Giáo dục miễn phí mang tới cơ hội mới cho những người nghèo, cải thiện năng suất lao động của quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo ra sự bình đẳng về tiếp cận cơ hội… Nhưng những mong muốn, tính toán thực tế đó vẫn chưa phản ánh đầy đủ giá trị thực sự của giáo dục: đó là phương tiện mạnh mẽ nhất để con người tốt đẹp hơn!
Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời ngày 2-9-1945, trong một cuộc phỏng vấn với báo chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Với viễn kiến của một nhà cách mạng vĩ đại, Hồ Chủ tịch đã tóm gọn những trách nhiệm của nhà nước trong một câu nói: độc lập, tự do, đời sống và giáo dục.
Không phải vô cớ mà ngay sau nhu cầu tự do và sinh tồn (cơm ăn, áo mặc), Bác lập tức nói tới nhu cầu giáo dục – học hành. Ngụ ý chính sách của câu nói đó cũng thật rõ ràng: đó là một nền giáo dục bình đẳng quyền tiếp cận, phổ quát, phổ cập và có thể nói luôn, miễn phí, để “ai cũng được học hành”.
Giáo dục không phải hàng hóa
Tư duy thị trường tự do, với gốc rễ là kinh tế học chính thống cho rằng mỗi cá nhân đều tư lợi và quan trọng hơn, biết điều gì tốt nhất cho bản thân mình, là nền tảng của những kêu gọi tư nhân hóa giáo dục. Nếu giá cước viễn thông giảm vì có nhiều nhà cung cấp hơn, dịch vụ hậu mãi với một chiếc xe hơi tốt vì cạnh tranh giữa các nhà cung cấp, đồ điện máy giá rẻ như cho vì khách hàng có quá nhiều lựa chọn thì tại sao giáo dục – hay “dịch vụ giáo dục”, như mỹ từ của các nhà quản lý và giới “đầu tư giáo dục” – lại không thế?
Khoan hãy nói tới việc chính nền tảng của tư duy thị trường tự do – và cả chủ nghĩa tư bản nữa – đang lung lay (Nobel kinh tế học 2017 được trao cho Richard Thaler, người đặt nền móng cho kinh tế học hành vi, trường phái tấn công dữ dội, và rất có lý, những giả định đơn giản hóa thái quá quy một thực thể phức tạp như con người về con người kinh tế học trần trụi). Trước tiên, bản thân giáo dục không phải là một hàng hóa, thậm chí không phải là một dịch vụ ăn bánh – trả tiền, như nhiều người vẫn đinh ninh.
Trước hết, với giáo dục phổ thông, “khách hàng” – ở đây là người học – không có lựa chọn “không sử dụng dịch vụ”, như khi họ quyết định đi mua một chiếc xe, dùng một mạng di động, hay đổi một chiếc tivi mới. Mọi trẻ em đến tuổi đều phải đến trường và việc tốt nghiệp phổ thông giờ gần như đã trở thành yêu cầu tối thiểu với người lao động.
Trường tư, ở mọi cấp độ giáo dục, ra đời là nhân danh việc “đáp ứng các nhu cầu khác nhau” trong xã hội, nhưng với một thể chế tự nhận, hoặc ít ra là khát khao trở thành, một “cộng hòa xã hội chủ nghĩa”, việc có tiền mới có giáo dục tốt đi ngược lại mọi giá trị xã hội chủ nghĩa và sẽ tạo ra sự bất bình đẳng kinh khủng nhất: bất bình đẳng về cơ hội và quyền tiếp cận. Sự bình đẳng chỉ có thể bảo đảm một khi hệ thống trường công đã cung cấp được giáo dục chất lượng và miễn phí, rồi sau đó mới tới lượt những ai muốn một kiểu dịch vụ cộng thêm nào đó, muốn trả tiền đơn giản vì họ có tiền.
Điều đó đưa chúng ta tới điểm thứ hai: tiền không mua được giáo dục chất lượng. Những người thị trường tự do lập luận cho sự “can thiệp”, hoặc trợ giá cho giáo dục công lập vì giáo dục là “hàng hóa công có ngoại tác tích cực” (public goods-positive externality). Tức giáo dục tạo ra lợi ích tổng cộng lớn hơn cho xã hội so với chi phí bỏ ra cho nó. Một lần nữa, cái nhìn lợi ích – chi phí tối giản này không chỉ không đầy đủ, mà còn là sự xem thường giáo dục và gây ra ngộ nhận nguy hiểm rằng tiền có thể mua được “giáo dục chất lượng”.
Việc học trước hết và quan trọng nhất là nỗ lực tự thân của người học, là thời gian và công sức người học bỏ ra để đổi lấy tri thức, kỹ năng, nghề nghiệp, khả năng tự tư duy… Không như một chiếc xe hơi hay dịch vụ viễn thông, “dịch vụ giáo dục” đòi hỏi “người mua” – “khách hàng”, nếu ta có thể gọi vậy, làm phần lớn những việc cần thiết để tạo ra giá trị. Ta thấy những học trò nghèo học rất giỏi và những học trò kém cỏi ở các trường trả nhiều tiền nhất. Đó là một thực tế mà kinh tế học tối giản không giải quyết được.
Dù các nhà “đầu tư giáo dục” và những bậc phụ huynh nhiều tiền muốn nghĩ rằng một học khu hào nhoáng và tiền bạc của họ thực sự đóng góp quyết định vào việc học của học trò – con cái, họ chẳng là gì khác ngoài những người tạo điều kiện và dẫn dắt. Vai trò của họ đều có thể thay thế, nhưng vai trò của người học thì không. Điều đó càng đúng với thời đại này, khi rất nhiều các ứng dụng học tập, rất nhiều các khóa học của những trường uy tín nhất, đều đã được giảng dạy miễn phí trên các nền tảng Internet khác nhau. Với các nền tảng đó, ta có thể thực sự đón nhận chất lượng giáo dục với chi phí tối thiểu: tất cả thời gian ta bỏ ra cho nó.
Rốt cuộc, thời gian bỏ ra cho việc học, sự tò mò với tri thức, sự tập trung và lòng quyết tâm của người học sẽ quyết định chất lượng giáo dục của họ. Sau rất nhiều thế kỷ chỉ một nhúm người biết chữ và giáo dục là thứ xa xỉ của số ít, con người đã bước vào một thời đại sản xuất vật chất và công nghệ đủ lớn mạnh để có một nền giáo dục thực sự toàn diện và phổ quát, với chi phí thấp, thậm chí là miễn phí, cho tất cả. Một nhà nước có viễn kiến phải đón nhận và quyết tâm vì tương lai đó, thay vì quay lại với thời Trung cổ của một nhóm nhỏ những kẻ có tiền – có quyền – có học và phần đông không biết chữ.
Hầu hết những tranh luận về tư nhân hóa giáo dục – đã đến lúc gọi thẳng mưu toan này là như vậy, thay vì những mỹ từ như “tính đúng tính đủ giá dịch vụ” – hiện nay vờ vĩnh rằng người học chỉ nhận việc giáo dục một cách thụ động như một người bước vào cửa hàng điện máy mang ra một cái máy điều hòa. Kiểu tư duy này cực kỳ nguy hiểm. Nhà quản lý và người làm luật, truyền thông và các bậc phụ huynh, rồi có thể là cả xã hội, coi trường học như nơi cung cấp hàng hóa – dịch vụ, học trò là người tiêu dùng và bằng cấp là sản phẩm. Thông điệp đó sẽ gây ngộ nhận tai hại, trước hết là ở học trò.
Chúng ta phải thừa nhận càng sớm càng tốt rằng giáo dục không phải là một hàng hóa. Đó là một cam kết đầy thách thức của hai phía: nhà trường và người học. Quyết định đi học là một quyết định đầu tư thời gian và tiền bạc cho tương lai, và thành quả quan trọng nhất của nó là bạn phát hiện ra rằng bạn có thể dùng năng lực tư duy của mình để tự lập luận cho mình, và thậm chí là đóng góp cho việc tạo ra thêm tri thức. Trong một thế giới mà chủ nghĩa tiêu dùng đã bao phủ, điều đó càng quan trọng hơn. Mỗi người có thể tự cải thiện bản thân, biến mình thành một người tốt đẹp hơn, không phải qua việc sở hữu điện thoại gì, có bao nhiêu tiền, ăn uống ở đâu, mà chính là bằng giáo dục, để tự tư duy, để trở thành một người tốt hơn, để đạt được chính điều đầu tiên mà mỗi con người, và ai ai, cũng cần, như lời chính Hồ Chủ tịch: “Tự do”.
Trường hợp Việt Nam
Lập luận cho giáo dục miễn phí, ở mọi cấp bậc, tại Việt Nam càng có sức nặng khi chúng ta là một quốc gia (khao khát) “cộng hòa xã hội chủ nghĩa”. Thị trường, không thể phủ nhận, có những thế mạnh của nó, nhưng ngay cả ở Mỹ, thành trì lớn nhất của chủ nghĩa tư bản, thị trường tự do, giáo dục phổ thông công lập vẫn hoàn toàn miễn phí, và những tranh luận đòi bỏ học phí đại học chưa bao giờ xa rời nghị trình.
Bernie Sanders, ứng viên tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ năm 2016, nhấn mạnh một trọng điểm trong cương lĩnh tranh cử của ông là miễn phí giáo dục đại học. “50 năm trước, với một tấm bằng cấp III, khả năng cao là ta vẫn kiếm được một công việc hứa hẹn và bước vào giai cấp trung lưu – ông viết trong một bài xã luận trên vice.com – Nhưng điều đó không còn đúng nữa. Trong khi không phải mọi công việc tầng lớp trung lưu trong nền kinh tế ngày nay đều đòi hỏi giáo dục bậc cao, con số đó đang tăng lên. Tới năm 2020, 2/3 các công việc ở Mỹ sẽ cần giáo dục cao hơn bậc phổ thông”.
Sanders nói chính hệ thống giáo dục Mỹ mà nhiều người đang khát khao “đang trong tình trạng khủng hoảng”. “Khi mà học phí cứ tăng mãi và các bang cắt giảm chi tiêu cho giáo dục hết năm này qua năm khác, các gia đình Mỹ thấy càng ngày càng khó cho con học đại học… đơn giản vì nó quá đắt đỏ”. Với 44 triệu người Mỹ nợ các khoản nợ do học hành lên tới tổng cộng 1,3 nghìn tỉ USD, thị trường tự do đã không tỏ ra tối ưu. “Là quốc gia giàu nhất trong lịch sử thế giới – Sanders viết – mọi người có khát khao và năng lực lẽ ra phải được học đại học, bất chấp hoàn cảnh kinh tế”.
Việt Nam không phải quốc gia giàu nhất, ở bất cứ thời điểm nào trong lịch sử, nhưng chúng ta từng có một nền giáo dục công lập mạnh mẽ, đủ chất lượng so với nguồn lực của mình, và thật sự là cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người. Thật đáng tiếc nếu như trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng liên tục và đất nước chưa bao giờ được như thế này, con em chúng ta lại phải ngồi tính lại “giá dịch vụ giáo dục cho đủ cho đúng”.
Giáo dục miễn phí, phổ quát và phổ cập không cực đoan và cũng chẳng có gì mới mẻ. Nhiều nước trên thế giới đã và đang làm như thế, ở Đức và hầu hết các nước Bắc Âu chẳng hạn. Chính tại Việt Nam, tại cả hai miền Nam và Bắc trước kia và một thời gian dài trước khi trường tư được phép mở, giáo dục về cơ bản cũng là miễn phí ở mọi cấp bậc. Điều trớ trêu là giờ rất nhiều người trưởng thành từ nền giáo dục đó lại đang muốn những người đi học các thế hệ kế tiếp phải trả tiền!
– Theo TTO