Kể từ khi trần lãi suất huy động được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm từ 11%/năm xuống còn 9%/năm vào ngày 11-6, trong giai đoạn đầu, chính sách này còn mang nặng tính hành chính đối với các ngân hàng thương mại, thậm chí còn gây ra sự căng thẳng thanh khoản cho một số tổ chức tín dụng. Những trường hợp lách luật để huy động vượt trần, chạy đua nâng lãi suất đối với kỳ hạn trên 12 tháng… đã chứng tỏ điều đó và khiến nhiều người tin rằng lãi suất khó thể giảm thêm trong năm nay.
Tuy nhiên, xu hướng giảm lãi suất bắt đầu thành hình trong thời gian gần đây, mà lần này lại do tín hiệu từ thị trường. Có những dấu hiệu cho thấy các ngân hàng đang dư thừa tiền mặt. Tiền huy động được từ khu vực dân cư vẫn tăng trưởng đều, trong khi tốc độ tăng trưởng tín dụng rất ì ạch; nói cách khác, các ngân hàng rất khó tìm được khách hàng tốt để cho vay. Doanh nghiệp không muốn vay vốn là do chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm của mình, nên chưa dám mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Bởi vậy, dù đang là mùa cao điểm hút vốn cuối năm, một số ngân hàng vẫn quyết định hạ lãi suất huy động kỳ hạn dài. Cũng do dư thừa vốn, khó đẩy mạnh cho vay, nên nhiều ngân hàng – cả ngân hàng nội lẫn ngân hàng ngoại – đều đem tiền mua trái phiếu chính phủ, với trị giá lên đến hàng trăm ngàn tỉ đồng. Lãi suất trúng thầu trái phiếu vài tháng gần đây chỉ dao động trong khoảng 9,35 – 10%/năm, tức chỉ nhỉnh hơn chút ít so với trần lãi suất huy động (9%/năm). Lượng mua trái phiếu của các ngân hàng tăng mạnh trong thời điểm cuối năm là điều bất thường, bởi mọi năm dịp này các ngân hàng thường giảm mua trái phiếu để phục vụ nhu cầu cho vay và phòng thủ thanh khoản. Điều bất thường ấy cũng không khó lý giải, bởi trong bối cảnh cho vay khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro như hiện nay, mua trái phiếu chính phủ vừa an toàn tuyệt đối vừa đảm bảo có lãi, lại đồng thời là công cụ dự phòng thanh khoản.
Vấn đề được đặt ra, một khi lãi suất giảm thêm, liệu nguồn tiền huy động trong dân có giảm sút? Điều lo lắng này dường như nên dành cho thì tương lai, chứ hiện tại, khi các kênh đầu tư khác chưa khởi sắc, việc kinh doanh vẫn khó khăn do kinh tế chưa hồi phục, đa phần người dân chọn kênh tiết kiệm để đầu tư lượng tiền nhàn rỗi của mình. Thực tế cũng cho thấy, một khi lạm phát được duy trì ở mức thấp, thì lãi suất tiền gửi tiết kiệm dù không cao, chỉ 7 – 8%/năm thì tiền gửi vào hệ thống ngân hàng vẫn được đảm bảo.
Dĩ nhiên, lãi suất thấp là điều mà các nhà điều hành luôn mong muốn. Chính phủ luôn muốn hỗ trợ cho khối doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp mở rộng được thị trường tiêu thụ và giảm chi phí hoạt động, mà chi phí lãi vay có ảnh hưởng lớn đến giá thành của sản phẩm. Có chuyên gia kinh tế còn cho rằng lãi suất cao chính là một trong những lý do khiến đầu tư của khu vực tư nhân thấp, nền kinh tế dễ rơi vào tình trạng nguy hiểm khi tăng trưởng chỉ dựa vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, chống suy thoái kinh tế, thì mục tiêu giảm lãi suất để tăng cung tín dụng cho khu vực sản xuất – kinh doanh càng là việc nên làm. Lãi suất giảm cộng hưởng với việc tăng lương tối thiểu, các gói kích cầu đầu tư cơ sở hạ tầng, giảm, giãn thuế cho doanh nghiệp… sẽ giúp tăng tổng cầu nền kinh tế, là tiền đề cho sự phát triển.
Minh Hằng