Không có gì để phàn nàn với thị trường chứng khoán nước ta trong giai đoạn đầu năm 2018. VN-Index đạt được mốc 1.000 điểm ngay từ ngày 3-1, đến ngày 12-1, mốc 1.050 điểm bị vượt qua. Sau mỗi tuần, VN-Index lại có thêm một bước tiến mới, với những phiên giao dịch cực kỳ sôi động, thanh khoản tưng bừng. Nếu như trong năm 2017, phải nhờ những phiên bùng nổ gần cuối năm thì giá trị giao dịch trung bình mỗi ngày trên HSX mới đạt khoảng 5.000 tỉ đồng, thì hiện những ngày giao dịch có thanh khoản trên 7.000 tỉ, rồi 8.000 tỉ, 9.000 tỉ đồng… dần trở nên quen thuộc. Thế nhưng, vẫn có nhiều nhà đầu tư không được hưởng thành quả gì từ sôi động đó cũng như sự đi lên của thị trường. Đâu là lý do?
Đầu tiên, đó là những nhà đầu tư kiên định với sự lựa chọn một vài cổ phiếu trong dài hạn. Những cổ phiếu này tuy thuộc dòng cơ bản nhưng ít tiếng tăm, hay nói đúng hơn là không “nóng” nên chưa thu hút được dòng tiền. Bởi vậy, suốt trong giai đoạn VN-Index tăng ào ào, tài khoản của những nhà đầu tư này gần như không thay đổi, thậm chí còn giảm.
Đa phần dòng tiền trong giai đoạn VN-Index tăng trưởng thần tốc (từ tháng 8-2017) chỉ tập trung vào một số nhóm cổ phiếu và “đẩy” giá của nhóm này ngày càng tăng cao. Đầu tiên là cổ phiếu của các doanh nghiệp được Nhà nước thoái vốn, tiếp đến là những cổ phiếu đầu ngành, các bluechip vốn được khối ngoại ưa chuộng. Khoảng vài tháng gần đây, đến lượt dòng ngân hàng và bất động sản nhận được sự quan tâm đặc biệt. Đa phần cổ phiếu ngân hàng và một số cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản được cho là có kết quả kinh doanh tốt đã được dòng tiền tập trung và tăng giá mạnh. Nhìn chung, trên thị trường, chỉ chưa đầy một nửa số cổ phiếu được dòng tiền quan tâm và có cơ hội tăng giá. Chính vì vậy, có khá ít cơ hội cho những nhà đầu tư thuộc nhóm kiên định và không chọn các cổ phiếu đang là xu hướng tìm được lợi nhuận.
Nhóm nhà đầu tư thứ hai, dù chọn đúng cổ phiếu đang được thị trường chú ý nhưng vẫn “lên bờ xuống ruộng”, thậm chí có thể “cháy tài khoản” nếu xài margin, do vào – ra sai nhịp và thường “bỏ mồi bắt bóng”. Cổ phiếu dù có nóng đến mấy thì cũng phải dao động lên xuống (dĩ nhiên là theo chiều hướng tăng). Nhà đầu tư dạng này thường mua đuổi (giá cao) cổ phiếu A xong, khi hàng về tài khoản, thấy A đi xuống trong lúc cổ phiếu B thì tăng vùn vụt. Bán ngay A để “chuyển hàng”, đến khi B về đến tài khoản thì giá của B không còn tăng nữa, thậm chí có thể giảm mạnh. Lại bán, rồi mua… và đuổi theo hành trình kiếm tìm lợi nhuận trong vô vọng.
Nhà đầu tư thuộc dạng thứ ba tuy không “đứng núi này trông núi nọ” như nhóm thứ hai, nhưng thường bị tác động bởi tâm lý hoảng sợ bầy đàn. Đứng trước một “cú rơi” trong phiên của thị trường (khi các lệnh bán được đổ vào ồ ạt, giá cổ phiếu đi xuống rất nhanh), nhà đầu tư dạng này thường lo một viễn cảnh đen tối là thị trường bắt đầu vào giai đoạn điều chỉnh, không chỉ một phiên mà là nhiều phiên… Thế là họ vội vàng bán ra cổ phiếu đang nắm giữ, bất chấp khoản lỗ nếu có. Những ngày vừa qua, thị trường thường xuyên có những cú rơi như vậy, đôi khi chỉ mươi phút cũng đủ khiến VN-Index rớt 10-15 điểm, hoặc một cổ phiếu đang “xanh” (tăng điểm) biến thành giảm sàn. Dĩ nhiên, khi cổ phiếu ấy thực sự “dính phốt” và sự điều chỉnh có thể kéo dài, hành động cắt lỗ này là đúng. Nhưng thông thường, với các cổ phiếu lành mạnh, đang tăng trưởng tốt, thì những dằn xóc kiểu “vấp ổ gà” ấy thường đến nhanh và đi cũng nhanh. Nhà đầu tư cần thận trọng với những pha rung lắc như vậy, nếu không muốn xóa đi những thành quả đạt được trước đó.