công của công trình – Anh Dũng đệm thêm.
– OK!
– Vậy chúng mình uống với nhau theo kiểu Cuba nhé! – Rồi họ bắt chéo tay nhau uống cạn ly như những chiến hữu.
– Mình sẽ làm cái “không thể” trở thành cái “có thể”. Làm được mới “đã” – Anh Dũng cười sảng khoái – Cuộc đời mà không thách thức thì còn gì vui!
____
Hỏi thật anh nhé, giữ được một tình bạn như thế có khó không? Nó có phụ thuộc vào tấm lòng, tầm nhìn của một con người?
Cũng khó khăn lắm, mình phải vượt qua được lợi ích thông thường để vì lợi ích chung. Nói là những “đại gia” trong ngành vàng, nhưng so với thế giới thì mình chẳng là gì cả, nếu không biết liên kết với nhau thì làm sao hội nhập? Một người Việt có thể thắng ba người Nhật trong chiến đấu, nhưng trong kinh tế, mười người Việt cũng thua hai người Nhật.
Con người tôi luôn đặt tình nghĩa lên trên, cả trong chiến tranh cũng như thời bình. Theo tôi, vấn đề nan giải của chúng ta là… nhiều người tài quá, thành thử ít người nào phục người nào. Dân tộc mình có truyền thống hễ đất nước gặp hiểm nguy là lập tức xuất hiện người tài. Làm công tác Đoàn, dự nhiều cuộc họp với các cụ lão thành, tôi thấy có một câu hỏi đến giờ vẫn còn khác nhau trong câu trả lời là “Thế hệ trẻ ngày nay thua hay hơn thế hệ đàn anh?”.
Theo tôi, giai đoạn nào cũng có thế hệ đảm đương được vai trò lịch sử mà đất nước cần. Dân tộc mình chỉ khi nào đứng trước thách thức về sự tồn vong, năng lực mới bật ra, như chuyện SEA Games chẳng hạn. Chuyện trong 5 năm, có thể xong trong 2 năm. Thủ tục thông thường là 3 năm nhưng quyết làm có thể xong trong 1 tuần. Khi nào cải cách hành chính của mình cũng được như vậy thì mới có nhiều thay đổi.
____
Một thời được coi là một trong những “đại gia” trẻ của thành phố, anh nghĩ gì về sự liên kết của các “đại gia” trong làm ăn kinh tế? Có bao giờ anh gặp sự phản bội?
Mối quan hệ này kéo dài đã nhiều năm, anh em bạn bè làm với nhau từ việc nhỏ đến việc lớn. Có lẽ nhờ mình không làm gì sai và cả những lần hoàn thành “nhiệm vụ bất khả thi”, tôi đã tích lũy được sự tin cậy, nên khi cần vốn liếng đầu tư, tôi đều được anh em giúp đỡ.
Duy có một lần, tôi có dự án rất lớn ở trung tâm quận 1, rủ anh bạn cùng làm, không ngờ anh ta đi tắt một mình. Khi phát hiện ra thì anh ấy đã xây dựng gần như hoàn chỉnh dự án của tôi. Phản ứng của tôi là bỏ qua chuyện đó. Về sau, khi anh ấy gặp nạn, chính tôi lại là người đi cứu. Tôi rất thích câu: “Trong cuộc sống, nếu chưa trở thành người quân tử thì quyết không là kẻ tiểu nhân”.
Cuộc đời tôi trải qua rất nhiều chiến trường, nên tôi tự nhủ với mình sống đến giờ này đã “lời” lắm rồi
____
Vậy trong vai trò lãnh đạo SJC, anh có tự tin được như thế không?
Tôi gắn bó tình nghĩa với anh em trong công ty cũ nhiều năm tháng, khi ra đi cũng có người nuối tiếc. Nhưng phải đi thôi, ở đấy đã 14 năm, lâu quá không nên, sợ rằng sức sáng tạo sẽ mòn đi. Ở Mỹ, người đứng đầu ít khi lâu quá hai nhiệm kỳ. Qua SJC mới sáu tháng nay, tôi là lính mới, là một con số không. Tôi có nói với anh em rằng mình là học trò đi học việc, cố gắng làm sao “rút ngắn” lại “giáo trình”, đưa SJC đi tiếp một thời kỳ mới.
Lộ trình hòa nhập thế giới hết sức gay go, cấp bách. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, quota nhập vào của năm 2003 là 10 tấn vàng, nhưng theo con số thống kê khác thì số lượng vàng tiêu thụ thực tế trên thị trường là 59 tấn, nhập lậu lên đến 49 tấn, tức là khoảng 650 triệu USD. Giải quyết làm sao sự xáo trộn thị trường tiền tệ để đáp ứng sức tiêu thụ này và hạn chế được chuyện nhập lậu là thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn của Việt Nam. Sự khởi đầu này luôn tạo ra thách thức mới cho mình tự vượt qua để lớn lên.
Thách thức thứ hai là công nghệ cao của ngành nữ trang. Khi hội nhập, dòng nữ trang nước ngoài sẽ tràn vào Việt Nam. Nếu không chuẩn bị, mình sẽ thua ngay trên sân nhà. Chỉ cần một đơn hàng khoảng 1 triệu USD là “đứt hơi” rồi, vì không đủ máy móc công nghệ đáp ứng chất lượng cao và giá cả cạnh tranh.
____
Từng trải qua nhiều ngành kinh doanh khác nhau, anh nổi tiếng trong giới doanh nhân là một người bản lĩnh, dám “đội đá vá trời”, anh có thể kể một chút về những lần mạo hiểm đó?
Thương trường là chiến trường, đó là điều mà bất cứ doanh nhân nào cũng thấm thía. Cuộc đời tôi trải qua rất nhiều chiến trường, nên tôi tự nhủ với mình sống đến giờ này đã “lời” lắm rồi. Ngày xưa, cũng nhờ liều lĩnh mà tôi thoát chết khi nhảy xuống sông trốn sự vây ráp của địch, bơi ngược dòng sông Hậu hơn 5km từ đêm tới sáng đến nhà một cơ sở cách mạng, sau đó sốt li bì ba ngày liền…
Từ một “tuổi thơ dữ dội” ác liệt, hào hùng, đã hình thành trong tôi một tính cách thẳng thắn, táo bạo, “giang hồ” như thế… Tôi nói điều đó không phải lên gân, mà chính những tính cách ấy đã cứu mình tránh xa những thứ dễ dãi, dễ sa chân. Dĩ nhiên không phải “thẳng” hết, cũng có lúc phải “cong quẹo” một chút (cười). Thời kỳ 1976-1986 cơ cực đã khiến nhiều người thấy những việc rất chướng tai gai mắt mà không dám nói, sợ quy quan điểm lập trường.
Nhưng vì lợi ích chung, nhiều khi cũng phải dám là người đi trước. Đề xuất thành lập Trung tâm Du lịch Thanh niên Việt Nam Festival của tôi đã gặp phản ứng dữ dội từ những nhà làm du lịch nhà nước. Quyết định của Hội đồng Bộ trưởng ngày 18/12/1986 do Chủ tịch Phạm Văn Đồng ký là một kỷ niệm lớn về mặt chính trị. Quyết định này đã phá thế độc quyền của ngành du lịch.
Năm 1990, lại một việc “hơi không bình thường” là tôi về tận An Giang quê tôi để kêu gọi liên kết đầu tư làm khách sạn đầu tiên ngoài ngành du lịch tại TP.HCM, với vốn xây dựng ngoài ngân sách. Rất tiếc là anh giám đốc ngân hàng tỉnh sau đó vì việc này đã bị kỷ luật vì theo quy định thời bấy giờ, vốn của ngân hàng chỉ được đầu tư trong phạm vi tỉnh nhà. Tiếp theo là việc tiên phong liên doanh hợp tác làm ăn với hãng Sei-Ah của Hàn Quốc để thành lập đoàn xe cho thuê. Rồi từ đó làm taxi.
Từ tay trắng, mười bốn năm sau, Festival đã có nhà hàng, khách sạn, đoàn xe. Đó là một quá trình “vượt rào”, học hỏi hết sức công phu, không dễ dàng, là kinh nghiệm quý của tôi trong làm ăn. Trải qua bao thăng trầm, nhưng tính tôi vẫn vậy, nhiều người không quen thì không thích, còn thấy khó ưa, gai góc nữa. Nhưng khi hiểu nhau thì chúng tôi chí cốt, sống chết có nhau.
____
Để xé rào mà không vi phạm luật, hẳn anh phải là người rất khôn ngoan?
Tôi tuổi con rắn mà, đặc điểm loài rắn là rất khôn ranh (cười hóm hỉnh). Vừa tranh thủ thuyết phục, thậm chí phải “chạy”, vừa đập bàn, vừa năn nỉ, gõ hết tất cả các cửa… Nhiều khi tôi cũng không kiên nhẫn lắm đâu, nhưng tự nhủ cứ xông vào giông bão mới tìm được sự bình yên, bởi mọi việc dễ đâu tới lượt mình. Chính những lần vượt qua thách thức này đã khiến cho mình trưởng thành về mọi mặt để có thể quản lý được một doanh nghiệp lớn lên không ngừng như Festival.
Tôi nghĩ hãy sống thật với mình là khôn ngoan nhất, “thật thà là cha quỷ quái mà” (cười vang). Làm ăn riết cũng thành “cáo” hết, người nào thực hay không, nhìn ánh mắt là biết liền. Hãy thành thật với người, mới mong người thành thật với mình. Chân lý là chuyện rất cụ thể, không có gì cao xa, tự huyễn hoặc mình sẽ trở thành kệch cỡm. Sống đơn giản sẽ thấy cuộc đời thú vị hơn.
Tôi tuổi con rắn mà, đặc điểm loài rắn là rất khôn ranh. Vừa tranh thủ thuyết phục, thậm chí phải “chạy”, vừa đập bàn, vừa năn nỉ, gõ hết tất cả các cửa
____
Thời kỳ anh làm ủy viên thường vụ Liên đoàn Bóng đá, kiêm Trưởng Ban Tài chính, trực tiếp vận động tài trợ cũng là thời kỳ hiếm hoi mang lại một khoản tiền kỷ lục cho Liên đoàn, đồng thời cũng là thời kỳ đấu tranh dữ dội nhất?
Từ một tài khoản gần như trống rỗng, sau hai năm Liên đoàn có 5 triệu USD. Nhưng chuyện dám chống lại những người có thế lực rất lớn chi phối Liên đoàn làm sai đã khiến tôi bị gọi lên gặp một vị lãnh đạo cao cấp. Ông ta nói: “Bộ anh định chống tôi phải không?”. Tôi trả lời: “Anh là lãnh đạo cấp cao trong Chính phủ, còn tôi chỉ là một đảng viên thường, việc này tôi nghĩ không đúng thì tôi sẽ đấu tranh tới cùng”. Đương đầu đâu có dễ dàng, nhưng nhờ báo chí tiếp sức nên cuối cùng cũng thành công.
____
Vậy thì chuyện về thú sưu tầm xe hơi của anh – một đam mê lớn nhất ngoài công việc, có đúng không?
(Hào hứng hẳn) Ừ, mà lạ, nghề nào mình cũng hứng thú hết, từ chuyện kinh doanh nhà hàng, khách sạn đến chơi xe cổ có hứng thú lớn. Ông già tôi là dân làm du lịch lâu năm, hình như kế thừa gen của ông nên đi đâu tôi cũng tìm hiểu để ý về thiết kế, nhất là… toilet, bởi đó theo tôi phải là chỗ đẹp nhất, sang nhất của một nhà hàng, khách sạn. Với xe mô tô và ô tô, tôi mê giống như phụ nữ mê kim cương vậy.
Nhiều đêm ngủ không được, mở đèn ngắm xe mà thấy “sướng”. Tôi từng có những “mối tình” với những chiếc xe cổ kéo dài đến 10 năm trời, từng đeo bám, hụt hẫng, thất vọng, thuyết phục bằng được để mua một chiếc xe. Hiện tôi có chiếc mô tô BMW R2 sản xuất năm 1932, đó là chiếc duy nhất tại Việt Nam, biển số VN 001 và chiếc ô tô DODGE sản xuất năm 1932. Nói chuyện về xe thì cả ngày không hết… Chơi xe cổ với tôi là một thú vui lớn trong cuộc sống và cũng là một nghệ thuật trong làm ăn. Ở TP. Hồ Chí Minh chỉ có khoảng ba đến bốn người buôn xe thực thụ hiểu biết sâu sắc về xe.
____
Anh có thể nói một chút về gia đình?
Tôi có hai cô con gái rất ngoan, xinh xắn và một cậu con trai hơi… ngoài kế hoạch một tí, nhưng là một bản sao tương đối hoàn chỉnh của tôi (cười hạnh phúc). Cháu mới học mẫu giáo, nhưng đã có biệt danh do bà con trong xóm đặt là “Long ô tô”, vì nó mê xe y hệt tôi. Giây phút hạnh phúc nhất với tôi là chiều đi làm về, chở con đi một vòng ngắm cảnh, ra hồ Con Rùa ngồi quán cóc nhìn xe qua lại, nghe con líu lo đọc khá chính xác một số nhãn hiệu xe lướt qua… Vợ tôi là người hiền dịu, thương con, thương chồng, nấu ăn rất ngon, bạn tôi ai cũng khen…
____
Điều gì quý nhất anh để lại cho con cái?
Giống như bố mẹ, tôi để lại cho con chính cuộc đời mình. Một hình ảnh người cha gương mẫu, có trách nhiệm với gia đình, với cộng đồng xã hội, để con tôi có thể tự hào về cha mình. Cái đó khó hơn là làm ra tiền, đòi hỏi ta phải tự gìn giữ, tự cải tạo. Đôi lúc mình “rớt” mà không hay, nhưng không sao, con người mà! Quan trọng là biết nhận ra, vượt lên.
____
Anh thường bị chinh phục bởi phẩm chất nào của người khác? Anh có thần tượng của mình không?
Cái đẹp trước nhất là sự giản dị, chân thật. Tôi thường bị chinh phục bởi khía cạnh nhân văn của một con người, của cái đẹp toát ra từ bản chất, nội tâm. Thần tượng trong kinh doanh của tôi là Bill Gates.
Tôi để lại cho con chính cuộc đời mình. Một hình ảnh người cha gương mẫu, có trách nhiệm với gia đình, với cộng đồng xã hội, để con tôi có thể tự hào
____
Mê bóng đá, đánh golf, đánh tennis “hơi bị hay”, vậy thể thao mang lại cho anh điều gì quý nhất?
Thể lực, sự sảng khoái trong tinh thần. Sau một ngày làm việc, ra sân đánh banh đến ướt đầm áo, tôi thấy mình được phục hồi trí lực, chống lại bệnh tật. Thể thao còn dạy tôi tinh thần thượng võ, biết cách thắng, học cách thua. Trên sân, tính cách con người thể hiện rõ lắm…
____
Vậy anh là người rất lạc quan?
Có thể nói như vậy. Tôi nghĩ doanh nhân làm gì cho xã hội mới quan trọng, không đơn giản là đóng góp vật chất, mà là đóng góp vào cuộc sống, hình thành hình ảnh doanh nhân mới có đạo đức, có trách nhiệm với bản thân, cộng đồng, gia đình để giáo dục thế hệ trẻ. Tôi nghĩ đó cũng là việc mà báo Doanh nhân Sài Gòn đang làm.