Nếu đáp ứng các điều kiện về tỷ lệ nội địa hóa tại nước sản xuất, các mẫu xe sản xuất trong khu vực ASEAN nhập khẩu vào Việt Nam sẽ được áp thuế nhập khẩu giảm từ mức 30% của năm ngoái xuống còn 0%. Vậy những mẫu xe nào có khả năng giảm giá sâu?
Việc thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc chưa qua sử dụng từ các nước ASEAN (chủ yếu là Thái Lan và Indonesia) giảm từ 30% xuống còn 0% sẽ giúp giá bán xe tại thị trường Việt Nam giảm mạnh (ví dụ như mẫu Honda CR-V trước đó giá 1,1 tỉ đồng có mức giảm khoảng 190 triệu đồng). Đó là chưa kể, các dòng xe nhỏ dung tích dưới 2.000cc được giảm thêm 5% thuế Tiêu thụ Đặc biệt.
Chính vì việc được hưởng ưu đãi lớn như vậy, Chính phủ đã có những động thái mạnh mẽ để kiểm soát việc thất thu và chống gian lận thương mại. Trong kết luận mới đây của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về tình hình thực hiện Nghị định số 116/2017/NĐ-CP đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công thương phối hợp kiểm soát nhập khẩu ôtô trong nội khối ASEAN, đảm bảo đáp ứng nghiêm các điều hiện hưởng thuế suất ưu đãi.
Những cái tên giúp hạ mặt bằng giá xe tại Việt Nam
Trong khu vực ASEAN, những mẫu xe có cơ hội vào Việt Nam với mức thuế ưu đãi chủ yếu là từ Thái Lan – công xưởng của nền công nghiệp ôtô thế giới, với quy mô và sản lượng đứng thứ 3 toàn cầu, với nhà máy của các thương hiệu Honda, GM, Ford hay Mitsubishi; tiếp theo đó là từ Indonesia (với nhà máy của Toyota, Subaru…).
Các dòng xe sản xuất ở hai thị trường này, nếu đảm bảo yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa (từ 40% trở lên) giờ đây chỉ cần đáp ứng các thủ tục (Nghị định 116/2017 và Thông tư 03/2018/TT-BGTVT) là được phép đến tay người tiêu dùng với giá bán dự kiến sẽ giảm 20 – 25%.
Với dòng xe nhỏ (minicar), đầu tiên phải kể đến mẫu Toyota Wigo nhập khẩu từ Indonesia – mẫu xe giá rẻ hiện có giá bán dự kiến tại Việt Nam khoảng 300 triệu đồng. Đây là đối thủ cùng phân khúc với KIA Morning, Hyundai Grand i10, và sự có mặt của Toyota Wigo hứa hẹn sẽ mang tới một mặt bằng giá xe mới tại Việt Nam. Ngoài ra, mẫu Suzuki Celerio nhập khẩu từ Thái Lan cũng sẽ mang tới sự sôi động hơn nữa cho phân khúc này, khi mà chiếc xe này có giá bán dự kiến cũng chưa tới 300 triệu đồng.
Phân khúc xe bán tải, cho dù mức ưu đãi khi thuế nhập khẩu về 0% không nhiều (hiện tại thuế nhập khẩu chỉ là 5%), tuy nhiên cơ cấu thuế ảnh hưởng tới giá bán xe mà khởi điểm là thuế nhập khẩu sẽ ảnh hưởng tới các mức thuế Tiêu thụ Đặc biệt, thuế Giá trị gia tăng, phí trước bạ cùng hàng loạt chi phí khác.
Ở phân khúc xe hạng B có những cái tên đáng chú ý như Honda Jazz (lần đầu xuất hiện), Suzuki Ciaz, Mitsubishi Mirage/Attrage, Toyota Yaris… Nếu như vào thời điểm cuối năm 2017, Suzuki Ciaz có giá bán lẻ từ 565 triệu đồng thì với việc nhập khẩu từ Thái Lan được hưởng mức thuế 0%, mẫu xe nhỏ này có thể giảm xuống mức gần 450 triệu đồng (giảm hơn 120 triệu). Tương tự như vậy các mẫu Mitsubishi Mirage/Attrage hiện có giá 400-460 triệu đồng cũng hứa hẹn giảm khoảng 80-100 triệu đồng, xuống chỉ còn khoảng từ 320-368 triệu đồng.
Phân khúc crossover và SUV được quan tâm nhiều nhất với những cái tên như Honda CR-V, Isuzu MU-X, Pajero Sport và Toyota Fortuner… Trong đó, Honda CR-V thế hệ mới, cho dù đã có mặt tại Việt Nam, nhưng chưa được chính thức thông quan. Dù vậy, giá bán đã được công bố, với các phiên bản sử dụng động cơ 1.5L turbo giảm giá tới 190 triệu đồng hứa hẹn sẽ tạo cơn sốt mới cho mẫu xe này khi chính thức được ra mắt. Trong khi đó, Toyota Fortuner, với hơn 9.000 chiếc (bao gồm cả Wigo) hiện đang nằm ở cảng của Indonesia sẵn sàng về Việt Nam, có giá bán từ 980 triệu đồng đến 1,3 tỉ đồng khi chịu thuế nhập khẩu 30%, nay nếu được phép thông quan, hứa hẹn có mức giảm 200-260 triệu đồng. Một điều đáng quan tâm nữa là các phiên bản tương ứng của Toyota Fortuner tại Indonesia có giá bán thấp hơn so với các phiên bản nhập khẩu về Việt Nam (thời điểm năm 2017) lên tới 300-425 triệu đồng.
Phân khúc MPV 5+2 cũng hứa hẹn có nhiều thay đổi về giá bán, với các mẫu xe từ Thái Lan, như Suzuki Ertiga, Toyota Avanza…
Bao giờ người dân được mua xe ôtô giá rẻ?
Câu hỏi có logic nhất vào thời điểm này là bao giờ các hãng đưa được xe nhập khẩu từ ASEAN (đủ điều kiện) vào Việt Nam? Lý do đơn giản là cho dù đã có xe cập cảng (và đã đưa về kho của hãng) nhưng toàn bộ các hãng đều đang tìm hướng giải quyết các yêu cầu mới (chứng nhận của Cục Đăng kiểm) có trong Nghị định 116 và Thông tư 03/2018/TT-BGTVT để có thể thông quan lô hàng.
Thực tế hiện này, Honda đang trở thành “tâm điểm” thu hút sự quan tâm của toàn bộ thị trường ôtô Việt Nam, các hãng đều ngóng xem thương hiệu Nhật Bản này làm thế nào để chính thức thông quan lô hàng 2.000 xe đã cập cảng để từ đó mới quyết định đặt hàng các nhà máy trong khu vực; Suzuki tạm dừng toàn bộ mảng xe du lịch, tập trung vào xe thương mại (carry truck), Mitsubishi duy trì kinh doanh với duy nhất mẫu Outlander (với sản lượng không cao; 120 chiếc trong tháng 2-2018), GM chuẩn bị với Chevrolet Colorado/TrailBlazer, hay Ford với Everest và Ranger…
Trong khi đó, với các tính toán của các thành viên Hiệp hội các nhà sản xuất xe Việt Nam (VAMA), kể cả các mẫu xe nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện nhập khẩu xe thì các mẫu xe mới cũng cần tới hai tháng cho việc thử nghiệm chất lượng an toàn xe. Trong khi đó các hãng dự tính số lượng xe còn lại ở các đại lý cũng chỉ duy trì được sự cung cấp cho thị trường nốt trong tháng 3 này.
Và như vậy, trước khi có được các dòng xe giá bán thấp, điều gì có thể ngăn thị trường ôtô Việt Nam sẽ có một đợt tăng giá (vì khan hàng) trong những thời gian tới đây?