Trong bóng đá, đàn ông hơn 30 đã là lão tướng, chạm 40 là bị truyền thông coi như ông lão sắp chống gậy đến nơi. Trong chính trị, lại chỉ là “thằng ranh” vắt mũi chưa sạch. Trong âm nhạc, chắc chắn bị coi là ông chú già. Màn ảnh rộng, nơi vốn hào nhoáng nhưng ở trường hợp này có lẽ là công bằng nhất, lứa U40 dường như chuẩn không cần chỉnh. Độ quyến rũ trải dài từ trước 35 đến tận 45, có thể hơn.
Nhưng không phải người đàn ông nào cũng đá bóng, hoặc theo chính trị, hoặc ca hát nhảy múa, hoặc đóng phim. Phần lớn trường hợp anh ta là dân công sở bình thường, hoặc lao động tay chân, hoặc nghiên cứu khoa học, hoặc kinh doanh nhỏ lẻ. Đủ thứ ngành nghề. Mỗi người một vẻ. Nhưng trước ngưỡng 40, dường như tất cả hít thở chung bầu không khí của sự biến động. Trong tâm hồn.
Phác họa đàn ông U40
Hãy cùng phác họa chân dung những người đàn ông U40. Bụng bia ư? Có thể, nhưng nên nhớ nó hết mốt rồi. Ngày nay các phòng gym đại trà lắm, giá cũng phải chăng. Thậm chí các môn thể thao giờ cũng đã đại trà. Không thiếu những anh sắp trung niên mà body vẫn ngon lành. Có khi còn ngon hơn thời trẻ, cái thời còn chưa biết mình là ai ấy.
Có thể để râu, mà nếu đã để, thì cực hợp, đúng tuổi rồi mà. Tóc 99% là undercut, kiểu tóc giúp mỗi người đẹp trai hơn vạn lần, mà dù thích hay không thì ra tiệm thợ vẫn mặc nhiên múa kéo kiểu đó. Da tất nhiên đượm màu nắng gió, không những vậy còn có màu bụi mịn hay thủy ngân trong bầu không khí đô thị nữa. Sống càng lâu càng thẩm thấu nhiều.
Về sự nghiệp. Xem nào, gần 40, chắc đã có thành tựu kha khá, hoặc đã kịp nhận ra mình là kẻ bất tài – điều mà thời trẻ còn hoài nghi. Ở chỗ làm, chắc đã hoặc đang làm sếp, còn nếu không cũng tự hiểu mình không có khả năng lãnh đạo.
Dù thế nào, đó cũng là thời điểm lỡ nhỡ của sự nghiệp. Vấn đề không còn là lùi hay tiến, vì anh ta đã xong gần khép lại một giai đoạn lớn rồi. Tự nhiên anh cảm thấy cũ. Đây là lúc cân nhắc trước một thay đổi bước ngoặt, đổi chỗ làm, thậm chí đổi ngành, hoặc đổi chính mình. “Update” một “version” mới. Có khi đổi cả đại từ nhân xưng. “Anh” cầu thủ rời sân cỏ thành ngay “ông” giám đốc. “Chàng” diễn viên rời màn bạc thành ngay “ngài” chủ tịch. Tất nhiên đó là với những người may mắn. Không may thì có khi từ “anh” thành “thằng”, “tên”, “y”, “hắn”. Về đời tư, đã có vợ, hoặc không, hoặc đã bỏ, hoặc đã bị bỏ. Xã hội ngày nay cũng dễ tính hơn rồi. Nếu có thì có thể đang chán vợ. Nếu chưa thì rất có thể đang chán đời. Đã có con, hoặc không, hoặc được nuôi con, hoặc không được nuôi con. Xã hội ngày nay vẫn dễ tính hơn rồi. Nếu có thì rất yêu con. Nếu chưa thì đang “ủ rũ” với đời.
Niềm đam mê không phai nhạt
Đàn ông U40 có xu hướng bị hấp dẫn bạn khác giới (ngày càng xinh đẹp), trừ vợ mình. Những ý lãng mạn về vợ như thời “Ngoài kia nếu có khó khăn quá về nhà anh nhé. Có em chờ!” của bọn mới yêu, mới cưới đã xa rồi. Tuổi trung niên sắp ập tới, đàn ông hoảng sợ trước viễn cảnh bước sang dốc bên kia của cuộc đời. Họ sống gấp! Phấn đấu sấp ngửa để trưởng thành đến đây coi như xong, giờ họ muốn quay lại thời vị thành niên.
Giai đoạn này bước chân người đàn ông có đôi chút chệch choạc, điên rồ, thăng hoa, nhưng cũng nhiều hối hận. Đôi khi họ đi chệch hơi xa lối về. Quay lại được hay không là tùy số phận và trách nhiệm. Lại nói về trách nhiệm, hai từ đó khiến đàn ông hãnh diện công khai và sợ hãi bí mật, là vương miện trên trán và là cái ách trên vai. Nhưng bất kể thế nào, đây chắc chắn là những tháng ngày đáng nhớ.
Nỗi ấm ức bị gọi “chú”
Lứa tuổi nào cũng có vẻ đẹp riêng. Bi kịch nhất là sống ở một lứa tuổi mà lại mộng mơ tiếc nuối về một lứa tuổi khác. Thế mà trước tuổi 40 bỗng dưng đàn ông tiếc thời thanh niên ghê gớm. “Thanh” qua lâu rồi và “trung” sắp tới. Tự nhiên họ thấy già. Nhất là khi ngắm nhìn những thân hình thanh xuân phơi phới của các cô gái đi trên phố, rồi giật mình nhớ ra các cháu kém mình “chỉ có” 20 tuổi mà thôi.
Sao cũng được, cả một nền truyền thông hướng về “bọn trẻ ranh” tuổi teen dường như hơi quá đáng rồi. Từ lúc nào mà gu của một đứa con gái 16 tuổi lại là chuẩn mực xã hội chứ? Bọn nó còn chưa kịp hiểu thế nào là đàn ông? Chưa 40 đã thành “chú” hết, một nỗi ấm ức không biết tỏ cùng ai.
Đàn ông không bao giờ lớn, ai đó đã nói thế. Vì áp lực xã hội, họ cứ giả vờ lớn và giả vờ lớn thôi. Giờ thì họ thèm tuổi trẻ cơ đấy, đến nỗi quên mất rằng mình từng căm ghét tuổi trẻ đến mức nào. Ngẫm lại thấy lúc đó nhé: Chẳng biết mình là ai, không rõ đời sẽ đi về đâu, muốn gì trong tình yêu, mơ gì về sự nghiệp. Thất bại xếp chồng xếp đống, thành công chạy mãi trốn hoài. Chỉ ước được ổn định. Như bây giờ.
Ừ thế mà bây giờ, khi đã được như… bây giờ, họ lại biến động
Người ta thường tô đậm cuộc đấu tranh của phụ nữ trong việc cưỡng lại quy luật thời gian. Nhưng ít ai để ý cuộc chiến tương tự ở đàn ông chẳng kém khắc nghiệt hơn là bao, lại còn diễn ra thầm lặng. Cứ có vấn đề xảy ra với phụ nữ, cả thế giới đều biết. Họ không ngừng nói về nó. Còn nếu một vấn đề xảy ra với đàn ông, có khi chỉ mình anh ta biết, hoặc thêm một ít người bạn thân, cực thân.
Sắp đến 40, hoặc đúng hơn là ở mọi lứa tuổi, phụ nữ ao ước câu “Chị trông trẻ hơn tuổi nhiều nhỉ!”. Đàn ông không cần cái phù phiếm bề ngoài ấy. Với họ, sẽ là một mặc cảm lớn khi phải hứng chịu câu “Anh dạo này có vẻ yếu đi nhỉ!”.
Vậy đấy, tuổi này đàn ông sẽ thấy mình hóa thân vào số lượng vai diễn lớn chưa từng có trong đời. Thực ra, tuổi nào người ta cũng đóng nhiều vai cả, nhưng càng lớn càng nhiều hơn.
– Theo Elleman