Từ cuộc chuyển giao thế hệ tại nhiều doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam trong ít năm qua, đã xuất hiện một đội ngũ doanh nhân trẻ không chỉ kế thừa nhiệt huyết kinh doanh của cha anh mà còn nhạy cảm, mẫn cán và táo bạo trên thương trường thế giới. Trò chuyện với Người Đô Thị, doanh nhân Lý Huy Sáng, Phó Tổng giám đốc Công ty gốm sứ Minh Long I đã chia sẻ câu chuyện về cuộc cách mạng gốm sứ, tầm nhìn kinh doanh cũng như nỗ lực mang giá trị Việt ra toàn cầu.
Mở đầu câu chuyện, Phó Tổng giám đốc Công ty gốm sứ Minh Long I Lý Huy Sáng, nói: “Đầu tiên phải nói đến giá trị cốt lõi của Minh Long, đó là luôn luôn đưa chất lượng lên hàng đầu. Đó cũng là triết lý kinh doanh của ba tôi – Lý Ngọc Minh, người sáng lập, để các thế hệ kế tiếp như tôi cùng các nhân viên Công ty kế thừa và phát huy.
Giá trị cốt lõi thứ hai của Công ty là luôn quan tâm tới đời sống của con người. Đời sống con người ở đây có khách hàng, có nhân viên Công ty… Trong nội bộ, Minh Long quan tâm đến đời sống nhân viên, tạo nên sự gắn kết lâu dài. Có những nhân viên thâm niên làm việc ở Minh Long đã hơn 20 năm, thậm chí một trường hợp đã làm việc ở đây hai thế hệ.
____Có vẻ từ rất sớm, Minh Long đã làm nên cuộc cách mạng trong lĩnh vực gốm sứ bằng việc đầu tư bài bản những công nghệ hàng đầu thế giới. Điều đó đã bị thôi thúc bởi điều gì và trong bối cảnh nào?
Việc áp dụng công nghệ để thay đổi gốm sứ bắt đầu từ năm 2003, tôi cùng ba tôi có chuyến tham quan nước ngoài, nhờ vậy thấy được các nước đã áp dụng công nghệ như thế nào và hiệu quả của nó trong sản xuất ra sao. Điều đó mang tới dự cảm chắc chắn đó cũng là con đường Việt Nam sẽ đi trong một ngày không xa.
Khi Minh Long bắt đầu đầu tư tự động hóa trang thiết bị, ngay cả nhà cung cấp thiết bị cũng ngạc nhiên. Tuy nhiên bài toán của tôi là nghĩ đến lâu dài, nghĩ đến hiệu quả. Hướng đi bắt buộc là phải tự động hóa, từ đó từng bước nâng cấp để đến nay đã tự động hóa hoàn toàn.
___Như vậy chỉ cần có tài chính sẽ sở hữu ngay được công nghệ sản xuất gốm sứ. Bài toán có vẻ dễ?
Phải có tài chính, nhưng quan trọng hơn là kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn trong nghề. Thiết bị chỉ làm những gì mình đề ra chứ không phải giúp mình giải quyết vấn đề. Cái được của thiết bị mà mình tận dụng đó là độ lặp lại cao. Nếu sản phẩm mình có công nghệ tốt, kỹ thuật tốt, độ lặp lại cao thì thành phẩm cao. Ngược lại, nếu công nghệ thấp, kỹ thuật thấp, chất lượng thấp thì lặp lại chất lượng thấp. Trong gốm sứ, bài toán ở đây là giải quyết kỹ thuật pha chế, hoàn thiện công thức và muốn làm được thì phải hiểu sâu sắc lĩnh vực này.
Ở đây cũng cần phải nói thêm nhược điểm của thiết bị là không linh động. Vì vậy kế hoạch sản xuất không thể tùy hứng, bừa bãi mà phải có sự tính toán hợp lý. Làm một dải sản phẩm nào đó phải làm đồng loạt. Sản phẩm làm ra phải tính toán đến khả năng hấp thụ của thị trường. Làm bằng tay, chỉ cần ra yêu cầu, người thợ có thể thay đổi ngay, còn máy móc thì theo dây chuyền, cái này thay đổi thì cái kia phải thay đổi theo và như vậy lại tốn thời gian, tiền của. Quản trị tốt kỹ thuật thì tự động hóa mới giúp mình đẩy nhanh sản xuất. Nếu không, đó sẽ là cửa tử.
___Vậy cột mốc nào đánh dấu việc Minh Long tự động hoá hoàn toàn trong sản xuất?
Dòng sản phẩm Ly’s Horeca là bước đệm để tiến tới tự động hóa. Ngay từ đầu chúng tôi nhận diện dải sản phẩm này thuộc phân khúc đại trà. Thứ hai, kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm Ly’s Horeca mang phong cách hiện đại, cần độ chính xác, size lớn phù hợp với việc tự động hóa hơn nên hiệu quả hơn chứ không phải kiểu dáng cầu kỳ như những mặt hàng tiêu dùng mà Minh Long trước giờ có… Sắp tới chúng tôi sẽ có những dòng sản phẩm khác để khai thác triệt để hơn việc tự động hóa.
___Gốm sứ vẫn được xem là nghề truyền thống, làm bằng tay. Chuyển qua làm máy, Minh Long hẳn phải có bí quyết để thuyết phục người tiêu dùng chấp nhận các dòng sản phẩm được sản xuất công nghiệp?
Chúng tôi không quên đặc thù của ngành này là ngành truyền thống, mang tính chất nghệ thuật nhiều. Vì vậy vẫn còn những dòng sản phẩm làm bằng tay, với những thiết bị thủ công.
Nhưng song song đó chúng tôi vẫn muốn nới rộng thị trường. Hầu hết sản phẩm làm thủ công có giá trị cao, nên không thể đáp ứng được mọi đối tượng. Chỉ có giá thành hợp lý hơn mới đến tay người tiêu dùng một cách dễ dàng. Máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất công nghiệp sẽ giải quyết việc này bởi chi phí sản xuất lúc này thấp.
Như vậy chúng tôi có hai dòng sản phẩm: một dòng sản phẩm dành cho những người đam mê gốm sứ làm bằng tay, nhưng sản lượng dòng sản phẩm này rất giới hạn. Còn những người muốn chất lượng tốt, giá cả hợp lý thì sẽ mua những sản phẩm sản xuất đại trà.
___Từ rất sớm, Minh Long không chỉ tạo ra các sản phẩm cạnh tranh ở thị trường trong nước mà còn đẩy mạnh ra quốc tế. Điều này càng thể hiện rõ khi trong tiêu chuẩn “bốn không, bốn có”, có một tiêu chuẩn là “không biên giới”. Anh có thể lý giải tiêu chí này?
Có một số quốc gia mà chúng tôi có dịp tiếp cận, thấy sản phẩm của họ rất đặc thù như Ấn Độ, Trung Đông. Minh Long không chọn theo hướng sản phẩm có mẫu mã đặc thù như vậy. Sản phẩm Minh Long có phong cách riêng, vẫn giữ được văn hóa Việt Nam, với tính nhận diện cao để khi nhìn vào khách hàng biết ngay là của châu Á, của Việt Nam nhưng độ chấp nhận rộng hơn, không chỉ riêng cho người Việt.
___Và Minh Long đã đưa sản phẩm tiếp cận khách hàng quốc tế bằng cách nào?
Chúng tôi đưa sản phẩm ra quốc tế thông qua hai kênh. Đó là triển lãm, để khách hàng tiếp cận sản phẩm, nhận diện thương hiệu Minh Long. Thứ hai là dựa vào chất lượng để khách hàng tìm đến sản phẩm của mình. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng mà nếu lượng hóa thì yếu tố này tỏ ra trội hơn việc đi triển lãm. Hầu hết khách hàng đến bởi nghe qua người tiêu dùng, nghe qua bạn bè… Vì vậy, quay lại vẫn là yếu cố cốt lõi, đưa chất lượng lên hàng đầu là yếu tố giúp cho Minh Long rất nhiều trong việc tồn tại và phát triển.
___Theo anh, cạnh tranh lớn nhất trong ngành gốm sứ hiện nay là gì?
Theo tôi đó là năng lượng và nhân công. Bởi ngành gốm sứ không giống những ngành khác, để tự động hóa phải giải quyết rất nhiều thách thức chứ không đơn thuần là việc mua cái máy đó về chạy.
Chẳng hạn, cũng cùng công thức (đất, men) nhưng nếu Minh Long không làm ở Bình Dương mà chuyển ra ngoài Bắc chất lượng sản phẩm sẽ khác vì khác nước, vùng khí hậu. Những ngành khác ít chịu ảnh hưởng bởi ngoại cảnh, trong khi gốm sứ chịu ảnh hưởng của khí hậu, thời tiết, chưa kể nguồn nguyên liệu tất cả là thô, phẩm chất không đồng đều. Sản phẩm làm ra khách hàng luôn luôn yêu cầu chất lượng đồng nhất mà đầu vào không đồng nhất nên việc giải bài toán này cực kỳ khó.
___Minh Long đã và đang làm tốt việc giúp khách hàng tiếp cận sản phẩm thông qua hệ thống đại lý, showroom. Tuy nhiên, trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ, vì sao Công ty lại chưa khai thác mạnh kênh bán hàng này?
Thực ra từ năm 1996-1997 chúng tôi đã xây dựng kênh phân phối, bán sản phẩm qua online nhưng do hạn chế chung của công nghệ thông tin thời bấy giờ nên chưa chạy được. Sau đó chúng tôi lại tiếp tục làm một trang điện tử khác vào năm 2006 nhưng vẫn chưa thành công. Hiện nay chúng tôi đã đưa hàng lên Amazon nhưng nếu tự đánh giá thì vẫn chưa hài lòng lắm.
Chúng tôi đã thử nhiều lần nhưng có thể do đặc thù của sản phẩm gốm sứ, khách hàng khi mua cần được tai nghe, mắt thấy, tay sờ trực tiếp vào sản phẩm để chọn.
Thực ra không chỉ riêng Minh Long, những thương hiệu lớn cũng vậy, để bán hàng online thành công họ cũng phải đầu tư những cửa hàng sang trọng để người ta đến đó chiêm ngưỡng, tìm hiểu trước. Vì vậy ngoài việc đầu tư mạnh vào hệ thống bán lẻ (cửa hàng vật lý) chúng tôi sẽ cải thiện kênh online để khi công nghệ sẵn sàng thì chúng tôi sẽ bắt nhịp được.
___Sản phẩm Minh Long trước nay luôn được định vị ở phân khúc trung cấp đến cao cấp. Liệu trong tương lai, anh và Minh Long sẽ có những dải sản phẩm cho đối tượng khách hàng bình dân?
Chúng tôi đã tìm được lời giải cho phân khúc này và thời gian ra mắt thị trường sẽ rất gần thôi.
___Để xác lập được niềm tin khách hàng cho sản phẩm mình làm ra, theo anh cần những điều kiện gì?
Tôi nghĩ điều đó phụ thuộc vào triết lý kinh doanh của người lãnh đạo. Như đã nói Minh Long muốn đi đường dài chứ không phải ăn xổi ở thì nên luôn đặt chất lượng lên hàng đầu. Tôi vẫn hay nói chuyện với các bạn marketing của Công ty, marketing hỗ trợ rất nhiều cho bán hàng nhưng bản chất sản phẩm đó phải có chất lượng, mình quảng bá nữa thì mới lên được. Còn nếu sản phẩm không chất lượng mà mình quảng bá thì đó là đi gạt người. Mà gạt người ta chỉ gạt được một lần, cùng lắm là hai lần.
Kinh doanh không thể xây dựng trên sự gian dối, bởi cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Chỉ có chất lượng thực sự thì mới trường tồn.
___Phương châm làm việc của anh là gì? Anh có tâm đắc với triết lý kinh doanh của một doanh nhân hay công ty nào?
Tôi quan niệm đã làm là phải hiệu quả, nếu không hiệu quả thì không làm. Sau hiệu quả, đã làm việc thì phải làm bằng đam mê. Cuối cùng, đã làm phải làm cho bằng được.
Với câu hỏi thứ hai, có lẽ không riêng tôi mà trên thế giới rất nhiều người ngưỡng mộ Apple. Tôi thấy ở đó những giá trị giống với cốt lõi mà chúng tôi theo đuổi. Khác với những hãng di động khác, một năm ra cả loạt sản phẩm nhưng không có nhiều khác biệt giữa các sản phẩm… Apple vận dụng rất tốt nguồn lực của mình, khi đầu tư, nghiên cứu dồn cho một sản phẩm mà ai cũng thích và mua dù họ bán với giá rất cao. Chất lượng là cái tiên quyết làm nên sự thành công.
___Khi đề cập đến công ty gia đình, người ta hay chỉ ra thách thức của mô hình này là sự xung khắc những cá tính… Anh có gặp khó khăn trong việc chia sẻ ý tưởng kinh doanh cho các thành viên khác trong gia đình? Bí quyết dung hòa những cá tính, xung đột của anh là gì?
Một trong những điều tôi đã nói là nếu không hiệu quả thì không làm. Giá trị cốt lõi đó giúp tôi giải quyết nhiều mâu thuẫn. Mình đừng đặt cái tôi, hay vị trí của người cha, người anh, người sếp… bởi vì cuối cùng Công ty cần hiệu quả. Mọi người đều muốn Công ty phát triển và tồn tại, ai chứng minh được điều mình đang nói, giải pháp của mình là hiệu quả hơn người khác thì cái đó sẽ được chọn. Đó là “luật chơi” trong Công ty cũng như Hội đồng quản trị. Những giá trị tôi đề ra hầu hết giúp ích cho Công ty rất nhiều trong việc phát triển và tồn tại.
___Gốm sứ có phải là niềm đam mê của anh từ nhỏ, hay anh đến với gốm sứ chỉ vì truyền thống gia đình?
Tôi có thuận lợi là truyền thống gia đình làm gốm sứ. Tiếp cận ngay từ nhỏ nên gốm sứ là một phần cuộc sống. Vì thân thuộc nên khi trực tiếp tham gia công việc điều hành tôi cảm thấy thoải mái, không thấy quá nhiều khó khăn. Thích thú gốm sứ nhưng đây lại không phải là đam mê lớn nhất của tôi. Đam mê nhất của tôi là kỹ thuật, công nghệ. Nhưng cuối cùng cả cái mình thích và đam mê lại có sự bổ trợ cho nhau. Ngành gốm sứ cũng áp dụng kỹ thuật, công nghệ nhiều và chính vì mình đam mê nên mới có câu chuyện tự động hóa ngày hôm nay.
___Năm 2017, Minh Long để lại một dấu ấn đặc biệt tại APEC 2017 khi thực hiện thành công hai sản phẩm đặc biệt là Chén ngọc APEC và bộ đồ ăn trong tiệc chiêu đãi chính thức. Sự kiện đó để lại trong anh cảm nghĩ gì?
Giá trị lớn nhất của bộ APEC không phải là tiền bạc, mà là giá trị thương hiệu, giá trị văn hóa quốc gia. Nhân viên của Công ty qua đó cũng thể hiện niềm tự hào dân tộc khi đóng góp bàn tay khối óc trong sản phẩm.
Những sự kiện khác, Minh Long cũng sẽ luôn hướng đến mục tiêu đó để có thể đóng góp cho đất nước ngày một tốt hơn.