Tổng số vốn mà các nhà đầu tư toàn cầu rót vào các công ty công nghệ giáo dục (edtech) trong 10 tháng đầu năm 2017 là 8,15 tỉ USD.
Với sự tiến bộ của công nghệ, ngày nay, người học có thể thực hành tiếng Anh qua kênh trực tuyến, tải lên bài tập về nhà và học hóa học bằng trải nghiệm 3D. Edtech đang phát triển và không có khu vực nào mà tốc độ khởi đầu của công nghệ giáo dục lại diễn ra nhanh như ở châu Á.
Lấy ví dụ, theo một báo cáo do Google và Công ty tư vấn KPMG đồng chủ trì, thị trường giáo dục trực tuyến của Ấn Độ ước tính sẽ tăng hơn 6 lần và đạt 1,96 tỉ USD trong vòng bốn năm (2018-2021). Theo dự đoán, cho đến năm 2020, toàn bộ khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ chiếm 54% thị trường edtech toàn cầu.
Dĩ nhiên, đây chỉ là những con số ước lượng. Nhưng hiện đang có những động lực cơ bản đóng vai trò chính yếu góp phần thúc đẩy sự tăng tốc của edtech ở châu Á.
Khát vọng tương lai
Châu Á có một hệ thống giáo dục lớn nhất thế giới. Toàn vùng có hơn 600 triệu học sinh phổ thông. Khu vực này cũng có nhiều người trẻ hơn bất cứ nơi nào trên thế giới. Với ước muốn đầu tư vào tương lai của con và áp lực được vào học các trường đại học danh giá, phụ huynh châu Á rất sẵn lòng chi tiêu mạnh tay cho những dịch vụ giáo dục. Hơn nữa, cách tư duy của người châu Á cũng đã trở nên toàn cầu hơn. Trong bối cảnh đó, mô hình MOOCs (Massive Open Online Course – các khóa học trực tuyến quy mô lớn) đã gặt hái thành quả lớn. Các ứng dụng học tiếng Anh trực tuyến đang phát triển mạnh ở Trung Quốc và các thị trường khác như Đông Nam Á.
Sự hậu thuẫn mạnh từ các chính phủ
Trong “Kế hoạch năm năm lần thứ 13” (2016-2020), Trung Quốc đặt mục tiêu hiện đại hóa hoàn toàn hệ thống giáo dục. Một trong những trọng tâm sẽ là giáo dục trực tuyến với tổng đầu tư vào lĩnh vực edtech cho đến năm 2020 là 30 tỉ USD. Chính sách giáo dục của Ấn Độ cũng đặt nặng vào kỹ thuật số khi mà chính phủ đang triển khai những chương trình như Digital India và Skill India nhằm mở rộng sự tiếp cận kỹ thuật số. Còn chính phủ Malaysia thì công bố sẽ sớm bắt đầu dạy lập trình (coding) ở trường tiểu học vì cho rằng kỹ năng lập trình nên được dạy càng sớm càng tốt để thế hệ trẻ không bị bỏ lại phía sau.
Sự gặp nhau của tiến bộ công nghệ và một lượng dân số được tiếp cận công nghệ
Châu Á có lợi thế về dân số, nhưng quan trọng hơn là mức độ tiếp cận internet của khu vực này đã và đang thay đổi rất nhanh. Số người dùng internet của Trung Quốc là tương đương với toàn bộ dân số của châu Âu (vào khoảng 730 triệu người). Đông Nam Á sẽ có 480 triệu người tiếp cận internet vào năm 2020.
Trong quá trình phát triển, đổi mới, công nghệ giáo dục ở châu Á sẽ giao thoa với các công nghệ đang “hot” như VR (thực tế ảo), AR (thực tế ảo tăng cường) hay game. Chẳng hạn, tổ chức từ thiện Room to Ready đang hợp tác với Google.org để giới thiệu một nền tảng ứng dụng nhằm tăng khả năng tiếp cận những câu chuyện bằng tiếng Indonesia dành cho trẻ em qua kênh kỹ thuật số. Công ty phát triển game NetDragon của Trung Quốc thì tham vọng “game hóa” lĩnh vực giáo dục và đã có động thái mua lại các công ty edtech toàn cầu như Promethean World, JumpStart.
Nguồn vốn dồi dào
Nhiều tên tuổi lớn đang bước vào thị trường và khơi thông dòng vốn chảy vào khu vực để hỗ trợ lĩnh vực này, trong đó có những cái tên như Goldman Sachs và Times Internet. Quỹ đầu tư Chan Zuckerberg Initiative (CZI) của gia đình Mark Zuckerberg cũng đặt edtech ở vị trí ưu tiên. CZI muốn số hóa giáo dục toàn cầu và một trong những startup đầu tiên mà họ hậu thuẫn ở châu Á là Byju’s, một công ty Ấn Độ đang tìm cách “Disney hóa” lĩnh vực giáo dục.
Các ông lớn công nghệ của Trung Quốc từ Xiami, Baidu, Tencent cho đến Alibaba đều tìm cách tham gia vào bối cảnh đang thay đổi của công nghệ giáo dục. Tencent đã đầu tư lớn vào startup kỳ lân Yuanfudao – công ty chuyên cung cấp các khóa học và chương trình dạy kèm trực tuyến dành cho học sinh cấp 1 và cấp 2.
Không hẳn là mọi thứ đều thuận buồm xuôi gió. Công nghệ giáo dục là một lĩnh vực đặc biệt, có thể phải mất nhiều năm để thử nghiệm, để bán và cải thiện một sản phẩm có thể thay đổi kết quả giáo dục của người học. Địa phương hóa cũng là một thách thức cho các công ty startup muốn mở rộng ra nhiều thị trường vì một sản phẩm tốt ở một quốc gia nào đó chưa hẳn sẽ vẫn hữu ích khi ra khỏi biên giới. Nhưng với nguồn vốn tiếp tục chảy vào và một dân số ngày càng đón nhận công nghệ giáo dục thì xu hướng này sẽ khó mà dừng lại.
– Theo TechCrunch