Sau phiên lao dốc hôm qua, lực bán đầu phiên tiếp tục khiến VN-Index lao mạnh xuống 1.155 điểm khi mở cửa phiên sáng nay. Tuy nhiên, sau đó, cung giá thấp được tiết giảm, giúp một số mã lớn đảo chiều, đã kéo VN-Index trở lại gần mức tham chiếu.
Trong phiên sáng hôm qua, sau khi có sắc xanh nhạt trong nửa đầu phiên, VN-Index đã đảo chiều đi xuống do áp lực chốt lời mạnh ở nhóm ngân hàng, sau đó lan dần ra một số nhóm khác như bất động sản, chứng khoán.
Sang đến phiên chiều, áp lực bán mạnh tiếp tục dồn mạnh, đẩy VN-Index lùi xuống 1.180 điểm.
Tại mốc hỗ trợ này, lực cầu bắt đáy diễn ra ở một số mã lớn giúp VN-Index bật trở lại, nhưng rất nhanh chóng, lực cung lại ồ ạt được tung ra, trong khi lực cầu bắt đáy không tham gia mạnh khiến VN-Index giảm thẳng đứng xuống mức thấp nhất ngày khi đóng cửa.
Điểm số rơi mạnh và giá trị giao dịch ở mức cao trong hai phiên vừa qua là tín hiệu xấu, chứng tỏ lượng bán ra áp đảo. Ngoài ra, việc thị trường rơi thẳng một mạch về cuối phiên chứng tỏ chưa có dòng tiền bắt đáy đủ mạnh.
Dự báo, nếu không đảo chiều thì lượng magin giải chấp sẽ tăng lên trong các phiên tới.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay (12-4), lực bán ồ ạt từ cuối phiên hôm qua tiếp tục lan rộng, VN-Index rơi thẳng xuống 1.154 điểm ngay khi mở cửa.
Nhưng khó khăn tạm thời đi qua, chỉ số lại hướng lên trên tham chiếu, rung lắc thêm một nhịp trước khi xanh trở lại sau hơn 1 giờ giao dịch, với các trụ như VIC, VNM, GAS, MSN, VRE, SAB.
Tuy nhiên, nhịp tăng này cũng không giữ được lâu, khi đồng loạt nhóm cổ phiếu ngân hàng phủ một màu đỏ.
Bên cạnh đó là nhóm cổ phiếu chứng khoán phân hóa, thanh khoản tập trung ở mã giảm điểm SSI, và tương tự là nhóm bất động sản-xây dựng khi sắc xanh nhạt ở nhóm FLC, QHC, DXG, DIG, LDG, trong khi KBC, SCR, NVL, ROS, PDR bị bán mạnh…
Đặc biệt, nhóm VN30 tuy số mã tăng và giảm đang có sự cân bằng nhất định, nhưng việc thanh khoản tập trung ở các mã giảm đang tạo gánh nặng cho chỉ số.
Sau khi đi xuống tham chiếu từ ngưỡng 1.170 điểm, VN-Index đã dần dần hồi phục trở lại, nhưng với thanh khoản suy giảm và lực cầu tuy có quay trở lại một số bluechip, nhưng chừng đó là chưa đủ đển VN-Index trở lại sắc xanh khi chốt phiên sáng nay.
Chốt phiên sáng 12-4, sàn HOSE có 128 mã tăng và 135 mã giảm, VN-Index giảm 0,82 điểm (-0,07%), xuống 1.166,29 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 95,57 triệu đơn vị, giá trị 2.955,66 tỷ đồng, giảm mạnh 30% về khối lượng và 29% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,38 triệu đơn vị, giá trị 149 tỷ đồng.
Nhóm 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường chỉ còn 3 mã giảm, cũng đều thuộc nhóm ngân hàng là VCB -0,8% xuống 70.600 đồng và BID giảm 0,4% xuống 44.300 đồng, VPB giảm 0,3% xuống 65.900 đồng, cùng 2 mã đứng tham chiếu là GAS và SAB, còn lại đều tăng, trong đó đáng kể nhất là MSN và VRE.
Cụ thể, VIC tăng 0,8% lên 127.000 đồng, khơp 1,8 triệu đơn vị; VNM tăng 0,2% lên 196.300 đồng; CTG tăng 0,1% lên 35.750 đồng, khớp 3,85 triệu đơn vị; MSN tăng 2% lên 100.000 đồng; VRE tăng 2,2% lên 52.100 đồng, khớp 1,1 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu VN30 có thanh khoản tốt đã hồi trở lại ngoài CTG, VIC, MSN thì còn có SSI, SBT, FPT, trong khi 2 mã ngân hàng STB và MBB chưa thể bật trở lại, mặc dù chỉ giảm nhẹ, cùng với đó là cặp đôi HPG và HSG.
STB giảm 0,6% xuống 15.550 đồng, khớp 6 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản sàn HOSE; MBB giảm 0,1% xuống 35.150 đồng, khớp 4,38 triệu đơn vị; HPG giảm 0,3% xuống 60.300 đồng, khớp 1,58 triệu đơn vị, HSG giảm 1,8% xuống 21.450 đồng, khớp 1,1 triệu đơn vị.
Còn lại ROS vẫn giảm mạnh nhất nhóm khi mất 6,2% xuống 100.600 đồng; BVH giảm 3% xuống 103.600 đồng; GDM giảm 2,1% xuống 28.600 đồng. Các mã khác như VJC, CTD, CII chỉ giảm nhẹ.
Ngược lại, SSI tăng 1,2% lên 42.300 đồng, khớp 2,99 triệu đơn vị; SBT tăng 0,3% lên 17.200 đồng, khớp 1,32 triệu đơn vị; FPT tăng 0,2% lên 63.100 đồng, PLX tăng 0,1% lên 79.100 đồng, khớp hơn nửa triệu đơn vị.
Tăng điểm khá tốt còn kể đến MWG, khi +3% lên 102.800 đồng; BMP tăng 2,6% lên 71.800 đồng; NT2 tăng 2,2% lên 32.000 đồng…
Nhóm cổ phiếu bất động sản-xây dựng nhờ sự hồi phục của VIC và VRE mà theo đó nhiều mã cũng xanh trở lại như FLC, DXG, DIG, HDC, LDG, TDH, KDH, HAR, trong khi những KBC, SCR, HBC, PDR, VRC, NBB vẫn chìm trong sắc đỏ, còn NVL, HQC, QCG đứng tham chiếu.
Thanh khoản nhóm này cao nhất là FLC với hơn 3 triệu đơn vị khớp lệnh; KBC có 2,86 triệu đơn vị; HQC, NVL, DXG, SCR có từ 1,8 triệu đến 2,3 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, diễn biến có phần tích cực hơn trên HOSE, khi chỉ số HNX-Index giảm nhẹ khi mở cửa và sau 1 giờ giao dịch đã tăng điểm trở lại và duy trì cho đến hết phiên sáng, với tất cả 15 mã thanh khoản cao nhất sàn, từ hơn 400.000 đơn vị khớp lệnh trở lên chỉ duy nhất 1 mã giảm là NSH, 3 mã đứng tham chiếu SHB, KLK, SHN, còn lại đều tăng.
Cụ thể, SHB đứng ở 13.500 đồng, khớp 9,6 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản HNX; PVS tăng 2,9% lên 21.500 đồng, khớp 3,27 triệu đơn vị; ACB tăng 0,4% lên 49.000 đồng, khớp 2,1 triệu đơn vị; CEO tăng 0,6% lên 15.700 đồng, khớp 1,7 triệu đơn vị; VCG tăng 1,9% lên 21.900 đồng, VGC tăng 1,7% lên 23.600 đồng, 2 mã này có trên dưới 900.000 đơn vị khớp lệnh.
Hai cổ phiếu chứng khoán là SHS và MBS lần lượt +1,4% và 1% lên 22.100 đồng và 20.000 đồng, khớp lệnh từ 600.000 đến hơn 800.000 đơn vị…
Cổ phiếu lớn VCS cũng tăng, tạo động lực khá lớn lên chỉ số, +0,8% lên 121.000 đồng.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 72 mã tăng và 56 mã giảm, HNX-Index tăng 0,61 điểm (+0,45%), lên 134,35 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 30,87 triệu đơn vị, giá trị 526,45 tỷ đồng, giảm hơn 17% về khối lượng và 23% về giá trị so với phiên sáng hôm qua.Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 480.000 đơn vị, giá trị 3,82 tỷ đồng.
Trên sàn UpCoM, chỉ số UpCoM-Index lại có diễn biến xấu nhất, khi mở cửa giảm điểm và duy trì cho đến hết phiên, với đà giảm của nhiều cái tên như LPB, BSR, HVN, POW, DVN, OIL, QNS, trong khi VIB, GVR đứng tham chiếu.
LPB thanh khoản cao nhất và cách khá xa phần còn lại với gần 4 triệu đơn vị khớp lệnh, giảm 3,5% xuống 16.700 đồng; BSR giảm 2,6%; POW giảm 1,3% 15.500 đồng; HVN giảm 1%; DVN giảm 1,2%…
Phiên sáng nay chứng kiến them một đợt giao dịch khác lạ từ TBD, khi cổ phiếu này bất ngờ tăng trần +14,9% sau khi giảm sâu khi mở cửa, tăng lên 67.900 đồng, khớp lệnh tăng vọt lên hơn 1,17 triệu đơn vị.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,36 điểm (-0,61%), xuống 59,49 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 8,72 triệu đơn vị, giá trị 201,49 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 1 triệu đơn vị, giá trị 6,28 tỷ đồng.
– Theo ĐTCK