Từ thành phố Thanh Hóa, đi theo quốc lộ 47 rẽ qua cầu Mục Sơn bắc qua sông Chu một quãng là du khách đã về với Khu di tích lịch sử Lam Kinh. Du khách sẽ như lạc vào khu rừng nguyên sinh mà ẩn bên trong là vẻ đẹp, không gian yên tĩnh của thiên nhiên, của thành điện cổ kính. Nơi đó thiên nhiên cũng là những người lính canh giữ giấc ngủ ngàn thu cho các bậc đế vương và hoàng hậu triều Lê sơ.
Vào thành điện Lam Kinh, du khách đi qua cầu Bạch mà xưa kia có tên gọi là Tiên Loan Kiều được làm theo kiểu dáng trên nhà, dưới cầu bắc trên sông Ngọc, qua cầu là Ngọ Môn được canh giữ cẩn thận. Du khách sẽ có ấn tượng với sân rồng trước điện Lam Kinh trải rộng khắp bề ngang của chính điện. Điện Lam Kinh nay chỉ còn lại dấu tích của nền móng nhưng vẫn cho thấy một kiến trúc quy mô với những chân cột được xếp vuông vức hình bàn cờ. Nối giữa sân rồng và chính điện là thềm rồng gồm chín bậc với hai đôi rồng đá được khắc tinh xảo, đặc trưng của rồng thời Lê. Phía sau điện Lam Kinh là Thái miếu, chạy theo hình vòng cung ôm lấy khu chính điện. Ngoài ra, còn có các công trình kiến trúc khác như nhà tả vu và hữu vu hai bên sân rồng. Phía đông chính điện là khu cư xá của các quan và quân lính trông coi khu kinh thành.
Địa thế Vĩnh Lăng, nơi an nghỉ của anh hùng Lê Lợi được xây dựng ngay phía sau cung điện Lam Kinh, trên một vùng đất rộng và cao ráo giống như hình mai rùa, phía trước có núi Chúa, phía sau có núi Dầu, hai bên đều có núi, đối diện có sông. Xung quanh lăng mộ là những loại cây cổ thụ có hàng trăm năm tuổi như sưa, đa, lim, đại, bồ đề, ổi… Bố cục độc đáo, riêng có của Vĩnh Lăng thể hiện sự khiêm nhường, giản dị và hòa hợp với thiên nhiên của vị vua mở đầu triều Lê. Hiện tại, kiến trúc Vĩnh Lăng vẫn giữ được trọn vẹn vẻ đẹp cổ kính và nguyên bản. Về bố cục, điều đặc biệt nhất của Vĩnh Lăng là không xây thành lăng mộ giống như các lăng tẩm của vua chúa khác mà được xây dựng thành hình gần vuông, mỗi cạnh là 4,43m x 4,46m, cao 1m, xây bằng gạch vồn xếp khít mạch và không trát. Phía mặt trên lăng để cỏ mọc chứ không lợp thành mái. Phía trước của lăng, hai bên có quan hầu và bốn đôi tượng giống đối nhau. Theo thứ tự tính từ mộ ra, bên trái quan văn, bên phải quan võ, đến tượng nghê, ngựa, tê giác và hổ. Về hình thức, các bức tượng đều bằng đá và được chạm khắc mềm mại, đơn giản. Đến năm 1933, nhân dân địa phương cung tiến thêm bốn voi chầu đắp bằng gạch và vôi vữa.
Trong khu sơn lăng của triều Lê sơ ở Lam Kinh còn có lăng các vua kế nghiệp và hoàng hậu được mai táng như: Hựu lăng – Lăng vua Lê Thái Tông; Lăng Khôn Nguyên – Lăng Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Giao (mẹ vua Lê Thánh Tông); Chiêu Lăng – Lăng vua Lê Thánh Tông; Dụ Lăng – Lăng vua Lê Hiến Tông; Kính Lăng – Lăng vua Lê Túc Tông. Đến thăm du khách sẽ thấy mỗi lăng mang một nét kiến trúc riêng và tượng chầu khác nhau, đặc biệt là lăng của Hoàng thái hậu gây chú ý bởi tượng chầu đều là nữ.
Dù có bị thời gian làm tàn hoại ít nhiều nhưng nhìn chung Lam Kinh vẫn còn lưu giữ nét đẹp của không gian Việt “Cây đa, giếng nước, sân đình”. Bên hữu sân rồng là cây đa thị hàng trăm năm tuổi, có kích thước chục người ôm mới xuể, luôn xanh ngắt, vươn mình tỏa bóng mát như chứng nhân còn mãi với thời gian. Bên tả là giếng cổ – được xem là giếng cổ lớn nhất Việt Nam hiện nay. Giếng quanh năm đầy nước, trong mát và tỏa ngát hương sen.
Xem thêm: