Nằm trong diện điều chỉnh giảm đợt này là những loại lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu, lãi suất tiền gửi từ một tháng đến dưới 12 tháng, lãi suất cho vay ngắn hạn với một số lĩnh vực cần ưu tiên… Tất cả đều giảm 1%/năm so với hiện nay. Như vậy, đã có năm lần hạ trần lãi suất tiền gửi trong năm 2012, từ 14%/năm hồi đầu năm đã xuống 8%/năm vào cuối năm. Lần giảm lãi suất lần này được Ngân hàng Nhà nước lý giải là nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế nói chung, hoạt động sản xuất – kinh doanh nói riêng, theo chủ trương của Chính phủ. Tình hình kinh tế cuối năm chưa tốt đẹp, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, sức mua của thị trường ở mức thấp, hàng tồn kho còn cao, khả năng hấp thụ nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng của các doanh nghiệp còn hạn chế…
Vấn đề giảm lãi suất đã được đề cập từ cuối tháng trước, khi số liệu thống kê cho thấy lần đầu tiên trong nhiều năm lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động đã lớn hơn số đăng ký mới. Trong phiên họp thường kỳ diễn ra vào thượng tuần tháng 12, Chính phủ cũng tỏ ra kiên quyết hơn với việc giảm lãi suất. Đặc biệt, trong hai chuyến làm việc của Thủ tướng Chính phủ với đại diện chính quyền và doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội nhằm tháo gỡ khó khăn cho bất động sản tuần trước, vấn đề hạ lãi suất đã được đề cập như là một trong những giải pháp “cần làm ngay”.
Việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm đã được kiềm chế cũng là điều kiện để các nhà điều hành tiếp tục hạ trần lãi suất. Chỉ số CPI của TP. Hồ Chí Minh năm 2012 vừa công bố chỉ tăng 4,07%, còn Hà Nội khoảng 6,3%. Như vậy, lạm phát ở hai thành phố lớn nhất nước năm nay thấp hơn nhiều so với mức tăng hai con số của năm 2011. Cũng vì thế mà chỉ số CPI của cả nước năm 2012 dừng ở dưới 7%, thấp hơn con số mục tiêu 8% mà Chính phủ cần phải đạt được.
Những thông tin lãi suất và lãi suất cùng giảm dĩ nhiên là rất tích cực, vì lãi suất và lạm phát cao suốt thời gian dài là gánh nặng của cả người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế. Tuy nhiên, khi thông tin tốt ấy còn chưa kịp tác động đến đời sống xã hội thì lại có những áp lực tăng giá cho năm mới. Bộ Công thương vừa cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 5% và bắt đầu áp dụng từ ngày 22-12. Tác động của việc tăng giá điện đến người dân là tác động kép, vì điện là chi phí đầu vào của tất cả các ngành sản xuất – dịch vụ. Việc tăng giá điện vào thời điểm này sẽ khiến giá hàng hóa dịp tết tăng thêm, tạo áp lực cho người dân vốn đã khó khăn, chứ không chỉ đơn thuần mỗi gia đình phải trả hơn so với trước mấy chục ngàn đồng tiền điện như tính toán của EVN. Không những thế, có khả năng giá điện trong năm 2013 còn tăng hơn mức tăng của năm nay, khi gánh nặng lỗ 26 ngàn tỉ đồng chênh lệch tỷ giá của EVN đến nay mới chỉ được bù ba ngàn tỉ đồng, mà theo yêu cầu của Chính phủ khoản nợ này phải tính toán hết vào giá điện từ nay đến năm 2015. Nghĩa là trong ba năm tới, mỗi năm cơ cấu đầu vào tính giá điện sẽ phải gánh thêm sáu, bảy ngàn tỉ đồng, chưa kể các khoản lỗ kinh doanh phát sinh khác của EVN. Thông tin tốt từ lãi suất và lạm phát giảm nhưng nỗi lo tăng giá trong năm mới vẫn hiển hiện là vì vậy.
Minh Hằng