Mặc dù sắc đỏ vẫn bao trùm nhưng dòng tiền giao dịch sôi động đã giúp thị trường có những tín hiệu vui. Trong đó, sự hồi phục của một số cổ phiếu bluechip đã giúp VN-Index lấy lại được mốc 1.000 điểm và HNX-Index vượt qua mốc tham chiếu thành công trong phiên chiều cuối tuần ngày 9/2.
Những tưởng lượng hàng khủng trong phiên 6/2 về tài khoản sẽ khiến thị trường chìm trong trong biển lửa nhưng sau thời gian ngắn đầu phiên hoảng loạn, thị trường đã cân bằng hơn giúp VN-Index lấy lại hơn 20 điểm.
Tuy vậy, lực bán thường trực vẫn khá lớn khiến sắc đỏ chiếm áp đảo, trong đó các cổ phiếu trụ cột tiếp tục đóng vai trò là lực hãm chính của thị trường với top 15 mã có vốn hóa lớn nhất thị trường đều giảm khá sâu, nhiều mã giảm sát sàn và duy nhất GAS chốt phiên nằm sàn.
Mặc dù lực cung giá thấp dâng cao nhưng trong phiên cuối tuần này, dòng tiền tham gia tích cực hơn và với diễn biến có dấu hiệu cải thiện về cuối phiên sáng, tâm lý nhà đầu tư hung phấn và kỳ vọng cao giúp đà giảm tiếp tục được thu hẹp khi bước sang phiên giao dịch chiều.
Tín hiệu tích cực xuất phát từ nhóm cổ phiếu VN30 khi nhiều mã đã đảo chiều hồi phục thành công như BID, MBB, VJC, CTD, CII, DHG… Sau khoảng 1 giờ giao dịch, chỉ số VN-Index đã lấy lại được mốc 1.000 điểm.
Trong khi đó, sàn HNX có phần khởi sắc hơn nhờ dòng tiền chảy mạnh với sự đảo chiều bật tăng của một số mã bluechip, đã kéo HNX-Index vượt qua được mốc tham chiếu sau khoảng 1 giờ giao dịch.
Dù lực bán vẫn khá lớn khiến chỉ số này diễn biến khá rung lắc nhưng với tín hiệu xanh xuất hiện, nhà đầu tư kỳ vọng hơn vào tương lai của một vài phiên tới trước khi thị trường bước vào kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán kéo dài.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần ngày 9/2, sàn HOSE có 174 mã giảm và 105 mã tăng, chỉ số VN-Index giảm 19,31 điểm (-1,89%) xuống 1.003,94 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 243,23 triệu đơn vị, giá trị 6.434,14 tỷ đồng, tăng 34% về lượng và 33,8% về giá trị so với phiên hôm qua.
Giao dịch thỏa thuận đóng góp 43,72 triệu đơn vị, giá trị 1.473,68 tỷ đồng, trong đó đáng kể có VRE thỏa thuận 10,76 triệu đơn vị, giá trị 513,79 tỷ đồng; VPB thỏa thuận hơn 4,1 triệu đơn vị, giá trị gần 200 tỷ đồng; NVL thỏa thuận 1,37 triệu đơn vị, giá trị 109,83 tỷ đồng và EIB thỏa thuận 200 tỷ đồng từ phiên sáng.
Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, MBB vẫn là điểm sáng khi nới rộng đà tăng 2,12% và đóng cửa ở mức giá 28.900 đồng/CP, thêm vào đó BID và STB cũng đã hồi phục thành công với sắc xanh nhạt, VPB cũng đảo chiều tăng 1% lên mức 52.500 đồng/CP; còn VCB tiếp tục thu hẹp đà giảm so với phiên sáng nhưng vẫn giảm khá mạnh 3,2%, kết phiên tại mức giá 60.900 đồng/CP.
Ngoài BID và VPB, trong top 20 mã có vốn hóa lớn nhất thị trường còn có VJC và BHN cũng đã lấy lại sắc xanh khi kết phiên với mức tăng tương ứng 0,5% lên mức 185.000 đồng/CP và 0,4% lên mức 138.600 đồng/CP.
Bên cạnh đó, trong nhóm VN30 còn có các mã CII, CTD, DHG, GMD khởi sắc; SAB, NVL và SSI lấy lại mốc tham chiếu, cũng đã góp phần giúp chỉ số thị trường hãm đà rơi mạnh.
Trái lại, trụ cột VNM sau màn rơi mạnh ở đầu phiên chiều đã bật nhẹ lên nhưng đà giảm vẫn khá sâu với 3,1% và đóng cửa tại mức giá 191.000 đồng/CP.
Các mã vốn hóa lớn khác như ROS tiếp tục giảm mạnh 6,5% xuống sát mức giá sàn 143.500 đồng/CP; HPG giảm 2,3% xuống mức 58.300 đồng/CP, MSN giảm 3,3% xuống mức 82.200 đồng/CP, MWG giảm 5,6% xuống mức 112.000 đồng/CP…
Trong nhóm cổ phiếu dầu khí ngoại trừ người anh cả GAS vẫn tiêu cực khi chưa thoát khỏi trạng thái trống bên mua và dư bán sàn 219.310 đơn vị, duy trì mức giá đóng cửa 96.800 đồng/CP với khối lượng khớp 1,15 triệu đơn vị, còn lại các thành viên khác trong nhóm như PVD, PXS, PVT, PXT… đà giảm đã được tiết chế đáng kể. Trong đó, PVD thoát sắc xanh mắt mèo và chỉ còn giảm 2,9%, kết phiên ở mức giá 19.900 đồng/CP với khối lượng khớp 5,37 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, lực cầu hấp thụ tốt đã giúp nhiều mã quen thuộc như HAG, HNG, HAI, AMD, VHG thoát trạng thái nằm sàn.
Trên sàn HNX, dù diễn biến khá giằng co nhưng chỉ số sàn đã đảo chiều thành công.
Đóng cửa, HNX-Index tăng 0,56 điểm (+0,48%) lên mức 117,5 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 62,96 triệu đơn vị, giá trị 891,11 tỷ đồng, tăng 35,49% về lượng và 42,13% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,54 triệu đơn vị, giá trị hơn 59 tỷ đồng.
Góp phần tô điểm thêm cho nhóm cổ phiếu ngân hàng, ACB cũng đảo chiều thành công với mức tăng hơn 1% và kết phiên tại mức giá 39.900 đồng/CP; còn người anh em SHB tăng 1,7% lên mức 12.200 đồng/CP và khớp 22,68 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường.
Bên cạnh đó, một số mã bluechip cũng đã hỗ trợ tích cực cho đà tăng thị trường như VCS tăng 2,06% lên mức 198.000 đồng/CP, PVS tăng 1,98% lên mức 20.600 đồng/CP, NDN tăng 4,9% lên mức 10.700 đồng/CP, hay các mã VGC, PLC, PVI, IDV, DCS lấy lại mốc tham chiếu.
Đáng kể là màn lội ngược dòng khá ngoạn mục của cặp đôi cổ phiếu chứng khoán trong nhóm HNX30 gồm MBS và SHS. Sau khi rơi xuống mức giá sàn trong phiên sáng, đà giảm được hãm chút ít khi chốt phiên, cả 2 mã này đã tăng tốc và đảo chiều thành công với MBS tăng 4,73% lên mức 15.500 đồng/CP, còn SHS tăng 0,98% lên mức 20.700 đồng/CP. Ngoài ra, các thành viên khác trong nhóm như APG, CTS, HCM, VND cũng hồi xanh.
Tương tự, trên sàn UPCoM cũng có được sắc xanh hy vọng.
Đóng cửa, UPCoM-Index tăng nhẹ 0,02 điểm (+0,04%) lên mức 56,48 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 11,37 triệu đơn vị, giá trị 146,62 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,33 triệu đơn vị, giá trị 109,66 tỷ đồng.
Cũng như một số mã trong nhóm ngân hàng, LPB cũng đã hồi phục với mức tăng nhẹ 0,69% và đóng cửa tại mức giá 14.600 đồng/CP. Đây cũng là mã giao dịch tốt nhất sàn UPCoM với hơn2 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công.
Trong khi đó, đà giảm của HVN tiếp tục được thu hẹp và đóng cửa tại mức giá cao nhất ngày 46.500 đồng/CP, giảm 3,13% với khối lượng giao dịch đạt 1,43 triệu đơn vị. Còn ACV đã lấy lại cân bằng khi đứng giá tham chiếu 91.900 đồng/CP.
– Theo ĐTCK