Anh bạn đang sống ở thật xa quê nhà nhắn tin qua Facebook: “Bên này đang mưa. Mình ngồi trước hiên ngắm mưa và bỗng dưng thèm nghe một tiếng ếch kêu! Biết không, hồi nhỏ mỗi lần không chịu ngủ, mẹ mình vẫn thường hù yêu mình là con hãy ngủ đi, ông Ọ đang kêu đó! Tiếng “ông Ọ” mẹ mình nói chính là tiếng ếch “ôộp, ôộp, ôộp….!” vang lên ngay cạnh bờ rào sau vườn nhà. Mình dỏng tai nghe và thấy sợ, liền chui vô lòng mẹ rồi ngủ khi nào cũng không biết nữa…”.
Trong bản hòa ca âm thanh đồng nội, tiếng ếch mang một âm vực riêng thoáng nghe qua rất khó chịu. Tiếng ếch như một nốt trầm giữa một dàn âm thanh toàn nốt cao của những loài vật sinh sống trên cánh đồng, vườn tược làng quê. Hồi nhỏ, tôi cũng như anh bạn và bao đứa trẻ khác ở quê đều sợ tiếng kêu của loài ếch. Lớn lên, đi coi mấy chú trong xóm câu ếch mới biết, chỉ có những con ếch to bự còn gọi là ếch bà mới kêu giọng ồm ồm trầm đục như thế. Đã là ếch bà thì không dễ mắc câu, bởi nó có kinh nghiệm đầy mình, thường chọn những chỗ hang sâu trong bụi rậm để ở và phải khi đêm xuống thật lâu nó mới cất giọng để hòa cùng bản giao hưởng âm thanh của muôn loài.
Tiếng ếch kêu gắn liền với mùa màng. Năm nào vụ lúa được mùa, ếch kêu ầm ập, khoan nhặt suốt đêm. Con nào con nấy béo mẩy vì có nhiều thức ăn là những hột lúa căng tròn. Những vụ mùa thất bát, tiếng ếch cũng thưa thớt, hiu hắt lắm. Mà đâu chỉ ếch, hầu như các loài động vật khác sinh sống trên cánh đồng làng từ nhái bén, ễnh ương hay châu chấu, cào cào… đều cộng sinh cùng nhịp sống mùa màng để đo nỗi buồn vui của người làm nông.
Nhớ những buổi chiều chân trần chạy theo bè bạn đi xem câu ếch. Người câu ếch giỏi nhất làng tôi là anh Chúc. Mỗi lần anh Chúc xách cần câu đi ra khỏi nhà thì chắc chắn vài tiếng đồng hồ sau ếch sẽ đầy vợt. Hồi đó, người làng tôi hay có câu: “Cái mặt chạu bạu như thằng câu ếch!” chỉ những ai có bộ mặt khó ưa. Mà đúng là đi câu ếch phải có nghề và phải tập trung cao độ nên mặt phải chạu bạu. Cần câu ếch làm bằng cây tre hóp (một loại tre có thân nhỏ thường trồng làm hàng rào), dây là sợi gấc to, đầu dây cột khi thì một con nhái bén, khi thì ruột con ốc bươu…
Bằng kinh nghiệm lâu năm, anh Chúc biết trước những chỗ ếch trú ngụ trên cánh đồng là buông câu. Mà phải khi mặt trời tắt bóng, trời nhập nhoạng ếch bắt đầu tìm mồi. Anh Chúc tay phải cầm cần câu nhấp nhấp, tay trái cầm cái vợt trong thế sẵn sàng. Chỉ cần con ếch cắn mồi là anh lẹ làng thu câu, đưa cái vợt vừa độ con ếch biết mình bị lừa nhả mồi ra là đã lọt thỏm vô vợt. Để được đi coi anh Chúc câu ếch, phải tuân thủ nguyên tắc là không được nói, cười gì cả, bởi chỉ cần nghe tiếng người là ếch chui vô hang trốn liền… Thỉnh thoảng, lũ trẻ chúng tôi mới “mắt tròn mắt dẹt” ngắm nghía một chú ếch bà bị cắn câu. Thân chú to bằng bàn tay người lớn, hai mắt tròn thô lố không hề tỏ ra có chút sợ sệt nào. Hèn gì ở quê tôi mới có chuyện một chú ếch bà nuốt gọn một con gà con vô tình lạc chân vào bụi rậm…
Tôi hiểu vì sao anh bạn lại thèm nghe một tiếng ếch kêu sau cơn mưa dông nơi đất khách. Tuổi thơ chúng tôi đong đầy kỷ niệm với cánh đồng quê mải miết. Là những buổi tối sau mưa dông mùa hạ hay những cơn mưa đầu mùa lụt được theo người lớn đốt đèn soi ếch. Cả cánh đồng rộn tiếng kêu của ếch nhái, côn trùng đang thỏa thuê cất tiếng chào mưa. Ếch nhảy ra đường tắm mưa thấy ánh sáng là trơ mắt đóng đèn, cứ thế mà tóm gọn từng chú một đến khi nào đầy mới thôi. Mà hồi đó chỉ bắt ếch chứ không bắt nhái bén hay mấy loại chàng hiu, ễnh ương… Sau này, cánh đồng làng hẹp dần, nông dân dùng nhiều loại thuốc hóa học để phòng trừ sâu bệnh cho lúa nên loài ếch ngày một ít dần. Cũng từ đó, cả nhái bén, chàng hiu, ễnh ương gì cũng bị con người bắt sạch…
Là những buổi trưa hè cả bầy con nít trong xóm giang nắng đi bắt cá lia thia. Bạn tôi cũng chưa biết chuyện bữa nay cánh đồng làng không còn loài cá lia thia tuổi thơ nữa, do loài cá rô phi xuất hiện sau này chúng đớp hết. Lại nhớ cái nạn ốc bươu vàng năm nào phá hại mùa màng và cũng gần như chiếm luôn môi trường sống của loài ốc bươu đen từ bao đời gắn liền với đồng ruộng. Ngồi ở cái quán bên ngã ba sông Ô Lâu ăn món ốc bươu đen, tôi hỏi anh chủ quán rằng ốc này anh lấy nguồn ở đâu, khi ngoài đồng dạo này toàn là ốc bươu vàng? Anh chủ quán nói phải rồi, ốc bươu đen sau khi bị ốc bươu vàng tấn công phải lui về đáy sông mà sinh tồn. Ốc bươu đen giờ chỉ có dưới lòng sông Ô Lâu, sáng sớm chúng thường nổi lên và ngư dân thường đi bắt ốc bán cho quán vào những sáng sớm như thế…
Ếch giờ cũng bán đầy chợ đấy thôi nhưng mà là ếch nuôi. Hồi trước, chỉ cần bước ra khỏi lũy tre làng, đến cánh đồng là đã nghe được thanh âm rộn rã mà dìu dặt của muôn loài. Về làng gặp mưa dông, tôi cũng thèm một tiếng ếch “ôộp, ôộp, ôộp….!” vang lên từ bờ bụi, ao hồ nhưng không còn nữa, huống chi bạn đang ở chân trời xứ lạ, có mà mơ nghe được tiếng ếch đồng làng. Cũng thật lạ, hồi xưa cụ Tú chạnh nhớ sông xưa mà thấy lòng hoang vắng khi: Vẳng nghe tiếng ếch bên tai – Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò. Còn bạn tôi và cả tôi nữa thì thèm nghe một tiếng ếch kêu để được “giật mình” tưởng về những ngày xưa cũ êm đềm…