Nhóm cổ phiếu lớn dẫn dắt VN-Index đi lên
Một sự cố hy hữu đã diễn ra trong phiên ATC (từ 14g30 đến 14g45) ngày 22-1 khi đã hết 15 phút giao dịch mà các bảng giá điện tử của các công ty chứng khoán vẫn không hiện ra giá khớp lệnh cuối ngày, để làm giá tham chiếu cho ngày hôm sau. Nhiều tiếng đồng hồ sau khi (lẽ ra) kết thúc phiên ATC, các bảng điện tử vẫn chưa thể hiện ra kết quả.
Trước đó, từ hơn 14 giờ chiều, một số công ty chứng khoán kết nối đến HOSE đã bị lỗi khiến cho nhiều nhà đầu tư không thể nhập lệnh vào thị trường. Một số mã mất hiển thị toàn bộ lệnh mua – bán, hoặc nhảy sai giá khớp lệnh. Website của HOSE cũng không thể truy cập được, khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng.
VnEconomy dẫn lời ông Lê Hải Trà, Phó chủ tịch phụ trách Hội đồng Quản trị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho biết do lỗi từ máy chủ khớp lệnh của HOSE, nên đợt đóng cửa phiên giao dịch ngày 22-1-2018 đã không thực hiện được. Theo ông Trà, hiện có hai giải pháp xử lý vấn đề này, thứ nhất là tổ chức lại phiên khớp lệnh đóng cửa, thứ hai là sử dụng giá giao dịch gần nhất để làm giá tham chiếu cho phiên kế tiếp. Giải pháp tổ chức lại phiên giao dịch đóng cửa là phức tạp và không khả thi, do vậy, giải pháp thuận lợi hơn chính là sử dụng giá giao dịch gần nhất làm giá tham chiếu cho phiên kế tiếp theo quy chế đã có. Ông Trà cũng khẳng định, lỗi phát sinh hôm nay không phải do hệ thống giao dịch bị tấn công, mà là lỗi trong máy chủ giao dịch. Hệ thống giao dịch của HSX hoàn toàn được đảm bảo an toàn trước các rủi ro tấn công từ bên ngoài.
Như vậy, nếu giải pháp lấy giá khớp gần nhất làm giá tham chiếu cho phiên ngày mai được lựa chọn, VN-Index ngày 22-1 dừng ở 1.087,42 điểm, tăng 23,35 điểm (+2,39%) so với ngày trước đó.
VN-Index (tính đến trước phiên ATC) tăng rất mạnh nhưng độ rộng và thanh khoản của thị trường bị thu hẹp, số mã giảm nhiều hơn số mã tăng giá. Điều này chứng tỏ đã có một sự phân hóa sâu và chỉ có một nhóm cổ phiếu tăng mạnh quyết định đà đi lên của chỉ số. Cụ thể, VN-Index có mức tăng mạnh nhất kể từ đầu năm, nhưng thanh khoản lại giảm sút so với nhiều phiên gần đây khi chỉ có 266.108.654 cổ phiếu được giao dịch, trị giá 7.548,471 tỉ đồng. Không chỉ vậy, sắc xanh của thị trường bị thu hẹp đáng kể và trong suốt ngày giao dịch, số mã giảm giá tỏ ra áp đảo. Kết phiên, chỉ 137 mã tăng giá so với 162 mã giảm giá.
Vì sao một phiên “xanh vỏ đỏ lòng” điển hình như vậy lại giúp VN-Index có mức tăng đột biến? Đó là nhờ mức tăng quá mạnh của nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn. Trong nhóm VN-30, GAS và VJC tăng trần, các mã lớn khác như BID, BMP, BVH, FOT, HPG, KBC, MSN, NVL, PVD, SSI, VCB, VNM,… đều tăng giá ấn tượng. Chính điều này đã kéo VN-Index đi lên gần như trong suốt ngày giao dịch.
Tuy nhiên, với sự cố trong phiên ATC như vậy, tâm lý nhà đầu tư chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng và điều này có thể tác động đến phiên giao dịch 23-1 theo chiều hướng khó đoán định.