“Tết đến rồi, vui thật vui/ Em mặc áo mới đi chúc tết họ hàng/ Em chúc ông bà sống lâu thật lâu…”, đó là lời một bài hát thiếu nhi thường vang lên vào dịp đầu xuân. Với người cao niên, lời chúc tết được nhận luôn là “mạnh khỏe, sống lâu trăm tuổi”, nhưng để có được cuộc sống trường thọ mà khỏe mạnh, những yếu tố quan trọng cần có là chế độ ăn uống thích hợp, kèm theo là sống trong một môi trường trong lành và phải thường xuyên vận động…
“Ở những nơi người ta sống trường thọ, họ không cố gắng để sống lâu. Trường thọ chẳng phải là mục đích mà họ theo đuổi nhưng là thành quả từ cuộc sống của họ, là kết quả từ việc tạo dựng một môi trường sống hợp lý” – đó là nhận định của Dan Buettner, chuyên gia nổi tiếng về ẩm thực trường thọ người Mỹ, nhà hoạt động tích cực để xây dựng những môi trường sống tốt đẹp cho con người đương đại, tác giả của nhiều ấn phẩm bán chạy nhất viết về cuộc sống trường thọ.
Trong một bài viết đăng trên tạp chí National Geographic năm 2004, Dan Buettner cho biết ông đã tìm thấy với chứng cứ thuyết phục về những vùng đất ở đó người dân sống lâu nhất trên Trái đất, những nơi mà ông đặt tên là “Blue Zone”. Và mục tiêu của Dan Buettner là dùng công nghệ đảo ngược (reverse-engineering) để phân tích và tìm ra những yếu tố giúp cho người dân sống ở những Blue Zone sống trường thọ, và cho dù không thể sao chép tất cả các yếu tố giúp họ sống lâu, chẳng hạn không thể có được những sản phẩm tươi từ các nông trại trên các hòn đảo ở Hy Lạp để ăn hằng ngày, thì “ít nhất cũng mang về một số bài học tương đối có sức thuyết phục để giúp bản thân chúng ta sống lâu hơn”. Cũng từ đó, Dan Buettner trở thành một bậc đạo sư (guru), một nhà thuyết giảng có uy tín lớn về ẩm thực trường thọ.
Thật ra có sự khác biệt ít nhiều về chế độ ẩm thực ở năm Blue Zone theo công bố của Dan Buettner là đảo Sardinia (hòn đảo lớn tại Địa Trung Hải và là một vùng tự trị của nước Ý, tiếng Ý là Sardegna), tỉnh Okinawa của Nhật, bán đảo Nicoya của Costa Rica, đảo Ikaria của Hy Lạp và thành phố Loma Linda thuộc quận San Bernardino, bang California của Mỹ. Ở đảo Ikaria, bữa sáng của cư dân có thể là một miếng bánh mì được làm từ bột nhào chua cùng vài quả ôliu và mứt chế biến từ đậu gà (chickpea, hay còn gọi là đậu răng ngựa). Còn ở Nicoya, bữa sáng của người dân thường là cơm ăn với đậu, tiêu và hành. Một khoanh bánh cà rốt, một quả đào tươi và một tách trà là khẩu phần ăn sáng của người dân sống trên đảo Okinawa, trong khi bữa điểm tâm của cư dân trên đảo Sardinia có phần “nặng” hơn: hai hay ba trái trứng bác, nửa quả bơ, sữa chua theo kiểu Hy Lạp cùng với ít quả mọng, hạt các loại, cà phê với kem. Còn chuyên gia ẩm thực trường thọ Dan Buettner ăn sáng ra sao? Sống luân phiên ở St. Paul, bang Minnesota, nơi chôn nhau cắt rốn và ở Santa Barbara, bang California, Dan Buettner ăn sáng khá đơn giản với bánh mì và xúp thịt.
Tuy nhiên, về đại thể thì chế độ ăn uống ở các Blue Zone là tương tự như nhau. Các bữa ăn ở các Blue Zone đều có nguồn gốc từ thực vật dù phần lớn cư dân tại các cộng đồng đó đều tích cực ăn chay. Lấy ví dụ: tại Loma Linda nơi khá nhiều cư dân là tín đồ của Giáo hội Cơ Đốc Phục Lâm (Seventh Day Adventists – một giáo phái Tin Lành), bữa ăn của họ thường không có thịt. Họ cũng ăn rất ít đường. Ở các Blue Zone, trái cây tươi, rau củ và hạt các loại đều rẻ, dễ kiếm, thêm nữa các bữa ăn được nấu trong bếp gia đình thay vì đi ăn hàng quán. Các bà nội trợ lại biết chế biến các nguyên liệu thực vật thành món ăn ngon, hấp dẫn và bổ dưỡng. Ngược lại, ở Mỹ theo lời Buettner: “Chúng ta không biết nấu món đậu cách nào cho ngon. Trong khi người Mỹ dựa vào thịt heo và tủy xương động vật để chế biến các món ăn hảo hạng thì người ta (cư dân Blue Zone) lại dựa vào các loại đậu”. Và như thế, mỗi khi cư dân Blue Zone có dịp tụ tập với nhau để cùng ăn thì họ quây quần bên một nồi hầm các loại rau đậu trồng trong vườn nhà hay mua từ các nông trại, thay vì một lò nướng ngoài trời. Họ ăn uống chậm rãi thay vì ăn kiểu fast food phổ biến tại Mỹ. Khi ăn họ không ngồi trước màn hình tivi hay vừa ăn vừa dán mắt vào iPhone, iPad hay laptop. Những bữa ăn như thế chắc chắn làm cho cuộc sống ngắn lại. Tốt nhất là rời khỏi mọi công việc khi đang ăn, điều đó cũng quan trọng không kém chọn những món ăn gì lành mạnh, tốt cho sức khỏe. Cũng theo Buettner, không hẳn người dân các Blue Zone không ăn thịt: “Họ mổ một con heo hay một con dê, nhưng đó là khi có đám cưới hay một dịp long trọng nào đó, không phải mỗi ngày”. Và bởi hiếm khi ăn món bít-tết nên họ cũng chẳng mấy khi uống rượu. Cư dân các Blue Zone là những người uống chất cồn rất điều độ, chỉ một hay hai ly mỗi ngày. Trên đảo Sardinia, người ta uống vang đỏ, trên đảo Okinawa người ta uống rượu sake. Và họ cũng uống cà phê.
Hãy chứa khoai lang trong nhà, làm đầy tủ đựng thực phẩm với các loại đậu. Hãy ăn sáng với bát bột yến mạch (oatmeal), thêm vào vài lát chuối, rắc lên trên ít hạt rồi rót vào bát ít sữa không kem cùng ít hạt quế. Đó là lời khuyên cho những ai muốn sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên chế độ ẩm thực lành mạnh không thôi chưa đủ, cần đi kèm với sự vận động, thể dục thể thao. Bản thân Buettner là một vận động viên xe đạp đường trường. Năm 1986, ông cùng anh trai Steve Buettner đã lập kỷ lục thế giới Guinness khi đạp xe xuyên châu Mỹ: họ đã đi hơn 25.000km, bắt đầu từ vịnh Prudhoe ở bang Alaska đến Tierra del Fuego ở Argentina. Năm 2008, sau khi đã công bố các Blue Zone, Dan Buettner muốn làm thử nghiệm tại một đô thị ở Mỹ và đã chọn Albert Lea, một thành phố nhỏ ở bang Minnesota. Kết quả thật đáng kinh ngạc, theo nhận định của ông Walter Willett, phụ trách khoa dinh dưỡng tại Trường sức khỏe cộng đồng Đại học Harvard. Sau thời gian tiến hành các thử nghiệm về chế độ dinh dưỡng và rèn luyện thể lực, có tới 80% cư dân Albert Lea tham gia đi bộ và đạp xe; 4% giảm hút thuốc lá và giảm 49% số người khai báo bệnh tật. Toàn bộ cư dân thành phố giảm được gần 5.500kg trọng lượng cơ thể và tuổi thọ của họ tăng thêm ba năm. Ngân sách dành cho y tế, chữa bệnh của thành phố giảm được tới 40%.
Bạn có thể ăn với một chế độ ẩm thực hoàn thiện, nhưng điều đó cũng chẳng giúp ích gì cho bạn nếu bản thân cuộc sống của bạn ngày ngày cứ trôi đi trong bốn bức tường vô hồn. Cuộc sống là giữa cộng đồng, và như ví von của Dan Buettner: “Có một thứ nước xốt bí mật, đó là sự kết hợp hài hòa của những người bạn”.