Trong những năm gần đây, ngành Vật lý trị liệu (VLTL) và Phục hồi chức năng (PHCN) đã trở nên phổ biến. Hầu hết các bệnh viện đều có khoa VLTL – PHCN, các cơ sở tư nhân cũng mọc lên khá nhiều nhưng mà kết quả điều trị thường không hiệu quả như mong đợi. Chúng tôi đã có buổi trò chuyện với bà Bùi Thị Dung, nguyên Trưởng khoa VLTL – PHCN Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP. Hồ Chí Minh, hiện đang làm việc tại Phòng VLTL Trung tâm Y khoa Medic – Hòa Hảo để hiểu thêm về ngành này.
Không ít người nói rằng họ điều trị VLTL nhiều nơi nhưng cơn đau vai, đau lưng không giảm đáng kể. Theo bà thì nguyên nhân từ đâu?
Kết quả điều trị bằng phương pháp VLTL cũng khó nói, nó tùy thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan và khách quan. Tâm lý bệnh nhân thì muốn đạt kết quả nhanh chóng nên họ thích chọn nơi có nhiều máy móc và trang thiết bị hiện đại như: máy kích thích điện, lazer, từ trường… mà không nghĩ rằng chính các bài tập và kỹ năng điều trị mới là quan trọng trong việc đem lại kết quả.
Thực tế, phòng VLTL không cần nhiều máy móc và dụng cụ đắt tiền mà chỉ cần các dụng cụ cơ bản để đáp ứng các phương pháp điều trị hằng ngày như bàn tập, nệm trải sàn nhà, khung kéo… và các tác nhân VLTL như nhiệt trị liệu (nóng, lạnh), sóng điện từ (siêu âm, sóng ngắn)… Nhưng quan trọng nhất vẫn là kỹ năng “điều trị bằng tay” của kỹ thuật viên đồng thời người bệnh phải chủ động thực hành các bài tập vận động ở nhà.
Có lẽ vì đây là ngành “vô thưởng vô phạt”, cần thời gian để chứng minh tính hiệu quả, nên người bệnh thường xem điều trị VLTL là “ăn may”, được thì tốt, không khỏi thì thôi. Nhưng thật ra, VLTL là ngành điều trị có khoa học, có nghệ thuật, với ba mục đích là ngăn ngừa, điều trị và phục hồi. Mục đích điều trị là nhằm giúp cho người bệnh trở về cuộc sống đời thường và hòa nhập xã hội, vì vậy kỹ năng VLTL đòi hỏi phải thực hiện khéo léo và chính xác. Nếu thực hiện không đúng chẳng những không mang lại kết quả mong muốn mà còn gây thêm tác hại, như trường hợp kéo khớp vai cho người lớn đau khớp vai hoặc nắn chân khoèo cho trẻ nhỏ.
Như vậy, không phải nhân viên y tế nào cũng làm được kỹ năng VLTL…
Đúng vậy. Nếu một người nào đó chưa học thực hành qua các kỹ năng VLTL hoặc học không bài bản, trường lớp thì không thể tập luyện cho người bệnh, nếu chỉ dùng các thủ thuật VLTL để làm giảm đau thôi thì chưa đủ cho một buổi điều trị.
Có rất nhiều kỹ thuật được áp dụng cho từng bệnh lý khác nhau, như, kỹ thuật phát triển thần kinh cơ dành cho người lớn hoặc trẻ em có bệnh lý về thần kinh như viêm não, người lớn đột quỵ…; kỹ thuật kéo, nắn cho người lớn đau khớp, đau cơ…; kỹ thuật lấy đàm nhớt cho trẻ con bị viêm đường hô hấp… Nếu thực hiện một cách máy móc, không bài bản khó mà điều trị hiệu quả.
Bà đánh giá thế nào về dịch vụ VLTL – PHCN mọc lên rất nhiều hiện nay?
Thực tế đáng buồn hiện nay là tại các cơ sở dịch vụ điều trị VLTL – PHCN, nhiều chuyên viên chỉ làm công việc khám và “viết toa” chỉ định các kỹ thuật điều trị, còn việc thực hiện động tác VLTL thì giao cho phụ tá, mà phụ tá chưa được đào tạo bài bản thì kết quả điều trị không hiệu quả là điều dễ hiểu.
Có một tác giả người Mỹ từng so sánh đôi bàn tay của kỹ thuật viên VLTL giống như đôi bàn tay của một thủy thủ giỏi. Nếu người thủy thủ lái con tàu qua cơn sóng lớn mà không làm mệt thành viên trên tàu thì bàn tay của KTV càng làm càng mềm mại và chính xác nên ít khi làm đau người bệnh khi thực hiện bài tập vận động.
Ngoài ra, người làm VLTL phải có kiến thức về cơ thể học, bệnh lý học đồng thời phải cập nhật thông tin mới. Hiện nay có nhiều động tác được thay đổi như trong bệnh lý về cột sống, bệnh khớp, bệnh tim mạch… nếu cứ áp dụng rập khuôn thì vô tình làm hại thêm cho người bệnh. Quan trọng không kém là KTV phải có lòng yêu nghề và thông cảm với cái đau của người bệnh. Sự tận tụy cũng cần thiết vì KTV cần đoán biết về tình trạng của người bệnh, chọn bài tập và thực hiện các bài tập đồng thời hướng dẫn họ thực hiện vận động, tư thế tại nhà, bắt buộc người bệnh phải tự mình tập luyện đều đặn và hẹn tái khám. Trong quá trình điều trị, KTV cũng luôn lắng nghe những ý kiến của người bệnh để thay đổi trong cách điều trị nếu cần.
Nhìn chung, bà đánh giá thế nào về việc điều trị phục hồi chức năng ở các bệnh viện hiện nay?
Hiện nay các khoa VLTL – PHCN ở các bệnh viện chưa mang đủ hết tính chất của nó, chủ yếu là một khoa điều trị bằng phương pháp VLTL mà thôi, còn PHCN được hiểu như là phục hồi về chức năng vận động. Thực tế, PHCN bao gồm cả về thể chất, tinh thần, tâm lý và nghề nghiệp. Đây là can thiệp để giảm mức độ tàn tật và phục hồi phần còn lại, giúp người bệnh có cơ hội trở về với cuộc sống như trước đây và tạo điều kiện cho họ hòa nhập cộng đồng xã hội.
Vai trò ngăn ngừa trong VLTL là mục đích ngăn ngừa khuyết tật, ví dụ như: trong các trường hợp trẻ sơ sinh mang yếu tố nguy cơ cao như sinh thiếu tháng, thiếu cân… hoặc bị chấn thương ngay giai đoạn đầu mang thai hoặc sau khi sinh trẻ mắc các bệnh lý làm ảnh hưởng não bộ như vàng da sơ sinh, viêm não… làm rối loạn hoặc chậm quá trình phát triển các mốc tâm thần vận động của đứa trẻ.
VLTL cũng rất hữu ích cho doanh nhân, nhân viên văn phòng, tài xế, công nhân… Các đối tượng này thường dễ bị đau cột sống, cổ – vai, hông – lưng, đầu gối, bàn tay, do ngồi hoặc đứng sai tư thế quá lâu. Họ cần được hướng dẫn cách ngồi, đứng đúng tư thế, đặt lại vị trí ghế ngồi, máy móc để tránh các động tác cúi, khom và duỗi các khớp quá mức. Trong quá trình làm việc, họ cũng cần dành chút thời gian thực hiện các bài tập duỗi lưng, duỗi cột sống, cổ, kéo dãn khớp vai, bàn tay và tập thở từ 5-10 phút, nhằm giúp làm mạnh cơ và dây chằng xung quanh khớp, có như vậy họ mới giữ được tư thế thẳng, không làm lệch và đau các khớp trong thời gian dài.
Bà còn có những lưu ý gì về việc điều trị bằng PHCN hiệu quả hơn?
Tôi thường nói chính người bệnh là người điều trị hữu hiệu nhất và mang lại kết quả tốt nhất chứ không phải bác sĩ và kỹ thuật viên. Sự hợp tác của họ trong điều trị cũng như tập luyện hằng ngày là yếu tố cần thiết cùng lúc với sự hỗ trợ của gia đình và cộng đồng luôn tạo một môi trường làm việc thích nghi và thoải mái, đơn cử như nhân viên văn phòng phải làm việc nhiều giờ trên máy tính nên phải thiết kế bàn và ghế ngồi như thế nào để tránh các động tác cúi, gập cổ, gập lưng… hầu tránh được các triệu chứng đau cổ, vai, lưng sau này. Bên cạnh đó để việc điều trị bằng phương pháp VLTL có kết quả tốt thì phải cần thời gian và sự kiên nhẫn.
Cảm ơn bà về những thông tin trên.