Phương tiện sử dụng trong offroad khá đa dạng: xe đạp, môtô, ôtô… Thế nhưng ở Việt Nam, nói đến offroad là người ta nghĩ ngay đến thú chơi ôtô địa hình.
Từ offroad dưới nước
Một buổi sáng mát mẻ tháng 8-2011, ba chiếc Jeep lùn A2 đã làm được một điều khó tin: “ngụp lặn” trong nước hồ Suối Quýt (Long Thành, Đồng Nai). Từ trước đến nay, dân lái xe địa hình luôn cố không để chiếc xe lội nước nhằm tránh bị hỏng hệ thống điện, hệ thống treo và lái, động cơ, mòn cầu – hộp số. Trên thực tế, một số nhân vật kỳ cựu của Câu lạc bộ Xe hơi Việt Nam (XV) đã phá hỏng nhiều xe do hăng hái biểu diễn trong nước. Đến một số người nước ngoài, với thâm niên chơi offroad trên dưới mười năm, cũng tỏ ra bất ngờ với việc cho xe “bơi” trong nước.
Trên bãi đất trống vừa mới cày xới bên hồ Suối Quýt, người dân xung quanh kéo đến ngày càng đông. Ba chiếc Jeep lùn, trong đó có xe của anh Đỗ Duy Đức, thành viên Câu lạc bộ Vietjeep, từ từ chạy về phía hồ. Mực nước bắt đầu phủ dần lên bốn bánh xe, rồi lên đến bụng người lái… Tiếng reo hò của khán giả khiến những người đang điều khiển xe dưới nước càng phấn khích hơn. “Dòng nước mát lạnh lùa vào áo rồi tuôn ra, tạo một cảm giác hưng phấn đến lạ, như một sự mơn trớn dịu dàng vậy”, anh Duy Đức cho biết.
Từ từ, ba chiếc xe dần biến mất trong lòng hồ, chỉ còn trông thấy nhấp nhô trên mặt nước là chiếc mui xe và ống khói (dân chơi xe mạo hiểm gọi là “ống thở”) cao khoảng 10cm. Mặt nước hồ đã lên cao quá cổ người lái xe. Người chơi chỉ còn duy nhất một cảm giác sung sướng tột độ, được ví như cảm giác mang lại từ một chuyến du lịch đến mười nước châu Âu miễn phí trên chuyên cơ thượng hạng và ở khách sạn hạng nhất. Giây phút đó, nước hồ thấm vào miệng bỗng ngọt và thơm như ly rượu vang mừng một kỷ lục mới.
Sau khi lên được trên bờ, các tài xế mới vui mừng hét lên: “Aaaaa, quá đã!”.
– Không sợ xe “nằm” luôn dưới nước à?
Anh Duy Đức, người sở hữu chiếc Jeep sản xuất năm 1969, cho biết:
– Cảm giác sướng “ăn đứt” cảm giác sợ rồi. Thực ra cũng phải “hiểu” chiếc xe mình chứ. Hầu hết những xe đời mới đều không thể chạy ở mực nước cao. Chỉ có dòng Jeep lùn nguyên bản với bình xăng, ống thở, dinamo, bộ phận chia lửa gin, có khả năng chống thấm nước cao. Chỉ cần tạo thêm ống thở lên trên cho hộp số và hai cầu (bộ phận truyền động đến bốn bánh xe) là xe có khả năng chạy được trong nước”. Tuy nhiên, đã “bơi” dưới nước thì chắc chắn xe cũng cần sửa chữa đôi chút. Nhưng một khi đã có được cảm giác sung sướng thì chi phí sửa xe chỉ là “chuyện nhỏ”.
Nói rồi anh cười ha ha, trông khoái chí lắm.
“Phải hiểu rõ lòng hồ Suối Quýt khá phẳng, đất không lún, sâu dần từ trong ra ngoài, không có chỗ trũng thì đoàn mới an tâm thực hiện chuyến offroad vừa rồi”, Duy Đức cho biết thêm. Đoàn đã có một kinh nghiệm xương máu từ lần đi biển Tân Thành, Gò Công (tỉnh Tiền Giang) vào đầu năm 2011.
Lần ấy, trong một lúc cao hứng, chủ nhân hai chiếc Jeep lùn thi tài xem ai chạy cách bờ xa hơn. Sau màn chào hỏi, hai chiếc xe bắt đầu chạy giật lùi từ bờ cát ra phía biển trong tiếng reo hò không ngớt của khán giả. Đến khi nước lên quá nửa kính xe, chiếc Jeep mui trần chịu thua, chạy vào trước. Chiếc kia vẫn tiếp tục tiến ra xa mà không chú ý xe đang dần tiến vào một cái rãnh khá sâu từ đồng tôm kéo dần ra biển. Đến khi cảm giác xe nhẹ bỗng đi và không thể điều khiển được nữa thì những con sóng bắt đầu kéo chiếc xe ra xa. Mọi người trong bờ vẫn không hay biết gì cho đến khi tài xế ngoi đầu lên kêu cứu, ai đó mới hốt hoảng la lên: “Hình như tài xế không biết bơi”. Ngay lập tức, ba người trong đoàn vội vàng lao ra dìu tài xế vào bờ. Kết quả, chiếc xe bị nước biển tàn phá nghiêm trọng và mọi người có được một kỷ niệm đáng nhớ.
Đến offroad trên cạn
So với offroad dưới nước thì offroad trên cạn phổ biến hơn vì ngoài Jeep, nhiều dòng xe khác đều tham gia được như: Toyota Land Cruiser, FJ Cruiser, Hilux, 4Runner, Isuzu Dmax, Trooper, Mitsubishi Pajero, Triton, Nissan Navara, Terano, Patrol, Ford Ranger… tùy theo sở thích và túi tiền của chủ nhân.
Gặp Phan Ngọc Minh – một thành viên lâu năm của Câu lạc bộ Xe hơi Việt Nam (XV), từng tham gia nhiều chuyến vượt địa hình trong 3-4 năm qua đồng thời sở hữu một công ty chuyên nâng cấp các loại xe địa hình, anh rủ rê tôi:
– Đi offroad một chuyến không?
– Nghe nói nguy hiểm lắm…
– Tất nhiên rồi. Không khó khăn, không nguy hiểm thì không gọi là offroad. Có như vậy mới phân biệt được offroad với phượt chứ. Cũng là khám phá những địa điểm mới, những cung đường mới như phượt nhưng offroad chọn đi những con đường khó khăn, hiểm trở hơn. Phương tiện dùng trong offroad cũng cầu kỳ và cần đầu tư nhiều hơn.
– Đổi lại, người tham gia sẽ được gì?
– Được chơi, được vui, được chinh phục thiên nhiên rộng lớn và chinh phục chính mình. Mỗi người đều sẽ trải qua gần như tất cả các cung bậc cảm xúc của mình trong mỗi chuyến đi như: vui, buồn, lo lắng, sợ hãi, tức giận, hy vọng, hạnh phúc… Ngày trước, mỗi lần muốn đi offroad tôi đều phải năn nỉ vợ nhiều lần. Vậy mà chỉ sau một lần cùng chồng tham gia chuyến Mộc Châu nhân dịp 30-4-2010, chuyến đi nào của tôi cô ấy cũng đòi theo.
Dân offroad Sài Gòn và Hà Nội đều có ấn tượng về chuyến offroad Mộc Châu năm ấy, không chỉ vì lực lượng tham gia “khủng” – 26 chiếc xe đủ màu sắc và chủng loại như: BJ, Isuzu Dmax, Mitsubishi Triton, Pajero, Suzuki Tracker, Toyota FJ Cruiser, Land Cruiser… mà còn về mức độ nguy hiểm của các con đường.
Đường càng nhầy nhụa, trơn trượt càng hấp dẫn người tham gia offroad. Có tài xế ví von sự cảm nhận hơi nóng của xe cộng với mùi “côn” cháy quyện với mùi bùn non, ngấm vào da thịt, giống như cảm giác được xông hơi trong bồn gỗ sồi với nước tinh khiết và hương hoa quế. Do đó, những đoạn đường đầu tiên trong chuyến đi Mộc Châu là dốc lầy lội, lởm chởm đá với sống trâu lớn (do xe Gaz69 thồ hàng đi qua để lại hai rãnh rất to và sâu, xe nào để hai bánh lọt xuống sống trâu thì gầm sẽ bị đội, xe khó thoát ra được) hay đường mà đá nhọn cao quá gầm xe hoặc bị bào mòn đến cụt đầu, sáng bóng, trông rợn cả người, vẫn không làm dân chơi xe địa hình nao núng. Khi cả người và xe hòa nhập vào nhau thì bốn bánh xe là hai tay và hai chân, từng nhịp của động cơ rung lên cùng con tim trong lồng ngực, tài xế như đang thăng hoa thật sự, tất cả các giác quan cùng căng lên để cảm nhận từng centimet đường đang thay đổi dưới bốn chiếc bánh xe.
Chỉ đến khi trời vừa sụp tối, đoàn xe phải qua một vũng lầy rộng và sâu nhất trong chuyến đi, toàn là đường sống trâu và đá hộc lởm chởm, có thể làm bể cầu (trục truyền động cho bánh xe) hoặc làm bánh xe bê bết sình dễ bị trượt dài. Lúc này, hầu hết mọi người đã quá mệt và đói, trong khi điện thoại cầm tay và bộ đàm đều không liên lạc được. Mồ hôi bắt đầu túa ra, ướt đẫm người lái xe, mặt mấy anh “chã” (người hỗ trợ lái xe khi cần, làm hoa tiêu và quan trọng nhất là kéo tời – cáp cứu hộ) trở nên căng thẳng khi hầu hết xe đều nhờ tời mới qua nổi. Thêm vào đó, thiết bị rotuyn (khớp nối trong hệ thống treo của xe) của chiếc Trooper bỗng gãy đôi khiến hai thành viên trong đoàn phải quay ngược trở lại Mộc Châu để hàn.
Trong đêm tối mịt mùng, ai nấy đều đói và khát. Tìm quanh không có con sông, suối nào. Đoàn chở lương thực lại ở nhóm cuối. May mắn thay, nhờ có 20 lít nước còn sót lại trên xe mà năm mươi người có được những tô mì gói nấu chín để tạm qua cơn đói. Anh Minh nhớ lại hình ảnh những người chưa quen biết nhau đến từ hai miền đất nước, nghề nghiệp, địa vị xã hội khác nhau, quần áo lấm lem, cùng xì xụp ăn mì trong rừng thật thú vị.
Quá nửa đêm. Trời bắt đầu mưa nặng hạt, đoàn bắt đầu tìm đường ra thị trấn. Ngọc Minh kể: “Tôi lái một trong hai chiếc xe dẫn đường. Tâm trạng ngổn ngang vì đói, mệt, căng thẳng, mà bà xã ngồi bên cạnh mê man vì sốt cao”. Đèn pha được bật hết công suất. Trước mặt cả đoàn lại mở ra một con dốc sình lầy trơn trượt với một bên là vực sâu hun hút. Thần kinh của các tài xế và chã trở nên căng thẳng tột độ. Không còn nghe tiếng ai trên bộ đàm. Chiếc BJ không có mui nên cả tài xế và năm chã hứng trọn cơn mưa như trút nước. Đoàn xe nối đuôi nhau ì ạch bò xuống con dốc với vận tốc 1km/g. Vài xe bị trượt sình, vắt ngang dọc trên con dốc. Bỗng chiếc Land Cruiser bị mất thắng, lia đến sát bên bờ vực thẳm khiến cả đoàn một phen thót tim. May mà tai nạn không xảy ra. Chưa hết, nhiều xe liên tục chết máy. Một chiếc lại hỏng bơm xăng, phải kéo bằng tời. Chặng đường 17km còn lại bỗng dài như vô tận. Cả đội dìu nhau đi trong sự căng thẳng đến tột cùng.
Hơn năm giờ sáng, khi ánh ban mai xuyên qua làn sương mù, tất cả xe mới an toàn ra khỏi rừng. Anh em ôm chầm lấy nhau sung sướng. Từng người lặng lẽ cởi đôi giày bê bết bùn đất, lăn ra sàn, một giấc ngủ ngon đến ngay sau đó. “Offroad là vậy, khó có từ nào chuyển tải hết được ý nghĩa của nó”, anh Ngọc Minh kết luận.
“Độ” xe để offroad
Theo anh Ngọc Minh, trong offroad, kinh nghiệm và khả năng của người cầm lái sẽ quyết định phân nửa thành công của chuyến đi, phân nửa còn lại được quyết định bởi chiếc xe. Một số anh em offroad còn khẳng định: Chiếc xe tử tế cũng giống như một cô vợ tử tế vì có thể làm mình an tâm và sung sướng! Xe mới hay xe cũ đều có thể tham gia nhưng hầu hết xe muốn đi offroad chuyên nghiệp đều phải nâng cấp hay còn gọi là “độ” lại.
Chi phí “độ” xe từ một vài trăm đến sáu bảy trăm triệu đồng, chiếm khoảng 1/3 giá trị chiếc xe. Đầu tiên, bắt buộc phải là xe hai cầu có chế độ cầu chậm 4L. Thứ hai, xe cần trang bị thêm ống thở lên cao, tránh trường hợp xe bị tắt máy, lột dên, vỡ lốc máy khi lội nước. Chi phí cho ống thở từ 9,4-14,7 triệu đồng, những dòng hiếm như Jeep Cherokee, Wrangler là đắt đỏ nhất. Thứ ba, xe muốn đi địa hình đa dạng phải nâng cấp dàn gầm, bao gồm: phuộc giảm xóc với một trong các bộ phận nhíp, lò xo, thanh xoắn. Chi phí cho việc thay nguyên hệ thống giảm xóc từ 29,4-33,6 triệu đồng. Thứ tư, một bộ phận không thể không trang bị cho xe là tời.
Hầu hết xe muốn đi offroad cần có tời điện, chi phí từ 16-30 triệu đồng. Lốp xe cũng là bộ phận cần thay đổi. Xe offroad thường sử dụng lốp AT và MT. Lốp AT gai to và cứng, bền, chịu được cả đinh và đá nhọn. Lốp MT đi tốt trên những con đường sình lầy nhờ gai to, cứng nhưng khá mắc tiền và gây hao xăng. Giá lốp xe từ 7,3-11,5 triệu đồng.
Do những quy định khắt khe về kiểm định nên phong trào độ xe offroad ở Việt Nam chỉ nằm trong giới hạn mà cơ quan đăng kiểm cho phép, dân chơi offroad Việt Nam chưa thể làm những chiếc xe “khủng long” như ở nước ngoài, mặc dù kinh nghiệm và trình độ hoàn toàn đáp ứng được.
Offroad không dành cho người thích tươm tất vì cả xe lẫn người sẽ lấm lem bùn đất và không thể thiếu vài lỗ thủng trên quần áo, giày dép do gai rừng để lại. Nhưng môn chơi này hoàn toàn không chỉ dành cho những người thích mạo hiểm với việc đem sức khỏe đổi mạng sống của mình.
Trong offroad, vấn đề an toàn là quan trọng hơn mọi thứ khác. Một điều lôi cuốn họ là qua những chuyến đi, các thành viên trong đoàn còn mang theo nhiều lương thực, quần áo, sách, truyện cho đồng bào khó khăn đang sinh sống ở những vùng miền xa xôi. Tháng 2-2012, Câu lạc bộ Offroad Việt Nam đã chính thức được cấp giấy phép, công nhận là một môn thể thao bổ ích, thú vị và cần được phát triển sâu rộng hơn. Sau hơn ba năm hoạt động theo từng nhóm đơn lẻ, Câu lạc bộ Offroad Sài Gòn đã chính thức ra mắt vào chiều ngày 31-3-2012 tại Hội quán Xe cổ Suối Mơ (Quận 9).
Câu lạc bộ sẽ thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, tọa đàm tại Trung tâm Thể dục Thể thao Quận 9 để các thành viên có dịp trao đổi, học hỏi lẫn nhau đồng thời liên tục kết nạp các thành viên mới. Dân offroad hứa hẹn sẽ được hỗ trợ cọ xát với các tay lái trong và ngoài nước, giao lưu học hỏi, tiến tới thi thố tài năng với những người cùng sở thích của các nước trong khu vực và quốc tế.