Tính đến tháng 5 vừa qua, ứng dụng trợ lý ảo dành riêng cho người Việt VAV đã đạt hơn 160 ngàn lượt tải về sau mười tám tháng ra mắt. Trước VAV, các “trợ lý ảo” trên điện thoại thông minh như Apple Siri, Microsoft Cortana và Google Now đã được nhiều người biết đến. Tuy nhiên ít người dùng Việt Nam sử dụng những “trợ lý ảo” này do chúng không tối ưu cho người Việt và chưa phân tích và nhận diện được ý định của người dùng trong câu lệnh nói tiếng Việt.
Nhận thấy đây là một cơ hội, nhóm nghiên cứu của Phó giáo sư – Tiến sĩ Phan Xuân Hiếu, Đại học Công nghệ Hà Nội đã quyết tâm làm ra một ứng dụng dành riêng cho người Việt, giúp người dùng điện thoại di động có thể giao tiếp với điện thoại của mình bằng các khẩu lệnh một cách tiện dụng nhất có thể. Với VAV, người dùng có thể dễ dàng hẹn chuông báo thức, đặt lịch họp, bật/tắt định vị, gọi điện, nhắn tin cho ai đó, gọi taxi, mở một ứng dụng trên máy, duyệt web, tìm đường trên bản đồ, tìm cây ATM, tra từ điển hay mở một bản nhạc yêu thích… chỉ đơn giản bằng lời nói.
Tại Việt Nam, trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) xuất hiện từ lâu và đã có một số ứng dụng như nhận dạng chữ tiếng Việt, bộ dịch máy… Gần đây có một số nhóm nghiên cứu là người Việt trong và ngoài nước đạt được thành tựu nhất định trong nghiên cứu và áp dụng AI. Tại sự kiện IBM Watson Vietnam Summit diễn ra ngày 8-6 vừa qua, ông Eric Yeo – Tổng giám đốc IBM Việt Nam cho rằng, tương lai của đa số doanh nghiệp chính là tạo ra sản phẩm dịch vụ mang tính cá nhân hóa.
Do đó các giải pháp điện toán biết nhận thức sẽ giúp doanh nghiệp giải quyết những vấn đề này. Hiện nay, trí tuệ nhân tạo hiện đã chạm đến rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực như y tế, ngân hàng, thiết kế, hàng không hay ẩm thực, sản xuất âm nhạc… Ông Eric Yeo cũng cho biết, không chỉ IBM, Google, Amazone, Microsoft… mà một số doanh nghiệp công nghệ Việt như FPT, Viettel cũng đang đầu tư mạnh lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ở các mảng như ngân hàng, y tế, giáo dục, giao thông…
Ông Trần Nguyên Vũ, Giám đốc quốc gia các nhóm giải pháp phần mềm IBM Việt Nam nhận xét: Tại Việt Nam ứng dụng AI hiện còn rất cơ bản và đây chính là cơ hội cho các nhà cung cấp. Đáng chú ý là, những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ này đa phần là công ty mới khởi nghiệp chứ không phải các doanh nghiệp đã lớn mạnh. Nguyên nhân nằm ở chỗ doanh nghiệp lớn đa phần là doanh nghiệp nhà nước, có quy trình phức tạp, tốn thời gian trong việc áp dụng công nghệ trong khi khách hàng nhỏ tự quyết định rất nhanh.
Trước câu hỏi người trẻ Việt Nam nên làm thế nào để đón làn sóng AI, ông Trần Nguyên Vũ cho biết đội ngũ khoa học cơ bản ở Việt Nam rất giỏi, bên cạnh đó giới trẻ Việt Nam có trình độ cao về lập trình. Hai yếu tố này kết lại sẽ tạo ra lợi thế. Tuy nhiên, điều mà giới trẻ Việt Nam còn thiếu là làm sao để sản phẩm của mình có thể ứng dụng để giải các bài toán cụ thể. Bởi vậy, chuyên gia này cho rằng giới trẻ nên tham gia nhiều hơn vào các cộng đồng thực tế và cùng làm việc. Đó không chỉ là cộng đồng công nghệ mà còn là cộng đồng kinh doanh… để qua đó thấu hiểu và phát triển ra sản phẩm đáp ứng các nhu cầu của thị trường.