Dù vẫn còn là một cái tên mới mẻ trên bản đồ du lịch thế giới, Ethiopia đang tạo nên một sự bùng nổ đáng kinh ngạc: Hơn 1 triệu du khách tới đây trong năm 2016! Sau khi thoát khỏi nạn đói và nội chiến, đất nước này được du khách quốc tế biết đến qua những công trình kiến trúc ấn tượng và nghệ thuật ẩm thực đa dạng, chưa kể đây là một trong những nước có hệ động thực vật phong phú nhất châu Phi.
Là một trong những quốc gia có nền độc lập lâu đời nhất trên thế giới, có vị trí địa lý là trục nối giữa các nền văn minh Bắc Phi, Trung Đông và châu Phi cận sa mạc Sahara, Ethiopia không chỉ nổi tiếng bởi những vẻ đẹp độc đáo tự nhiên do thiên nhiên ban tặng cùng các di sản lịch sử, mà còn có một sự đa dạng về chủng tộc với hơn 200 dân tộc.
Addis Ababa – thành phố lớn nhất châu Phi
Từ Frankfurt, chuyến bay của Ethiopian Airlines đưa chúng tôi đến thủ đô Addis Ababa (thường được gọi tắt là Addis) trong một buổi sáng đẹp trời. Vì đây là một trong những điểm trung chuyển lớn nhất của châu Phi, nên chuyến bay của chúng tôi chỉ có khoảng một phần tư hành khách đến Addis, phần còn lại chờ nối chuyến đi đến các thành phố khác của châu Phi.
Có lẽ khách hàng chính của hãng trên tuyến này là người châu Âu chứ không phải châu Phi mà bằng chứng là có hơn nửa số hành khách là người da trắng. Sân bay quốc tế Addis Ababa tương đối rộng rãi và được giữ gìn sạch sẽ, bố trí hợp lý dù đã khá cũ kỹ. Trong sân bay có cả chỗ cầu nguyện cho người đạo Hồi.
Là nơi đặt trụ sở của Liên minh châu Phi, Addis Ababa có tầm quan trọng đặc biệt đối với Lục địa Đen. Do có đến 80 dân tộc nói 80 ngôn ngữ khác nhau và các cộng đồng Thiên Chúa giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo cùng chung sống nên Addis Ababa còn có biệt danh là “thành phố của con người” (City of Humans). Ngôn ngữ chính tại đất nước này là tiếng Amhara, nhưng tiếng Anh cũng được sử dụng rộng rãi trong tầng lớp trí thức.
Ethiopia tự hào là quốc gia duy nhất của châu Phi không bị thực dân, đế quốc nào đô hộ, cũng giống như Thái Lan của châu Á. Điều khác biệt so với Thái Lan là năm 1896, thực dân Ý đã từng xâm lược Ethiopia. Cuộc chiến giữa 17 ngàn quân Ý với khoảng 80 ngàn quân Ethiopia dù căng thẳng nhưng kết quả là quân Ý đã bị đánh tơi bời, phải rút về Eritrea – vùng đất mà họ đã chiếm được từ trước.
Người dân Ethiopia nói chung rất mến khách. Đàn ông nước này sau khi được giới thiệu với người lạ liền thực hiện một cử chỉ rất độc đáo khi bắt tay là nghiêng người chạm vào vai phải của bạn mới để tỏ sự thân mật. Thời tiết ở xứ này có hai mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 9, còn mùa khô từ tháng 10 đến tháng 5. Chúng tôi đến đây vào tháng 12, thời tiết nhìn chung khá mát mẻ. Hỏi ra mới biết gần như quanh năm khí hậu ở đây khá ổn định vì địa hình Addis nằm ở độ cao 2.355m trên mực nước biển.
Có thể nêu ra ngay một nhận xét là cả thành phố như một công trường xây dựng. Cứ đi vài trăm mét lại gặp một tòa nhà đang xây, trong đó rất nhiều công trình do Trung Quốc thực hiện. Vì đường phố không được quy hoạch tốt nên nhiều tòa nhà đã xây xong nhưng diện mạo thành phố không nổi bật lên được là bao.
Một điều cũng khá lạ là dù nhà cửa có tồi tàn cỡ nào thì trên nóc nhà vẫn nổi lên một chảo antena. Trên đường phố thủ đô gần như không có xe máy và xe đạp. Phương tiện giao thông chủ yếu là ôtô, nhưng phần lớn rất cũ, thỉnh thoảng còn xuất hiện chuyên gia vận chuyển là các chú lừa. Tại các ngã tư, đèn tín hiệu giao thông rất ít, may mà các bác tài biết nhường đường cho nhau nên không thấy tình trạng kẹt xe.
Có vẻ chính quyền thành phố rất coi trọng an ninh. Mỗi lần vào khách sạn, chúng tôi phải đưa túi qua máy quét và sau đó đi bộ qua một máy dò kim loại giống như ở sân bay. Tại tất cả nhà hàng hay các điểm tham quan cũng đều có chế độ kiểm tra như vậy. Ở Addis có rất nhiều điểm tham quan hấp dẫn như Bảo tàng Quốc gia, tượng sư tử Judah, nhà thờ St. George, nhà thờ Entoto Mariam, quảng trường Yekatit 12, quảng trường Meyazia 27, nhà ga xe lửa…
Nổi bật hơn cả là nhà thờ Chúa ba ngôi – Trinity Holy. Tại đây có một ngôi tháp to, mái vòm lớn với nhiều tranh vẽ tinh xảo và các bức tượng được trang trí rất công phu. Bên ngoài nhà thờ luôn có đông đảo tín đồ đến cầu nguyện. Một số người còn thực hành những nghi thức mà thoạt nhìn cứ tưởng như các tín đồ đạo Do Thái bên bức tường Than khóc ở Jerusalem.
Trường Đại học Addis Ababa là một điểm đến thú vị khác. Vốn là cung điện cũ của hoàng đế Haile Selassie nên đây là một địa chỉ mà du khách quốc tế “nhất định một lần phải ghé thăm”. Bên trong trường có Bảo tàng Dân tộc học nổi tiếng với bộ xương Lucy – thủy tổ loài người có niên đại cách đây 3,2 triệu năm. Bảo tàng lưu trữ rất nhiều tác phẩm nghệ thuật cũng như vũ khí, quà tặng cho các hoàng đế, công cụ lao động của các sắc tộc Ethiopia thời xưa.
Độc đáo nhà thờ đá ở Lalibela
Từ Addis Ababa, chúng tôi đi tiếp đến Lalibela để tham quan khu nhà thờ cổ bằng đá nổi tiếng, được UNESCO công nhận là di sản thế giới từ năm 1978. Thị trấn cổ này nằm ở phía Bắc Ethiopia, trên độ cao 2.500m so với mặt biển, cách thủ đô Addis Ababa khoảng 650km, tuy chỉ có 15.000 dân nhưng là nơi hành hương của giáo dân cả nước.
Lalibela đã từng có một thời vang bóng, cụ thể là trong các thế kỷ XII-XIII, dưới thời Gebre Mesqel Lalibela – vị hoàng đế cuối cùng của triều đại Zagwe từng cai trị miền Bắc Ethiopia suốt 200 năm. Xung quanh thị trấn là những vùng núi đá khô cằn. Theo sử sách, hồi thế kỷ thứ XIII, những tín đồ sùng đạo Thiên Chúa đã đục đẽo đá núi lửa màu đỏ để tạo nên 13 nhà thờ.
Bốn trong số những nhà thờ đó như đứng độc lập với khối đá, nhưng thật ra, nền móng của chúng chính là phần đế của khối đá. Chín nhà thờ còn lại gắn liền với đá, chỉ có bề mặt được “giải phóng” khỏi khối đá. Đến nay, ở đây chỉ còn lại 11 nhà thờ, được chia thành ba nhóm. Nhóm cực Bắc có Bete Medhane Alem – giáo đường bằng đá lớn nhất thế giới, nghe nói là bản sao từ nhà thờ Thánh Ary ở Aksum, một vùng khác ở Ethiopia.
Ở Nhóm cực Tây nổi bật là nhà thờ Bete Giyorgis (nhà thờ St George), được bảo tồn hầu như nguyên vẹn. Nhóm cực Đông bao gồm bốn nhà thờ dành riêng cho hoàng gia, trong đó giáo đường Bete Gabriel-Rufael là nơi sản xuất bánh thánh từ bột mì cổ nhất thế giới.
Điều thú vị nhất là giáo đường được dựng lên hoàn toàn bằng nham thạch núi lửa. Người hướng dẫn du lịch kể rằng đầu tiên, xung quanh khối nham thạch khổng lồ ở sườn núi, người xưa đào rãnh rất sâu để tách rời nó ra khỏi núi. Sau đó, từ trên xuống dưới, từng chút một, người ta đào khoét nham thạch để tạo thành giáo đường với nóc tròn, cửa sổ, hành lang, cửa phòng lớn…, nghĩa là toàn bộ khối đá bị khoét rỗng. Để chống đỡ cho vùng nóc và cổng vòm, người ta dùng thêm những cột đá.
Nhà thờ cao lớn và ấn tượng nhất dài 33,5m, rộng 23,5m, cao 10,6m và có mái chạm khắc, được đỡ bởi 34 chiếc cột vuông. Đây là nhà thờ duy nhất ở Ethiopia có năm gian dọc như kiểu nhà thờ có từ rất lâu đời. Một số nhà thờ có cửa sổ hình thập tự Latin và cổ Hy Lạp, hình chữ vạn và chữ thập cuộn vòng tròn.
Cột đá chính giữa trong nhà thờ được bao bọc bằng vải. Các nhà thờ kết nối với nhau bằng những con đường hầm như mê cung, nhưng chúng bị phân cách bởi một con sông nhỏ có tên là Jordan. Nhà thờ ngự bên bờ này của sông Jordan đại diện cho Jerusalem “trần thế”, còn ở bờ bên kia là nhà thờ của Jerusalem “thiên đàng” – thành phố có những lối đi gắn vàng và trang sức quý hiếm được mô tả trong Kinh Thánh.
Beta Gyorgis là công trình được xây dựng cuối cùng, cũng là một trong những công trình đẹp nhất với hình dáng chữ thập, các ô cửa sổ được điêu khắc tinh xảo. Khi mặt trời lặn, nhà thờ hiện lên màu hồng rồi chuyển sang vàng và xanh rêu trước khi bóng tối bao trùm.
Cả khu vực trở nên sống động vào lúc 6 giờ sáng mỗi ngày, khi mọi người tập trung cầu nguyện, đọc kinh, quỳ gối thành kính, trò chuyện với các cha xứ. Giữa các thánh đường là nhiều tác phẩm bích họa cầu kỳ, bàn ghế gỗ hài hòa với các tấm rèm đầy màu sắc, nệm để quỳ gối làm lễ, kệ sách bọc da, bộ trống…
Người hành hương hội tụ về đây mỗi dịp tổ chức lễ hội nhà thờ Chính thống giáo Ethiopia và diễu hành qua các con đường. Các thầy tu trong chiếc áo choàng nổi bật, những chiếc dù thêu bằng chỉ bạc từ nhiều thế kỷ trước. Đi theo sau họ là hàng ngàn tín đồ khoác khăn choàng trắng, ca hát, cầu nguyện, đánh trống và nhảy múa.
Thị trấn Lalibela nhỏ và tĩnh lặng, còn người dân tỏ ra rất thân thiện với du khách. Trên đường phố thỉnh thoảng mới xuất hiện một chiếc ôtô. Vì nằm trên cao, ánh nắng ở đây chói chang hơn, do đó mọi người thường phải mang theo ô che nắng.
Thật lạ lùng là cho dù mức sống chưa cao nhưng người dân ăn vận rất đẹp, thậm chí không ít người diện như những ông hoàng, bà chúa. Trang phục của họ rất bắt mắt, lại còn được tô điểm bởi vô số cúc đính trên áo. Họ còn thường sử dụng phụ kiện cổ truyền là khăn quấn, khăn đóng và khăn che mặt. Nhộn nhịp nhất là khu chợ bán đủ loại hàng hóa.
Tại đó, muối chở từ sa mạc Danakil đến bằng lạc đà, những tổ ong đen, trầm hương, rượu tej (một loại nước giải khát lên men làm từ mật ong), nước hoa quả đựng trong những cái bình nhỏ bằng bùn khô, rau quả, rễ củ, thảo dược là những sản vật được khách hàng quan tâm hơn cả…