Tuần lễ Cấp cao APEC không ngoài dự đoán đã giúp thị trường chứng khoán nước ta chinh phục đỉnh cao mới kèm mức thanh khoản kỷ lục, trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới không có nhiều biến động. VN-Index đã khép lại một tuần hoàn hảo tại 868,21 điểm, tăng đến 24,48 điểm (2,9%) so với một tuần trước đó. Sau thời gian dài làm mưa làm gió, ROS đã không còn trong nhóm dẫn dắt, thậm chí còn thuộc Top 10 mã giảm mạnh nhất; nhóm cổ phiếu giúp VN-Index tăng vọt là VNM, VIC, VCB, VJC, GAS… với tâm điểm là VNM (Công ty cổ phần Sữa Việt Nam). Trong phiên giao dịch ngày 10-11 cổ phiếu này tăng trần, lên 173.800 đồng, với khối lượng khớp lệnh gần 9,3 triệu cổ phiếu (gần 8,6 triệu cổ phiếu do khối ngoại mua vào). Nhóm dầu khí như GAS, PVD, PVS, PVT, PXS… cũng hút dòng tiền nhờ thông tin giá dầu thế giới hồi phục (giá dầu tăng do những rủi ro chính trị từ Ả Rập Xêút với hàng loạt quan chức và thành viên hoàng gia bị bắt giữ, nhưng sau đó giảm trở lại khi thống kê cho thấy có sự gia tăng trữ lượng dầu thô của Mỹ). Tuần lễ Cấp cao APEC cũng ghi nhận kỷ lục về dòng tiền trong lịch sử chứng khoán nước ta khi VRE (Công ty cổ phần Vincom Retail) “gây sốc” trong phiên 7-11: chỉ trong hai tiếng rưỡi giao dịch, thanh khoản trên HSX đã đạt gần 19.000 tỉ đồng, riêng VRE là 16.861 tỉ đồng (cần nhớ rằng trên HSX, mức giao dịch trên 3.000 tỉ đồng/phiên đã được xem là trung bình). Như vậy, chỉ mới chào sàn, VRE đã trở thành cổ phiếu có vốn hóa lớn thứ sáu trên thị trường và sẽ là một trong những cổ phiếu có tầm ảnh hưởng lớn trên sàn chứng khoán thời gian tới.
Thị trường nước ta hưng phấn khá “lệch pha” với thế giới, khi các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ và châu Âu đều giảm điểm. Vậy nên, có thể gọi đợt tăng điểm mạnh này của VN-Index là “sóng APEC”, có tính tức thời. Dĩ nhiên, nếu các cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục duy trì trạng thái tăng này trong một vài tuần, hoặc giữ vững ở vùng giá 870 điểm của VN-Index, thì nhịp tăng ấy sẽ là tiền đề cho một cuộc bứt phá mạnh dịp cuối năm. Còn nếu có một nhịp điều chỉnh diễn ra, điều này không tạo sự ngạc nhiên, thị trường vẫn sẽ đi lên trong trung hạn, bởi dòng tiền dường như đang sẵn sàng đổ vào chứng khoán.
Việc các cổ phiếu mới lên sàn ở mức giá rất cao và thường xuyên trong tình trạng khan hiếm chứng tỏ dòng tiền đầu tư vẫn còn khá dồi dào. Đặc biệt, phải kể đến dòng tiền từ khối ngoại, họ đang cho thấy một sự tăng tốc để vào mùa săn hàng cuối năm. Trong sự hưng phấn của thị trường chứng khoán nước ta, nhà đầu tư nước ngoài đã có một tuần mua ròng kỷ lục với giá trị lên tới gần 7.900 tỉ đồng trên cả ba sàn giao dịch. Diễn biến này hơi khác với chính họ trong giai đoạn gần đây (bán ròng khi VN-Index đi lên và mua vào trong những phiên thị trường giảm điểm). Dù sự đột biến trong giao dịch của khối ngoại mới tập trung vào VRE, VNM và tiếp đó là BID, nhưng việc nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng “chơi lớn” khi VN-Index thiết lập những mức đỉnh mới cũng khiến cho nhiều nhà đầu tư cá nhân tự tin hơn trong việc mua bán cổ phiếu.
Trong bối cảnh ấy, chiến lược hợp lý vẫn là mua và nắm giữ cổ phiếu chất lượng, có triển vọng kinh doanh khả quan trong năm tới, dù rằng việc thay đổi danh mục mỗi khi thị trường điều chỉnh vẫn nên được quan tâm. Cổ phiếu tốt giá rẻ dĩ nhiên không còn nhiều, vậy nên, nhà đầu tư có thể tìm ra những cổ phiếu ưng ý thông qua tiêu chuẩn về vốn hóa, hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, các chỉ tiêu tài chính… Nếu cổ phiếu ấy đang ở vùng giá cao, thì cần xét đến khả năng tăng trưởng trong tương lai.
- Thanh Long