Các giải pháp về hoạt động của ngân hàng được nêu ra gần đây nếu được thực hiện tốt sẽ mang lại nhiều kỳ vọng cho doanh nghiệp trong việc tiếp xúc với đồng vốn.
Quan tâm đầu tiên là tăng trưởng tín dụng và hạ lãi suất, được nêu ra tại hội nghị Chính phủ và các địa phương gần đây, với cách đặt vấn đề của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là làm sao để tín dụng ngân hàng không nên chảy vào một số “đại gia” mà phải chạy vào doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, tức là vào đầu tư sản xuất, cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp.
Sáu tháng đầu năm nay, gần 60.000 doanh nghiệp mới được thành lập và trong cùng thời gian ấy số doanh nghiệp ngưng hoạt động cũng tương đương do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là khó khăn tiếp cận tín dụng, đất đai và chính sách chưa thông thoáng.
Thông tin mới nhất là trong Đề án Tái cơ cấu tổ chức tín dụng giai đoạn 2016-2020 vừa được Thủ tướng phê duyệt, đi kèm với Nghị quyết xử lý nợ xấu từ nay đến năm 2020, có điểm nhấn mạnh “Từng bước xóa bỏ tình trạng sở hữu, đầu tư chéo, sở hữu thao túng trong các tổ chức tín dụng, cấm dùng ngân hàng làm công cụ thao túng công ty sân sau”.
Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, trong dự thảo “Luật Các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước” đã đưa vào nhiều chế tài rất nghiêm khắc và sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung chế tài để xử lý hành vi dùng ngân hàng làm công cụ cho lợi ích nhóm. Nếu xảy ra vi phạm, người vi phạm sẽ vĩnh viễn không được quản trị, điều hành ngân hàng.
Thống đốc cũng ra thời hạn đến cuối tháng 8 các đơn vị cần phải xây dựng hoàn thiện tái cơ cấu, có khung trình lên NHNN. Các chỉ tiêu đánh giá gồm có thực trạng tài chính, điều hành, cơ cấu cổ đông, vốn điều lệ, tình hình sở hữu…
Hồi tháng 5-2017, NHNN ban hành hàng loạt văn bản cảnh báo các ngân hàng về rủi ro, hạn chế, sai phạm phổ biến… để chủ động ngăn chặn. Người đứng đầu NHNN thông tin thêm công tác thanh tra, giám sát sẽ được thực hiện tăng cường vào các tháng cuối năm 2017 với việc kiểm tra chấp hành các quy định về lãi suất, đặc biệt là lãi suất huy động VND và ngoại tệ. Nếu phát hiện có ngân hàng nào vi phạm, chế tài sẽ rất nghiêm khắc. Nếu ngân hàng nào đã bị cảnh báo hành vi sai phạm mà vẫn bị cơ quan thanh tra phát hiện thì chế tài sẽ tăng nặng – ông cảnh báo.
Về vấn đề lãi suất, Chính phủ đã giao NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại phấn đấu giảm lãi suất 0,5 – 1%. Tính toán phác thảo, dư nợ tín dụng của Việt Nam khoảng trên 5 triệu tỉ đồng, nếu giảm lãi suất 1% thì các doanh nghiệp dành được 50.000 tỉ đồng, cứ tính 5 đồng vốn/1 đồng lãi thì chúng ta đã có 10.000 tỉ đồng, riêng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp đã có 2.000 tỉ đồng và giúp tăng 0,25% GDP. Hay nợ công trong nước hiện khoảng 1 triệu tỉ đồng, nếu giảm lãi suất 1% thì tiết kiệm từ ngân sách khoảng 10.000 tỉ đồng.
Muốn hạ lãi suất thì phải xử lý nợ xấu, tuy không thể trong một sớm một chiều nhưng NHNN cần phải có giải pháp thực hiện sớm về xử lý nợ xấu đã được Quốc hội thông qua, có hướng dẫn cụ thể các tổ chức tín dụng từ việc bán tài sản bảo đảm, bán nợ xấu…
Trong một diễn biến liên quan đến tài chính – tiền tệ, ngày 21-7 Kiểm toán Nhà nước tổ chức họp báo công bố báo cáo kết quả kiểm toán năm 2016 theo đó đã phát hiện rất nhiều sai phạm.
Về kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015, Kiểm toán Nhà nước cho biết, Bộ Tài chính xây dựng dự toán hoàn thuế giá trị gia tăng năm 2015 chưa sát dẫn đến phải ứng trước dự toán năm 2016 là 7.452 tỉ đồng. Đồng thời phải chuyển sang năm 2016 để hoàn thuế đối với các quyết định hoàn thuế năm 2015 là 5.847 tỉ đồng; tổng hợp dự toán thu ngân sách do các địa phương lập chưa bảo đảm mức phấn đấu tăng bình quân tối thiểu; thấp so với khả năng thực hiện; không đầy đủ, không bao quát hết nguồn thu.
Cùng với đó, tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp và lợi nhuận còn lại phải nộp ngân sách nhà nước… vẫn diễn ra khá phổ biến tại các doanh nghiệp, đơn vị được kiểm toán.
Kiểm toán Nhà nước xác định số phải nộp ngân sách tăng thêm 11.365 tỉ đồng, trong đó đơn vị có kiến nghị nộp lớn, như: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn – TNHH MTV, Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn – TNHH MTV…
Đặc biệt qua đối chiếu 1.653 đơn vị nộp thuế, Kiểm toán kiến nghị các khoản phải nộp ngân sách nhà nước tăng thêm 2.050 tỉ đồng, trong đó có doanh nghiệp nộp tăng thêm 882 tỉ đồng.
Một nội dung quan trọng khác được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra là các khoản đầu tư tài chính của một số doanh nghiệp nhà nước có hiệu quả thấp như Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đầu tư vào 14 doanh nghiệp với số tiền 6.705 tỉ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận được chia năm 2015 của những khoản đầu tư trên là 211 tỉ đồng, tương ứng với tỷ suất sinh lời bình quân/vốn đầu tư là 3%.
Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đầu tư vào ba công ty liên kết gần 123 tỉ đồng với tỷ lệ cổ tức bình quân năm 2015 là 1,34%. Ngoài ra, PTI cũng đầu tư dài hạn khác vào bảy doanh nghiệp hơn 57 tỉ đồng, tỷ lệ cổ tức bình quân năm 2015 là 0,48%.
Có những khoản đầu tư của các tổ chức tài chính không hiệu quả, khó thu hồi vốn, điển hình là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank). Đến 31-12-2015, Agribank có 6/9 công ty con lỗ lũy kế với tổng số tiền 12.431 tỉ đồng; trích lập dự phòng rủi ro đầu tư chứng khoán kinh doanh 53,7 tỉ đồng (bằng 48,1% giá trị đầu tư).
Tại SCIC, các khoản đầu tư vào Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, Công ty Bột giấy Phương Nam, Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh, Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng, Công ty cổ phần Nhiệt điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh cũng không hiệu quả.
Có 102/198 doanh nghiệp được SCIC tiếp nhận với số vốn đầu tư 1.620 tỉ đồng không có lợi nhuận được chia trong năm 2015.
Tổng công ty cổ phần Bảo Minh đầu tư vào Công ty Tài chính cổ phần Sông Đà 80 tỉ đồng, sau khi sáp nhập vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội cho kết quả lỗ 26,18 tỉ đồng.
Đối với kiểm toán các dự án BOT giao thông, Kiểm toán Nhà nước phát hiện tình trạng nhiều đơn vị chỉ dựa trên số liệu thống kê của tư vấn khảo sát trong đôi ba ngày để quy ra lưu lượng phương tiện 365 ngày, hoặc căn cứ kết quả khảo sát lưu lượng phương tiện đã cũ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Trong khi đó, trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư, hầu hết các dự án đều áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư và chỉ định nhà thầu thi công mà không thực hiện đấu thầu. Việc xác định tổng mức vốn đầu tư của dự án còn sai sót, xác định tổng vốn đầu tư của dự án bao gồm cả phần thuế VAT được nhà nước hoàn lại…
- Gia Minh
Xem thêm:
- Giảm lãi suất, chờ tín hiệu tích cực
- Lãng phí và thất thoát lớn tài sản nhà nước
- Cơ chế tài chính đặc biệt sẽ giúp TP.HCM phát triển nhanh