Tổng thống Donald Trump giữa tuần qua chính thức loan báo Mỹ rút ra khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris năm 2015 được ký bởi người tiền nhiệm Barack Obama, nhưng sẽ tìm cách ký một thỏa thuận mới có lợi hơn cho doanh nghiệp và người đóng thuế Mỹ.
Chấm dứt đồn đoán trong những ngày qua, ông Trump cho biết sẽ chấm dứt sự chấp hành với một số phần không mang tính ràng buộc của thỏa thuận Paris ngay lập tức, trong khi cũng kêu gọi đàm phán để đạt được một “thỏa thuận công bằng”.
Dưới thời Tổng thống Obama, các doanh nghiệp tư nhân ở Mỹ đã tỏ rõ sự ủng hộ của họ đối với Thỏa thuận Paris “mở rộng cánh cửa cho các doanh nghiệp, nhà khoa học và kỹ sư để khai mở ra đầu tư và sự canh tân công nghệ cao, ít carbon và trên quy mô chưa từng có”.
Hành động này là một sự đảo ngược đáng kể chính sách từ thời Obama, làm hài lòng cơ sở ủng hộ của Đảng Cộng hòa nhưng khiến những người vận động vì môi trường và các đồng minh của Mỹ tức giận.
Thỏa thuận Paris đã được 195 nước phê chuẩn, có tính ràng buộc về mặt pháp lý trên lý thuyết, dù quyền hạn thi hành của nó khá yếu. Ví dụ, các mục tiêu phát thải carbon không có tính cưỡng hành. Theo thỏa thuận này Mỹ cam kết cắt giảm từ 26% đến 28% lượng phát thải carbon dioxide đến trước năm 2025. Nếu Mỹ không đạt được mục tiêu đó thì không có hệ quả pháp lý nào.
Các nhà hoạt động về biến đổi khí hậu tức giận thậm chí trước khi ông Trump đưa ra loan báo chính thức, cho rằng quyết định sẽ đi ngược lại lợi ích của họ.
Trong khi đó doanh nhân tỉ phú Elon Musk, người sáng lập Công ty Space X, tuyên bố từ chức khỏi ba ủy ban cố vấn khoa học của Nhà Trắng vì loan báo này của ông Trump.
Hai nhân vật khác là CEO Iger của Walt Disney, Travis Kalanick của Uber cũng có quyết định tương tự.
Quyết định của ông Trump rời bỏ thỏa thuận được đưa ra sau khi một nhóm 22 thượng nghị sĩ Cộng hòa gửi một bức thư kêu gọi ông Trump “dứt bỏ hoàn toàn thỏa thuận Paris” với lập luận rằng “ở lại trong thỏa thuận này sẽ khiến Mỹ gặp rủi ro về kiện tụng”.
Phản ứng về việc này, Pháp, Đức và Ý nói rằng rất lấy làm tiếc về quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris và bác bỏ đề nghị của ông chỉnh sửa hiệp định toàn cầu này. “Chúng tôi cho rằng đà tiến được khởi động ở Paris vào tháng 12-2015 là không thể đảo ngược được và chúng tôi tin chắc rằng Thỏa thuận Paris không thể đàm phán lại vì nó là một công cụ thiết yếu cho hành tinh, các xã hội và các nền kinh tế của chúng ta” – các nhà lãnh đạo của ba nước nói trong một tuyên bố chung hiếm có.
Thủ tướng Ý Paolo Gentiloni, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi các đồng minh của họ tăng tốc những nỗ lực chống lại biến đổi khí hậu và nói rằng họ sẽ làm nhiều hơn nữa để giúp các nước đang phát triển thích ứng.
Tại hội nghị thượng đỉnh G7 mới đây, ba nhà lãnh đạo đã cố gắng thuyết phục ông Trump ở lại trong thỏa thuận và tôn trọng những cam kết của Mỹ do chính quyền trước đưa ra.
Thông cáo bất thường của Pháp-Đức-Ý, được công bố chưa đầy một giờ đồng hồ sau khi ông Trump loan báo quyết định của mình, nêu bật sự thất vọng của ba nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng euro và quyết tâm của họ tiến về phía trước mà không có sự ủng hộ của Washington.
“Chúng tôi tin chắc rằng việc thi hành Thỏa thuận Paris mang lại những cơ hội kinh tế đáng kể cho sự thịnh vượng và tăng trưởng ở các nước và trên quy mô toàn cầu” – ba nhà lãnh đạo nói.
Thỏa thuận Paris buộc các nước giàu có giúp đỡ các nước đang phát triển xây dựng các nguồn năng lượng tái tạo. Pháp, Đức và Ý cho biết họ sẵn sàng làm thêm nữa để giúp đỡ mà không có nguồn tài trợ của Mỹ.
- N.N
Xem thêm:
- Tổng thống Mỹ phàn nàn về thâm hụt thương mại của Mỹ với Nhật
- Tổng thống Mỹ bất ngờ giải tán Hội đồng Cố vấn Kinh doanh
- Tổng thống Trump có thể tăng thuế đánh vào nhà giàu