Hằng năm cứ vào tháng Bảy, tháng Tám Âm lịch là đến mùa gió chướng. Theo cùng cơn gió chướng thổi về trên các sông nước Nam bộ, mùa nước son cũng bắt đầu. Sở dĩ gọi “nước son” là vì màu nước chuyển sang đỏ quạch, đục ngầu bởi phù sa đang đổ xuống, đọng lại trên sông rạch.
Những ngày xa xưa, khi chưa có đê bao khắp nơi và người nông dân còn làm mỗi năm một mùa lúa (lúa mùa) thì thời gian này là lúc đất nghỉ ngơi, phù sa sẽ tràn vào đồng đem lại sự màu mỡ cho đất để rồi vụ lúa mùa sau đất sẽ cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cây lúa tốt tươi, cho những mùa vàng tiếp nối. Dẫu đã trở thành quá khứ nhưng nói đến lúa mùa, người dân châu thổ này đều biết đó là loại lúa được ấp ủ trong đất hơn nửa năm trời để cho ra loại gạo thơm ngon, bổ dưỡng mà nhiều người hiện nay vẫn còn tiếc nhớ.
Theo các bậc “lão nông tri điền”, lúa càng gieo trồng dài ngày càng có chất lượng cao là vậy. Và ở thời điểm này, khi nước tràn đồng cũng là lúc những cây điên điển khô cằn bên bờ ruộng, bờ kinh bừng bừng sống lại, tươi tốt lá xanh, vàng rực những chùm bông trên cành. Nhắm mắt lại, hình ảnh mấy chiếc xuồng nhỏ luồn lách trong ruộng, mấy cô gái đứng trên xuồng tuôn từng chùm bông vàng rực vào chiếc nón lá trên tay hay tuôn thẳng xuống khoang xuồng lại hiện ra, như một nét chấm phá của vùng sông nước Nam bộ đẹp đến lạ lùng.
Chưa kể khi phù sa tràn xuống, mấy con cá bống trong hang bị đỏ mắt phải chui ra, núp dưới rễ lục bình trôi theo dòng nước. Bọn nhỏ tắm sông nhảy ùm ùm thỉnh thoảng đụng vào giề lục bình, nắm đưa lên, cá bống bám đầy trong rễ. Tắm lên mặt đứa nào cũng đầy bùn đỏ. Hồi nhỏ tôi vẫn chờ đợi con nước son để được ăn cá bống kho tiêu, những con cá bống mùa này con nào cũng mang đầy bụng trứng, ngon hết biết!
Tiếp theo mùa nước son là mùa nước nổi với nước dâng lên tràn trề trên sông, bắt đầu từ hai đầu nguồn sông Tiền và sông Hậu. Ngày trước muốn thưởng thức đặc sản của mùa nước nổi, khách có thể đến Tràm Chim (Tam Nông – Đồng Tháp) hay ghé vào Búng Bình Thiên của An Phú rồi ngược lên vùng Khánh An, nơi đầu nguồn sông Hậu. Hình ảnh sông nước mênh mông, cá linh, cá sặc bướm trắng đồng và mấy cọng bông súng vươn lên theo con nước được chất đầy trên xuồng, cọng nào cũng dài hơn ba thước, bỏ vào nồi lẩu hay ăn với cá linh kho lạt cứ giòn rụm, ngọt xớt hoặc những nồi cá linh kho rục với lớp mía lót bên dưới cuốn vào bánh tráng, như tan ra trong miệng ăn một lần không bao giờ quên…
Mấy năm sau này, dường như những mùa nước lành của những người sống dọc bờ sông Tiền, sông Hậu chỉ còn trong trí nhớ. Việc be bờ, đắp đập trên các sông và trên thượng nguồn khiến nước bị chặn lại, cá tôm không về, phù sa cũng không xuống được nữa. Nước ngày càng vực xuống thấp, người dân sống nghề hạ bạc dọc theo sông mất hết mùa cá linh, cá sặt và các loại cá đồng khác đều ngậm ngùi nhớ tiếc những mùa vàng xưa. Cư dân Nam bộ cũng không còn được thưởng thức những nồi lẩu cá linh nhúng bông điên điển ngon ngọt, những ơ cá linh kho lạt với trái me non lùa cơm không biết ngán, những con cá lóc được xẻ khô ngay trong chợ biên giới phơi một nắng rồi chiên lên béo ngậy, thơm lừng… Những ai đã từng đi qua những mùa nước nổi như vậy, tất cả sẽ đọng hoài trong ký ức, chỉ mong một ngày được gặp lại.
May mắn thay ngay từ tháng Bảy, tháng Tám năm nay mùa nước nổi lại về. Đó là lúc những cơn mưa tràn ngập, liên tục, nhiều vùng ở miền Bắc đã chìm trong mưa lũ, nhà cửa, ruộng vườn mất sạch, nhiều hộ dân miền núi đã hoàn toàn trắng tay. Ngày khai trường sát bên mà bao nhiêu trường học đã trôi theo dòng nước lũ khiến cả nước chạnh lòng xót xa. Bù lại ở vùng châu thổ miền Tây, con nước sớm đã tràn đầy mặt sông đem theo nhiều cá tôm khiến ngư dân hân hoan, phấn khởi.
Đúng là kẻ cười, người khóc, thật mâu thuẫn phải không? Và bạn bè lại rủ về Khánh An, Châu Đốc đón con nước tháng sau, đỉnh ngập của mùa nước nổi. Có lẽ “mùa nước nổi” đã trở về sau mấy năm vắng bóng và tôi sẽ có dịp nhìn lại mặt nước mênh mông ở những nơi đầu nguồn sông Hậu để không còn ngậm ngùi vì tình trạng “con cá chờ nước” như một bài viết năm nào. Lên đầu nguồn sông Hậu, biết đâu tôi lại được anh bạn trên đó cho xuống ghe đi trên sông để thấy cảnh ngư dân đang bắt cá và ngắm nhìn trời cao đất rộng, sông nước ngập tràn.
Cứ nhìn vào khoang cá đầy hay vơi là có thể biết mùa màng năm nay trúng lớn hay không. Bất chợt trong đầu lại hiện ra vẻ mặt vui mừng, hỉ hả của mấy chị đan lưới, bán lưới trên miệt Thơm Rơm (huyện Thốt Nốt – Cần Thơ). Cái xóm lưới đa phần là dân miền Trung nhập cư ấy những ngày này chắc đang tíu tít đan lưới lớn lưới nhỏ cho ngư dân đánh bắt cá trên sông. Đúng là với cư dân đồng bằng, những ngày này là những ngày vui.
Bởi năm tới, năm tới nữa không biết nước có còn tràn đồng như mùa vàng năm nay? Dẫu sao, những con nước đẹp như vầy cũng làm ấm lòng người dân sống nghề hạ bạc, để ít ra mỗi bữa trên mâm cơm nhà nghèo vẫn còn có mặt con cá, con tôm và những tay lưới bung ra trên mặt nước mênh mông lút ngọn cây kia cũng đem lại chút thu nhập cho gia đình, cho tập vở học hành của con cái.
Ơi, những mùa nước nổi tràn sông! Ơi, những khoang ghe, lòng xuồng đầy ắp cá tôm cùng những tay lưới bung tròn trên sông… Mong sao những hình ảnh kia sẽ còn được thấy lại những mùa sau!
Nước nổi lên rồi, niềm vui cũng lên theo!
- Ảnh Huỳnh Phúc Hậu