Sau phiên may mắn thoát hiểm hôm qua, VN-Index sáng nay biến động mạnh theo nhóm VN30.
Trong phiên giao dịch hôm qua, áp lực bán đã hiển hiện ngày một rõ hơn ở tất cả các nhóm cổ phiếu, VN-Index giằng co, rung lắc dữ dội khi hướng lên vùng 1.130 điểm.
Tuy nhiên, nhờ nhóm cổ phiếu dẫn dắt là ngân hàng và có thêm dầu khí tham gia cuộc đua, nhất là vào thời điểm cuối phiên đã giúp thị trường đã dẫn ổn định hơn và chốt phiên vẫn có được sắc xanh.
Theo đánh giá của các công ty chứng khoán, sự phân hóa và áp lực bán sẽ còn tiếp tục duy trì trong các phiên tới, một phần bởi tương quan cung cầu vẫn giằng co dữ dội trên vùng giá cao và tâm lý thị trường vẫn có sự phân hóa rõ nét chứ chưa đồng thuận về một xu hướng chung.
Bên cạnh đó, tuy chỉ số tăng điểm nhưng thanh khoản lại giảm có thể là do bên bán chủ động tiết cung để bán được giá cao hơn trong các phiên tiếp theo.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay (28/2), VN-Index lao dốc, mất gần 10 điểm khi áp lực cung gia tăng theo ảnh hưởng từ đà sụt giảm của thị trường chứng khoán thế giới.
Nhiều mã lớn, nhất là các mã trong nhóm VN30 mất điểm như VNM, GAS, SAB, VIC, VCB, CTG.
Tuy nhiên, sau đó, lực cầu gia tăng, kéo VN-Index đảo ngoạn mục và tăng vọt lên vùng 1.130 điểm khi các cổ phiếu trong nhóm VN30 phục hồi, trước khi bị đẩy trở lại.
Trong các mã cổ phiếu, đáng chú ý nhất vẫn là CTG tiếp tục có mức tăng mạnh cả giá và thanh khoản.
Phiên giao dịch sáng nay ghi nhận sự áp đảo của các mã giảm, đặc biệt là nhóm VN30, khi số mã giảm là 20, trong khi chỉ có 9 mã tăng.
Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu tăng lại là nhóm cổ phiếu hút dòng tiền nhất, trong khi nhiều mã giảm cũng có không ít các mã vốn hóa lớn, nhưng đà giảm của nhóm này đã được hãm lại khá nhiều, và thanh khoản không quá cao nên chưa thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số.
Qua đó, VN-Index vẫn giữ được sắc xanh khi kết thúc phiên sáng, với điểm nhấn vẫn là CTG và nhóm cổ phiếu ngân hàng, khi thanh khoản và đà tăng dẫn đầu thị trường.
Theo đó, CTG tăng 4,2% lên 33.450 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh dẫn đầu sàn HOSE với hơn 11,2 triệu đơn vị.
Các mã ngân hàng khác trên HOSE chỉ còn STB giảm nhẹ 0,3% xuống 16.100 đồng/cổ phiếu, khớp 7,83 triệu đơn vị và HDB giảm 1,8% xuống 43.700 đồng/cổ phiếu, còn lại cũng đã hồi trở lại, như VCB tăng 1,4% lên 74.200 đồng/cổ phiếu, khớp 1,85 triệu đơn vị; BID tăng 2,5% lên 39.100 đồng/cổ phiếu, khớp 2,6 triệu đơn vị, MBB tăng 3% lên 33.800 đồng/cổ phiếu, khớp 6 triệu đơn vị; VPB tăng 1,5% lên 59.800 đồng/cổ phiếu, khớp 1,97 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu dầu khí đáng tiếc có GAS giảm 0,9% xuống 112.500 đồng/cổ phiếu, các mã khác vẫn duy trì đà tăng, nhưng cũng không còn mạnh như phiên hôm qua, như PLX tăng 1,6% lên 89.300 đồng/cổ phiếu; PVT tăng 2,8% lên 18.600 đồng/cổ phiếu; PVD tăng 1,6% lên 22.350 đồng/cổ phiếu…
Top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn giảm điểm ngoài GAS nêu trên thì cũng chỉ còn; VNM (-0,6%) xuống 198.900 đồng/cổ phiếu; SAB (-0,7%) xuống 239.900 đồng/cổ phiếu, và HPG (-0,3%) xuống 63.900 đồng/cổ phiếu thì còn lại cũng đã tăng…
Nhìn rộng ra trong top 20, số mã giảm cũng lác đác có thêm VJC, ROS, BVH, HDB và MWG, nhưng giảm mạnh nhất cũng chỉ 1,8% với HDB.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường phiên sáng hay hầu hết bị bán mạnh và giảm điểm như FLC, HAG, HNG, HQC, DCM, ASM, AMD, … khớp lệnh từ khoảng 1 triệu đến 2,5 triệu đơn vị.
Trong khi màu xanh chỉ còn ở SCR, IDI, OGC, QCG, trong đó SRC thanh khoản cao nhất với 3,46 triệu đơn vị.
Phiên hôm nay là phiên giao dịch cuối cùng của tháng 2/2018, và cũng là thời điểm cận kề kỳ đảo danh mục của các quỹ ETF đang đến gần, thậm chí FTSE Vietnam ETF đã chốt xong danh mục vào ngày 23/2 và sẽ được thông báo vào những ngày đầu tháng 3 tới.
Theo dự báo của các công ty chứng khoán, trong đợt này rất nhiều khả năng VRE sẽ được thêm vào danh mục, mặc dù mới chỉ niêm yết được khoảng hơn 3 tháng.
Các cổ phiếu các có thể được đưa vào còn có thể là PLX, DXG, CII, PVD, PVS và SHB. Trong khi đó, GTN và HSG có thể là cổ phiếu bị loại ra.
Trong phiên sáng nay các mã nêu trên tại HOSE là VRE tăng 0,5% lên 55.200 đồng/cổ phiếu; DXG tăng 2% lên 32.950 đồng/cổ phiếu; CII giảm 1,8% xuống 35.050 đồng/cổ phiếu.
Trong khi đó, sau chuỗi ngày giảm liên tục, GTN tăng mạnh 4,3%, lên 10.800 đồng/cổ phiếu sau khi hồi phục nhẹ phiên trước đó. GTN tăng sau khi Ban lãnh đạo Công ty có trấn an cổ đông; HSG giảm 1,8% xuống 24.300 đồng/cổ phiếu.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 114 mã giảm và 143 mã tăng, VN-Index tăng 4,81 điểm (+0,43%), lên 1.124,42 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 114,76 triệu đơn vị, giá trị 3.707,25 tỷ đồng, tăng 6,6% về khối lượng và 8,1% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,64 triệu đơn vị, giá trị 279,8 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, chỉ số cũng lao mạnh ngay từ đầu phiên, nhưng sự trở lại của PVS,ACB, VGC, TNG và 2 cổ phiếu nhỏ PVX, VE9 tăng kịch trần đã thúc đẩy tâm lý nhà đầu tư, qua đó đã kéo chỉ số đi lên, bất chấp đà giảm của SHB, SHS.
Cụ thể, PVX tăng 9,1% lên 2.400 đồng/cổ phiếu, khớp 8,22 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản sàn HNX; VE9 cũng tăng kịch trần 8,2% lên 5.300 đồng/cổ phiếu, nhưng chỉ có hơn 520.000 đơn vị khớp lệnh.
Còn lại, PVS tăng 0,4% lên 24.500 đồng/cổ phiếu, khớp 4,4 triệu đơn vị; ACB tăng 1,3% lên 47.000 đồng/cổ phiếu, khớp 2,55 triệu đơn vị; TNG tăng 3,8% lên 16.400 đồng/cổ phiếu, khớp gần 1 triệu đơn vị; VGC tăng 1,7% lên 23.500 đồng/cổ phiếu, khớp gần nửa triệu đơn vị.
Trong khi đó, SHB giảm 0,8% xuống 13.000 đồng/cổ phiếu, khớp 7,56 triệu đơn vị; SHS giảm 1,3% xuống 22.200 đồng/cổ phiếu; HUT giảm 2,2% xuống 8.800 đồng/cổ phiếu, khớp 1,6 triệu đơn vị.
Các mã VCG và SHN đứng tham chiếu lần lượt tại 23.500 đồng và 10.000 đồng/cổ phiếu…
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 76 mã tăng và 83 mã giảm, HNX-Index tăng 0,46 điểm (+0,36%), lên 127,74 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 35,73 triệu đơn vị, giá trị 520,39 tỷ đồng, tăng nhẹ về khối lượng nhưng giảm 7,3% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 660.000 đơn vị, giá trị 6,74 tỷ đồng.
Trên sàn UpCoM, thanh khoản khớp lệnh tăng hơn 50% lên hơn 7,3 triệu đơn vị so với phiên sáng hôm qua với lệnh mua tập trung ở LPB, PXL, VIB, HVN. Thêm vào đó, trên bảng điện tử, các mã tăng cũng đều là các mã lớn, giảm điểm đáng kể chỉ còn ở QNS và VGT. Do đó, UpCoM-Index cũng đã đẩy lui sắc đỏ nhanh chóng, chốt phiên tăng nhẹ gần 0,4%.
Trong đó, chỉ có LPB giảm, 3 mã còn lại đều tăng. Cụ thể: LPB giảm 1,3% xuống 15.500 đồng/cổ phiếu; PXL tăng 3,6% lên 2.900 đồng/cổ phiếu, khớp 1,47 triệu đơn vị; VIB tăng 6,5% lên 33.000 đồng/cổ phiếu; HVN tăng 4,7% lên 58.300 đồng/cổ phiếu, khớp 1,1 triệu đơn vị.
Một cổ phiếu hàng không khác là ACV cũng tăng 4,9% lên 97.000 đồng/cổ phiếu, nhưng chỉ có hơn 176.000 đơn vị được khớp.
Ngược lại, QNS giảm 2,4% xuống 64.000 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh chỉ hơn 208.000 đơn vị; VGT giảm 0,6% xuống 16.600 đồng/cổ phiếu, khớp 156.500 đơn vị.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,22 điểm (+0,36%), lên 60,29 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 7,31 triệu đơn vị, giá trị 131,71 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể.
– Theo ĐTCK