Khám sức khỏe định kỳ là biện pháp đơn giản và khoa học nhất để kiểm tra tình trạng sức khỏe của mình, phát hiện sớm các bệnh lý để điều trị kịp thời, đặc biệt là bệnh ung thư. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, nhiều bác sĩ cho rằng các xét nghiệm máu có thể tầm soát được ung thư nên thay vì thực hiện các phương pháp tầm soát ung thư cơ bản được Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra cho từng lứa tuổi và từng đối tượng thì lại cho bệnh nhân làm nhiều xét nghiệm để truy tìm các dấu ấn ung thư trong máu (Tumor marker).
Hậu quả là khi thấy nồng độ một chất tăng cao thì bệnh nhân sẽ được tiếp tục thực hiện một loạt các xét nghiệm y tế khác như chụp CT, nội soi dạ dày, ruột già, thậm chí đến cả chụp PET… để xác định xem có phải ung thư thật sự hay không. Điều này khiến cho bệnh nhân hoang mang lại gây mất nhiều thời gian và tiền bạc.
Về lý thuyết, khi tế bào ung thư phát triển sẽ sinh ra một số chất vào trong máu. Do đó, khi nồng độ một chất nào đó tăng cao thì có thể bệnh nhân đã bị ung thư, chẳng hạn như xét nghiệm CEA tăng cao thì có thể bệnh nhân bị ung thư đại tràng, AFP tăng cao có thể bị ung thư gan, CA125 tăng cao có thể bị ung thư buồng trứng, CA 19-9 tăng cao có thể bị ung thư dạ dày, tụy, ruột, mới đây còn có xét nghiệm DR 70 tầm soát 13 loại ung thư. Nhưng trên thực tế, theo kết luận từ rất nhiều nghiên cứu về các dấu ấn ung thư đều khẳng định, không có một xét nghiệm máu nào có thể cho kết quả đáng tin cậy trong khảo sát, phát hiện sớm ung thư.
Nhiều bằng chứng cho thấy chất CEA cũng tăng cao trong các trường hợp viêm loét ruột hoặc bệnh nhân hút nhiều thuốc, AFP tăng khi bệnh nhân bị viêm gan, CA 125 tăng trong nhiều trạng thái lành tính khác của phụ nữ như lạc nội mạc tử cung, PSA – xét nghiệm thường dùng nhất cho ung thư tiền liệt tuyến – cũng sẽ bị thay đổi khi bệnh nhân bị viêm tuyến tiền liệt. Mới đây, website của Cơ quan Quản lý Thiết bị Y tế của Anh (UK MDA Medical Devices Agency) cũng đưa ra khuyến cáo là không thể sử dụng DR 70 để tầm soát ung thư vì không đủ chứng cứ y khoa.
Như vậy, việc truy tìm dấu ấn ung thư thường được sử dụng trong các trường hợp theo dõi điều trị ung thư hoặc bổ sung thêm thông tin khi bệnh nhân có nguy cơ bị ung thư cao chứ không thể thực hiện trên người khỏe mạnh để tầm soát ung thư.
Ở các nước tiên tiến, bác sĩ gia đình (Family Practitioner) và bác sĩ đa khoa (General Practitioner) thường là người thực hiện việc khám sức khỏe tổng quát ban đầu. Bệnh nhân có thời gian trao đổi các vấn đề sức khỏe, bệnh sử bản thân và gia đình cho bác sĩ. Trên cơ sở đó và qua quá trình kiểm tra, thăm khám, bác sĩ sẽ khuyên bệnh nhân nên thực hiện các xét nghiệm nào cho phù hợp với lứa tuổi, nguy cơ của bệnh nhân đồng thời tư vấn các thói quen trong sinh hoạt (ăn uống, tập thể dục, chơi thể thao, chích ngừa…) để có những tác động tốt đến sức khỏe. Sau khi có kết quả các xét nghiệm, bệnh nhân sẽ gặp lại bác sĩ đa khoa để được tư vấn và hướng dẫn cách theo dõi, điều trị các bất thường. Bệnh nhân chỉ đến khám ở bác sĩ chuyên khoa khi có chỉ định giới thiệu từ bác sĩ đa khoa.
Trong khi đó, với cách tổ chức khám sức khỏe định kỳ của chúng ta hiện nay cùng tình trạng quá tải ở hầu hết bệnh viện, bệnh nhân không thể có thời gian được bác sĩ tư vấn. Thêm vào đó, do chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe ban đầu trong quản lý và điều hành y tế nên chúng ta chưa tận dụng hết chức năng của bác sĩ gia đình và bác sĩ đa khoa trong sàng lọc bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Vì vậy, muốn khám tổng quát, bệnh nhân phải đi một vòng từ chuyên khoa mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt, da liễu… Với cách khám qua loa, bệnh nhân đi hết phòng này đến phòng khác mà kết quả hầu hết là bình thường. Kết quả này chắc chắn sẽ khả quan hơn nếu có quá trình sàng lọc và thăm khám sức khỏe ban đầu trước khi đến với bác sĩ chuyên khoa.
Tóm lại, trong khám tổng quát không nên lạm dụng nhiều xét nghiệm máu và cũng không cần thật nhiều bác sĩ chuyên khoa.