Sau 11 tháng liên tục tăng trưởng tích cực, các chỉ số chính thị trường chứng khoán nước ta đã sụt giảm trong phần đầu của tháng 12. Từ mức 970,02 điểm khi kết thúc phiên 4-12, VN-Index đã giảm còn 917,45 điểm khi hết phiên 11-12, mất 52,5 điểm (5,4%) chỉ sau một tuần, thậm chí còn bị mất mốc 900 điểm trong phiên 12-12 (sau đó kịp hồi phục về cuối phiên). Cùng thời gian này, HNX-Index cũng mất 4,97%. Trong nửa đầu tháng 12 đầy khó khăn với thị trường chứng khoán, khi điểm số và thanh khoản đều sụt giảm, khối ngoại lại bán ròng, thì điểm sáng duy nhất chính là dòng tiền bắt đáy vẫn đang hoạt động khá tích cực. Dù áp lực xả hàng vẫn còn chực chờ và có thể kích hoạt vào bất cứ thời điểm nào trong các phiên giao dịch, thì cường độ bán tháo đã giảm đáng kể. Không những thế, trong các phiên phục hồi, sắc xanh đã lan tỏa khá rộng, số mã tăng điểm tỏ ra áp đảo mã giảm điểm.
Có thể chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn tới đợt lao dốc vừa qua, như vụ việc liên quan đến các cựu lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, kéo theo các tin đồn về nhóm ngân hàng, rồi tỷ lệ margin đang ở mức cao, khối ngoại chuyển sang bán ròng… Thông tin hỗ trợ lại không có, do mùa công bố kết quả kinh doanh chưa đến, trong khi hoạt động thoái vốn nhà nước lại không như kỳ vọng. SCIC chỉ bán được hơn 5% cổ phần tại Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG), rồi kế hoạch thoái vốn tại FPT, BMP, NTP bị trì hoãn… Tuy nhiên, có một lý do lớn nhất, đó là sau giai đoạn tăng nóng của VN-Index, giá một số bluechip trở nên đắt đỏ, lực cầu cổ phiếu giá cao trở nên yếu ớt trong khi thị trường rất dễ đảo chiều trước thông tin tiêu cực.
Yếu tố tích cực trong giai đoạn giảm điểm là dòng tiền vẫn không ngừng ra – vào để tìm kiếm cơ hội và luân chuyển mạnh mẽ giữa các nhóm cổ phiếu. Điều thú vị là trong phiên 12-12 “chao đảo” với biên độ hơn 30 điểm, giá trị giao dịch khớp lệnh trên sàn HSX tăng đến 35,6% so với phiên liền trước, tăng 18,5% so với trung bình tháng 11-2017, còn khi VN-Index “mạnh” lên trong hai phiên sau đó thì thanh khoản lại giảm xuống. Điều này cho thấy rất nhiều nhà đầu tư đang chờ đợi và chỉ chấp nhận mua cổ phiếu… giá rẻ. Tất nhiên, chỉ là rẻ tương đối so với giá của cổ phiếu khi VN-Index ở vùng giá cao ngất 970 điểm mà thôi, chứ so với một năm trước thì giá cổ phiếu đã trở nên đắt đỏ. Vậy nên, dưới góc nhìn lạc quan thì giai đoạn điều chỉnh mạnh của thị trường đã và đang tạo cơ hội cho nhiều nhà đầu tư tìm kiếm những cổ phiếu triển vọng nhằm chuẩn bị cho một chu kỳ tăng trưởng mới, thường bắt đầu từ đầu năm.
Rất có thể VN-Index đã tạo đáy quanh mốc 900 điểm, dù với các chỉ báo kỹ thuật hiện nay cộng với mức thanh khoản chưa cao, thị trường vẫn tồn tại khả năng xuất hiện vài phiên điều chỉnh nhẹ. Xu thế tăng điểm trong ngắn hạn vẫn là điều mà thị trường chứng khoán đang hướng tới.
Áp lực tâm lý của một giai đoạn căng thẳng dường như đã được gỡ bỏ, đặc biệt sau phiên tăng điểm mạnh đầu tuần (18-12). Với những nhà đầu tư đang kiếm tìm cơ hội, việc quan trọng lúc này là chọn lựa đúng cổ phiếu để tích lũy cho danh mục của mình. Các bluechip, đặc biệt là cổ phiếu giảm giá nhiều trong những ngày vừa qua là sự lựa chọn không tồi. Nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, dầu khí, thép, cao su… cũng xứng đáng nhận được sự quan tâm, bởi nhiều doanh nghiệp trong số này đã sớm hoàn thành kế hoạch kinh doanh cả năm. Các doanh nghiệp hoạt động theo dự án như bất động sản, xây dựng – xây lắp,… có thể xuất hiện sóng mạnh, do quyết toán công trình thường rơi vào quý cuối năm, giúp doanh nghiệp có những khoản lợi nhuận đột biến.