Hội nghị tổng kết quan chức cao cấp (CSOM) tại Đà Nẵng, kéo dài trong hai ngày 6 và 7-11, với sự tham gia của hơn 200 đại biểu, mở đầu cho các hoạt động của Tuần lễ cấp cao APEC 2017.
Hội nghị rà soát lại các kết quả đạt được trong hơn 11 tháng triển khai các hoạt động của năm APEC 2017 và hoàn tất công tác chuẩn bị về mọi mặt như chương trình nghị sự, nội dung văn kiện và các vấn đề liên quan của Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế APEC lần thứ 29 và Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25 sẽ diễn ra trong vài ngày tới.
Chủ tịch SOM APEC 2017 Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định trong tình hình kinh tế toàn cầu, đặc biệt khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang phục hồi vững chắc hơn, các nền kinh tế thành viên đều nỗ lực giữ đà hợp tác và đạt đồng thuận trên nhiều vấn đề, góp phần triển khai chủ đề và bốn ưu tiên hợp tác của năm 2017 cũng như các chương trình, kế hoạch hợp tác dài hạn mà APEC đang triển khai.
Chủ tịch SOM đề nghị hội nghị tập trung đánh giá tiến triển của hợp tác APEC trong năm 2017 cùng những kết quả sẽ được báo cáo lên các bộ trưởng và các nhà lãnh đạo kinh tế APEC, đồng thời hoàn tất các nội dung chuẩn bị cho Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế APEC và Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC.
Tuần lễ cấp cao APEC là hoạt động cuối cùng và quan trọng nhất trong Năm APEC 2017. Ước tính khoảng 12.000-14.000 đại biểu của 21 nền kinh tế thành viên tham gia, trong đó có 2.000 đại biểu chính thức, 5.000 doanh nghiệp sẽ tham gia sự kiện này.
Các bài phát biểu quan trọng trong dịp này là của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Đà Nẵng được chọn là nơi tổ chức APEC lần thứ 25 bởi đây là một trung tâm kinh tế năng động của cả nước, qua đó giới thiệu với lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC về một Việt Nam năng động, hội nhập quốc tế sâu rộng, trong đó Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam là trung tâm của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.
APEC 2017 diễn ra trong bối cảnh môi trường khu vực và quốc tế có nhiều diễn biến mới, thế và lực của Việt Nam cũng đã thay đổi rất nhiều. Qua việc đăng cai APEC 2017, Việt Nam tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, tăng cường hội nhập tích cực quốc tế.
Với vai trò là nước chủ nhà, Việt Nam cũng mong muốn tiếp tục duy trì phát triển thịnh vượng, hợp tác trong APEC, thúc đẩy liên kết kinh tế, thương mại, đầu tư trong khuôn khổ APEC.
Việc củng cố khả năng cạnh tranh và đổi mới của các doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC trong thời đại kỹ thuật số là một trong những vấn đề được quan tâm tại chuỗi hội nghị.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm hơn 95% doanh nghiệp ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Các chương trình hợp tác cụ thể trong APEC nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, đang đóng góp rất tích cực cho sự phát triển và phồn vinh của cả khu vực.
Các sáng kiến thực tế của APEC đã giúp nhiều doanh nghiệp nhỏ khác trong khối APEC phát triển thị trường, bằng cách tham gia vào các hoạt động như ngân hàng điện tử, quảng cáo kỹ thuật số. Nhờ đó họ có thể mở rộng khả năng tiếp cận với một lượng khách hàng tiềm năng và đối tác tiềm năng chưa từng có.
Với vai trò chủ nhà, Việt Nam đã cùng với các thành viên APEC khơi dậy những động lực mới cho tăng trưởng và liên kết của khu vực thông qua hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tận dụng cơ hội của cách mạng công nghiệp; tạo điều kiện cho người lao động có các kỹ năng mới để tìm được việc làm trong thị trường lao động thời kỳ công nghệ số.
Đây là một đóng góp thiết thực của Việt Nam nhằm nâng cao khả năng thích ứng của APEC trong một thế giới đang trải qua những chuyển dịch to lớn, dưới tác động của quá trình toàn cầu hóa sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng hàng loạt thách thức khu vực và toàn cầu đang nổi lên.
Trong bối cảnh mới với nhiều thách thức, hy vọng các nhà lãnh đạo sẽ trao đổi, thảo luận các biện pháp nhằm tiếp tục giữ đà hợp tác, liên kết của diễn đàn, góp phần mang lại lợi ích thiết thực và cụ thể cho người dân và doanh nghiệp.
Nhân Tuần lễ APEC diễn ra, sẽ có các chuyến thăm Việt Nam của Tổng bí thư – Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, của Tổng thống Mỹ Donald Trump, của Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Tổng thống Chile Michelle Bachelet.
Bên lề APEC diễn ra tại Việt Nam, có một thông tin được nhiều người quan tâm, đó là các nước thành viên còn lại trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hay còn gọi là “TPP11”, đang tiến gần hơn về một hiệp định tưởng chừng như đã chết yểu sau khi Mỹ rút lui.
Trong thời điểm diễn ra APEC, Bộ trưởng Thương mại các nước TPP11 sẽ tiếp tục đàm phán trong một cuộc gặp thượng đỉnh, để quyết định có đạt một thỏa thuận về TPP hay không.
Mười một nước này đã thu hẹp được những quy định cần được gác lại trong thỏa thuận ban đầu, đây là một bước tiến quan trọng trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh có ý nghĩa then chốt tại Việt Nam – báo Nikkei dẫn lời ông Kuzuyoshi Umemoto, trưởng đoàn đàm phán TPP của Nhật, phát biểu như vậy trước báo giới ngày 1-11 sau ba ngày đàm phán ở Urayasu, thành phố gần Tokyo. Các quốc gia trong TPP11 đã nỗ lực nhằm đạt một thỏa thuận vào tháng 11-2017, nhưng trước hết các nước cần quyết định những phần nào của thỏa thuận cần phải được gác lại cho tới khi Mỹ quay trở lại.
Trước cuộc gặp ở Urayasu, các bên vẫn cho rằng cần phải đình chỉ các điều khoản thuộc 50 phần của thỏa thuận, bao trùm ba lĩnh vực là các vấn đề luật pháp, quyền sở hữu trí tuệ, và các vấn đề khác. Ông Umemoto không tiết lộ các nhà đàm phán đã nhất trí dừng bao nhiêu điều khoản, nhưng cho biết các bên đã đạt sự đồng thuận về đóng băng một số điều khoản nhất định.
Những bất đồng chính về TPP hiện nay được cho là vẫn xoay quanh các điều khoản về giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư với chính phủ – điều khoản cho phép nhà đầu tư nước ngoài kiện một nước thành viên TPP bị cho là vi phạm các quy định về đầu tư – cùng với các vấn đề về lao động và môi trường.
Đến nay, Chính phủ Nhật Bản vẫn giữ vai trò điều phối các cuộc đàm phán TPP11, nhằm giải quyết bất đồng và bảo vệ các tiêu chuẩn cao của TPP.
Giới quan sát hy vọng hiệp định mới, liên kết 11 quốc gia với tổng GDP là 12,4 nghìn tỉ USD, sẽ kết thúc đàm phán nhân APEC 2017 diễn ra tại Việt Nam.
- Gia Minh