Từ trung tâm huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, chúng tôi vượt quãng đường 20km để đến thôn Xuân Phong, xã An Hòa, huyện An Lão. Tại đây, xe rẽ vào con đường dẫn đến xã An Toàn, huyện An Lão. Phong cảnh trên con đường nối Bình Định với Gia Lai này toàn đồi núi xanh bạt ngàn rất đẹp. Đi thêm khoảng 5km nữa thì xe dừng lại ở vị trí cột mốc số 10. Từ đây, mọi người bắt đầu đi bộ vào rừng Kon Chư Răng.
Thuộc xã Sơn Lang, huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai, khu bảo tồn Kon Chư Răng có diện tích 15.900ha. Nơi đây có hệ sinh thái chuyển tiếp giữa vùng Đông và Tây của dãy Trường Sơn nên động thực vật khá phong phú đa dạng, đặc biệt là có nhiều dòng thác rất thơ mộng. Rảo bước trên con đường rừng mát rượi một lúc, băng qua cả đồng cỏ rộng lớn với nhiều nếp nhà lá xinh xinh, đoàn còn phải lội qua dòng suối cạn dưới đáy toàn những hòn đá nhẵn nhụi. Là dân thành phố, việc vượt suối với tôi thật không dễ dàng. Đá trơn, bùn lầy nhiều đoạn sâu đến đầu gối, nhiều lần tôi bị ngã chúi ướt hết quần áo dù mực nước chỉ đến ngang đùi. Chưa hết, cuộc hành trình vượt núi trên con đường dốc 60 độ cũng thử thách sức khỏe và sự kiên nhẫn của mỗi thành viên.
Bù lại, lên đến đỉnh cao, trước mắt mọi người là khung cảnh rừng nguyên sinh với những loại cây cổ thụ, phong lan thuộc dòng quý hiếm; nhiều loài ong bướm, côn trùng, bò sát đặc chủng. Theo lối đường mòn trên cánh rừng già dài hơn hai cây số đó có thác K50 miệt mài chảy, nước trắng xóa quanh năm, hơi nước lan tỏa khắp cả một vùng tạo nên cầu vồng bảy sắc giữa đại ngàn.
Trong khu bảo tồn phía đầu nguồn sông Côn, sông suối nhỏ hẹp tạo ra những thác nước cao, khá đẹp. Để đến được đỉnh thác K50, tính ra chúng tôi đã băng qua khoảng cả chục cây số đường rừng trong gần năm giờ đồng hồ, đủ để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của một mảng rừng nguyên sinh. Thác có độ cao khoảng 54 mét, rộng từ 20 mét đến 100 mét tùy theo mùa, nước chảy xiết, mạnh, lượng nước nhiều, chảy theo chiều thẳng đứng tạo sương mù và cầu vồng kỳ ảo. Nước trong hồ trong xanh, bọt tung trắng xóa quanh năm, hơi nước bay mù mịt. Có thể nói đây là một trong những thác đẹp còn hoàn toàn hoang sơ của Tây Nguyên hiện nay, làm nơi trú ngụ của nhiều loài chim, các đàn én rừng thường bay về làm tổ bám trên vách đá…
Một điều đặc biệt nữa là ngay trên đỉnh thác có một hồ nước rất nhiều cá. Tại đấy, với địa thế của đỉnh thác vừa rộng và có nhiều điểm thoáng, bữa trưa muộn do anh kiểm lâm tổ chức đã mang lại cho chúng tôi một trải nghiệm ẩm thực hoang dã mà ngon tuyệt vời. Đáng nhớ nhất là món cá niên nướng, đặc sản của hồ nước trên thác. Loài cá có vảy này thịt ngọt và chắc lạ lùng. Ngoài ra ốc xoắn, rau rừng (hay còn gọi là rau lủi có hương vị chát đắng rất đặc trưng) cũng hấp dẫn không kém. Thức uống của đoàn cũng lấy từ rừng như rau má rừng, nước pha mật ong rừng…
Vừa ăn, mọi người vừa say mê ngắm thác nước không ngừng tuôn trào, bụi nước tung tóe khắp nơi, dòng nước cứ thế tung bọt trắng xóa, rồi hòa mình vào con suối hiền hòa phía dưới. Dưới thác còn có những khối đá sở hữu hình dạng kỳ thú, lần lượt xếp chồng lên nhau tạo thành những bậc thang độc đáo.
– Ảnh Đoàn Vinh